Mỹ khước từ “Kế hoạch chiến thắng” của ông Zelensky
Từ góc nhìn của Ukraine, cuộc đối đầu quân sự với Nga dường như đã lâm vào thế bế tắc . Chuyến công du ngoại giao mới nhất của Tổng thống Ukraine Zelensky, nhằm khuấy động sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev, đã không mang lại bước đột phá nào.
Hy vọng của ban lãnh đạo Ukraine xoay quanh một văn bản mà họ gọi là bản “Kế hoạch chiến thắng”. Tên của tài liệu phản ánh chiến lược mà Kiev muốn dùng để đánh bại Moscow. Bản kế hoạch gồm khoảng 4 - 5 điểm chính.
Tuy nhiên trong quá trình đàm phán giữa Ukraine và phương Tây, hai bên bộc lộ những ý tưởng rất khác biệt về chiến lược cần có. Người Mỹ và người Tây Âu kỳ vọng Ukraine sẽ trao cho họ một tầm nhìn rõ ràng về chiến thắng và lộ trình để đạt được điều đó. Nhưng thay vào đó, Ukraine chỉ đưa ra một bản danh sách những “yêu cầu” mà Mỹ và EU cần đáp ứng để giúp Kiev đàm phán từ vị trí cửa trên.
Tổng thống Zelensky khẳng định rằng việc thực hiện tất cả những điểm chính trong bản kế hoạch của ông kết hợp với chiến dịch đột kích vào Kursk (Nga) cũng như tập kích lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa sẽ giúp nghiêng cán cân về phía Ukraine.
Tuy nhiên theo nguồn tin nội bộ phương Tây, những gì mà giới hoạch định chính sách Âu - Mỹ chứng kiến không gây ấn tượng cho họ. Họ xem một số điểm của ông Zelensky chỉ là sự lặp lại các yêu sách trước đây, không tạo thêm nhân tố mới nào vào động lực hiện nay của xung đột Nga - Ukraine , nhất là điểm mà Kiev nhấn mạnh nhiều, đó là tập kích tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Do vậy, bản “Kế hoạch chiến thắng” nhận được lời từ chối dứt khoát. Tổng thống Ukraine Zelensky đã phải rời Mỹ mà không hy vọng sẽ chấm dứt được xung đột theo cách tiếp cận của ông. Truyền thông phương Tây viết rằng ông Zelensky bị bỏ lại một mình với Nga cùng những vấn đề nội bộ của riêng ông này.
Những phương án còn lại của Ukraine
Theo Tổng thống Zelensky, Kiev thực sự có phương án dự phòng - phương án B của riêng họ, nhằm tiếp tục cuộc chiến như trước đây, với nguồn viện trợ hạn chế từ phương Tây và dựa nhiều hơn vào nội lực.
Khi ấy, dĩ nhiên Ukraine sẽ phải chuyển sang thế phòng ngự và cố gắng giữ những gì đang có. Câu hỏi tiếp theo là Ukraine sẽ giữ được bao lâu và kết cục sẽ ra sao?
Trước mắt, Kiev có thể đợi chờ có một sự thay đổi trong thời tiết chính trị tại phương Tây. Chẳng hạn, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, nếu ứng viên Kamala Harris lên nắm quyền ở Washington, chính quyền của bà có thể đưa ra quan điểm quyết đoán hơn đối với xung đột Ukraine. Tất nhiên lúc ấy người Tây Âu cũng sẽ phải đi theo thủ lĩnh Mỹ.
Tình huống thứ 2 mà Ukraine mong chờ, ít nhất từ tháng 12/2023, là sự kiện “thiên nga đen” khiến Nga tự sụp đổ. Tuy nhiên, diễn biến này rất khó xảy ra.
Nói cách khác, mục tiêu thực tế nhất của “phương án B” là cầm cự cho đến đầu năm 2024 rồi quyết định sẽ làm gì tiếp. Nhưng Kiev trước tiên cần phải có nguồn lực để duy trì sự cầm cự này. Hiện nay xã hội Ukraine ngày càng vỡ mộng về nhiều chính sách của chính phủ nhưng đa phần người dân Ukraine vẫn chưa muốn thỏa hiệp với Nga, nên Kiev vẫn có thể hy vọng duy trì hiện trạng.
Đối với ông Zelensky, điều quan trọng nhất là đánh giá đúng tình hình và không đi sai nước cờ. Nếu tình hình chính trị không cải thiện đối với Kiev và không có sự kiện “thiên nga đen” nào xảy ra, giới chức Ukraine sẽ phải tự tìm câu trả lời cho các vấn đề khó khăn của mình.
Những vấn đề mà Kiev đối mặt bao gồm cách khích lệ tinh thần toàn xã hội Ukraine, cách giành thêm chiến thắng quân sự khi nhuệ khí các quân nhân kỳ cựu của Ukraine đang xuống thấp và nhiều người trong số họ được thay thế bằng những tân binh nghĩa vụ chưa được huấn luyện kỹ càng và non kinh nghiệm tác chiến.
Kiev còn phải xử lý hàng loạt vấn đề khác như tình trạng sa lầy ở Kursk và sự sụt giảm viện trợ từ phương Tây.
Ngoài “ Kế hoạch Chiến thắng ”, phương án C của Ukraine có thể là bắt đầu đàm phán ngay mà không cần điều kiện thuận lợi hơn. Phương Tây chắc hẳn sẽ ủng hộ một quyết định như vậy. Giới lãnh đạo phương Tây thậm chí còn hình thành ý tưởng “nhượng lãnh thổ để gia nhập NATO”.
Nhưng Nga lại dị ứng với ý tưởng Ukraine gia nhập NATO. Ngoài câu chuyện lãnh thổ, mục đích chính của Kremlin trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine là khởi động đối thoại chiến lược với phương Tây nhằm chấm dứt việc NATO mở rộng sang phía Đông.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: RT, Gazeta