TNV - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngành y tế đã có những sáng tạo và phương pháp chữa trị, phẫu thuật mới đem lại lợi ích cho cộng đồng. Gần đây, Bệnh viện Mắt Trung ươngđã áp dụng một phương pháp mới: “Phẫu thuật mộng ghép kết mạc rìa tự thân không khâu và không dùng keo dán sinh học”.
Phương pháp này được nghiên cứu bởi một nhóm bác sĩ của khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, bệnh viện Mắt Trung ương. Nhóm tác giả của công trình này là Bs. Trần Ngọc Khánh; Bs. Phạm Thị Minh Khánh; Bs. Nguyễn Văn Trình và Bs. Nguyễn Quốc Đạt. Công trình nghiên cứu đã xuất sắc đạt giải Nhất tại Hội thao kỹ thuật Sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội và cũng là công trình được tuyên dương tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ X.
Phương pháp phẫu thuật mới ưu việt của các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương
Phương thức phẫu thuật mới này là một nghiên cứu can thiệp lâm sàng áp dụng tại khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, bệnh viện Mắt Trung ương từ 2016 đến nay. Phương thức này điều trị các trường hợp người bệnh bị mộng nguyên phát độ II, III, sử dụng các thành phần đông máu có trong máu của chính người bệnh để cố định mảnh ghép.
Phương pháp đã mang lại nhiều ưu việt hơn so với phẫu thuật mổ mộng ghép kết mạc rìa dùng chỉ khâu như trước đây. Phẫu thuật mới dựa trên cơ chế đông máu, sử dụng máu tự thân vẫn đảm bảo mảnh ghép áp tốt giúp giảm thiểu kích thích, khó chịu, cộm chói nhiều, nguy cơ nhiễm khuẩn sau mổ khi dùng chỉ khâu và tránh nguy cơ lây nhiễm virus khi dùng keo dán sinh học. Bên cạnh đó, với phương pháp phẫu thuật này, thời gian phẫu thuật sẽ rút ngắn hơn và giúp tiết kiệm vật tư y tế. Đặc biệt, khi đưa vào áp dụng thực tế, phẫu thuật đã mang lại sự thoải mái và hiệu quả tốt hơn cho người bệnh, giảm cảm giác đau, cộm chói sau mổ. Tuy nhiên, “phẫu thuật mộng ghép kết mạc rìa tự thân không khâu và không dùng keo dán sinh học” chỉ phù hợp cho những người bệnh bị mộng độ II, III, thân mộng nhỏ và không mắc các bệnh về máu, huyết áp, tim mạch cũng như dùng thuốc chống đông.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện công trình nghiên cứu này, bác sĩ Ngọc Khánh cho biết: “Ý tưởng thực hiện của cả nhóm bắt nguồn từ trong chính quá trình làm việc, phẫu thuật cho người bệnh. Chúng tôi nhận thấy được những hạn chế của phương pháp mổ dùng chỉ khâu và keo dán. Chính vì thế, cần phải có một phương pháp mới hơn, tiên tiến hơn nhằm khắc phục những mặt hạn chế đó.”.
Bác sĩ chia sẻ thêm: “ Trong quá trình 6 tháng nghiên cứu và đưa vào thực tiễn, cả nhóm cũng gặp phải không ít khó khăn. Vì đây là phương pháp mới chưa được thực hiện tại viện Mắt Trung ương nên rất khó để thuyết phục người bệnh và cả những đồng nghiệp của mình tin rằng sẽ thành công”. Thế nhưng với tâm huyết và đặc biệt là cái tâm với nghềluôn muốn đem lại những gì tốt nhất, hiệu quả nhất cho người bệnh của mình là động lực lớn thúc đẩy các bác sĩ quyết tâm nghiên cứu và thực hiện thành công ý tưởng này.
Bao vất vả, nỗ lực của nhóm bác sĩ thực hiện đã được ghi nhận khi nghiên cứu mới này mang về nhiều giải thưởng cao. Thế nhưng, có lẽ đối với họ, có bao nhiêu giải thưởng cũng không thể sánh bằng niềm vui khi được thấy công trình của mình áp dụng rộng rãi trên khắp tất cả các địa phương cả nước, mang lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh. Chính những con người ấy - những người thầy thuốc có tâm với nghề, với người bệnh sẽ giúp mang đến một ngành y tế hiện đại hơn, tiên tiến hơn cho Việt Nam. Và cần phải có nhiều hơn nữa những tài sản trí tuệ, những công trình nghiên cứu thiết thực như thế để đem lại lợi ích cho cộng đồng của ngành y tế nói riêng và tất cả các lĩnh vực khác trong xã hội nói chung.
Hồng Nhung