Trong khi Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine , Tướng Valeriy Zaluzhny muốn tiến hành cuộc phản công dọc theo toàn bộ chiến tuyến thì Mỹ cùng các đồng minh châu Âu muốn cuộc phản công tập trung vào một số khu vực nhất định, đặc biệt là cắt đứt sự kết nối của Nga với bán đảo Crimea.
Giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra ác liệt ở một số khu vực nhưng chưa bên nào tạo được bước đột phá. Ảnh: UNIAN
Ngày 15/6, tại một phòng họp tại trụ sở của lực lượng NATO ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng các chỉ huy hàng đầu của nước này đã có cuộc thảo luận với những người đồng cấp Ukraine. Căn phòng nặng trĩu bầu không khí căng thẳng.
Ông Austin đã hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tại sao các lực lượng Ukraine không sử dụng thiết bị rà phá bom mìn do phương Tây cung cấp để thực hiện cuộc phản công lớn hơn hoặc tiến hành cuộc tấn công cơ giới hóa và sử dụng khói để che mắt đối phương. Dù thiết lập được tuyến phòng thủ dày đặc, quân đội Nga không phải là “lực lượng bất khả chiến bại”, ông Austin nhấn mạnh.
Đáp lại, Bộ trưởng Reznikov cho biết, chính các chỉ huy quân sự Ukraine là những người đưa ra quyết định đó. Nhưng ông lưu ý, các đoàn xe bọc thép của Ukraine đang bị trực thăng, máy bay không người lái và pháo binh Nga phá hủy khi muốn tiến lên. Nếu không có sự yểm trợ của không quân, Kiev chỉ có lựa chọn duy nhất là dùng pháo binh để bắn phá phòng tuyến của Nga, sử dụng lực lượng bộ binh thay vì lực lượng cơ giới để tiến lên.
“Chúng tôi không thể cơ động vì mật độ mìn dày đặc và các cuộc phục kích của xe tăng đối phương”, ông Reznikov khẳng định.
Phương Tây và Ukraine “đồng sàng dị mộng”
Cuộc họp tại Brussels, diễn ra chưa đầy 2 tuần sau cuộc phản công, cho thấy sự khác biệt về quan điểm, mục tiêu đã làm dấy lên mối nghi ngờ và chia rẽ giữa phương Tây với Ukraine, đồng thời đặt ra câu hỏi về khả năng của Kiev trong việc giành lại các vùng lãnh thổ đã mất. Khi mùa đông đến và chiến tuyến bị phủ kín trong băng tuyết, hầu hết các quan chức quân sự cấp cao của Ukraine đều thừa nhận rằng, xung đột đang rơi vào tình trạng bế tắc.
Theo Washington Post, sự khác biệt giữa chiến lược của phương Tây và Ukraine được thể hiện trên nhiều phương diện. Thứ nhất, các sỹ quan của Ukraine, Mỹ và Anh đã tổ chức 8 hoạt động mô phỏng để xây dựng kế hoạch cho chiến dịch phản công, nhưng Washington đã tính toán sai lầm khi cho rằng, các lực lượng Ukraine có thể nhanh chóng trở thành lực lượng chiến đấu kiểu phương Tây trong một thời gian ngắn. Đặc biệt, Mỹ và châu Âu đã không trang bị đầy đủ máy bay chiến đấu cho không quân Ukraine – vốn là một phần thiết yếu đối với quân đội hiện đại.
Thứ hai, giới chức quân sự Mỹ tin rằng, với lực lượng và phương tiện sẵn có, Ukraine hoàn toàn có thể tiến hành cuộc tấn công trực diện bằng phương tiện cơ giới hóa để xuyên phá phòng tuyến Nga. Sau khi phá hủy phòng tuyến Nga, Ukraine có thể tiến tới Biển Azov, chia cắt quân đội Nga ở phía Nam trong vòng 60 đến 90 ngày.
Mỹ khuyến nghị Ukraine tập trung tấn công dọc theo trục phía Nam, nhưng lãnh đạo Ukraine cho rằng, các lực lượng nước này buộc phải tấn công vào 3 điểm khác nhau dọc theo mặt trận dài gần 1.000km: ở phía Nam theo hướng các thành phố Melitopol, Berdyansk trên Biển Azov và ở phía Đông tới thành phố Bakhmut.
Cuối cùng, nhiều quan chức của Ukraine và phương Tây dường như đã đánh giá thấp khả năng của Nga trong việc khôi phục lực lượng sau khi hứng chịu tổn thất lớn trên chiến trường và tận dụng các thế mạnh lâu dài của nước này như nhân lực, bom mìn... Khi thời điểm tiến hành cuộc phản công đến gần, giới chức Ukraine lo ngại họ sẽ phải gánh chịu tổn thất nặng nề, tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng số thương vong sẽ cao hơn nếu Kiev không tiến hành cuộc phản công quyết định và dứt khoát.
Cuộc phản công của Ukraine đang phải trả giá đắt?
Theo Washington Post, ở giai đoạn đầu cuộc phản công, các lực lượng Ukraine rất tự tin và Tổng thống Zelensky đã kỳ vọng vào một chiến thắng quyết định. Nhưng hiện giờ Ukraine đang phải đối mặt với sự thiếu chắc chắn trên tất cả các mặt trận. Cộng đồng quốc tế đang chuyển sự chú ý sang Trung Đông còn những nước ủng hộ Ukraine ngày càng lo ngại khi phải đóng góp nhiều hơn cho một mục tiêu bấp bênh. Ukraine vẫn chưa đạt được các mục tiêu chính khi cuộc phản công diễn ra chậm chạp và Kiev chỉ giành lại một số vùng lãnh thổ nhỏ.
“Xét ở góc độ nào đó, thật đáng tiếc là chúng tôi đã không đạt được kết quả như mong muốn và đó là sự thật”, ông Zelensky thừa nhận.
Kết quả không mấy thuyết phục sau 6 tháng diễn ra cuộc phản công đã khiến các nước phương Tây đặt câu hỏi liệu họ có đủ khả năng hỗ trợ lâu dài cho Ukraine hay không. Một quan chức Anh cho biết: “Xung đột sẽ diễn ra trong nhiều năm và hai bên sẽ phải đổ nhiều máu. Ukraine có sẵn sàng cho điều này hay không. Liệu họ có đủ nhân lực và kinh tế để trụ vững trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài hay không? Đến lúc đó phương Tây có đủ nguồn lực để tiếp tục viện trợ cho Ukraine hay không?”
Đến thời điểm hiện tại, phương Tây vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của Ukraine về cung cấp máy bay chiến đấu và Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) tầm bắn hơn 300km với đầu đạn chứa 170kg thuốc nổ, có thể tấn công các mục tiêu phía sau phòng tuyến của Nga.
Một quan chức tình báo cấp cao của phương Tây cho rằng: “Bạn sẽ không thể biến một quân đội kế thừa nhiều di sản từ thời hậu Liên Xô trở thành quân đội theo kiểu NATO chỉ sau một đêm. Sẽ thật sai lầm khi nghĩ rằng bạn có thể cung cấp cho họ những phương tiện cần thiết và điều đó sẽ khiến họ thay đổi cách chiến đấu”.