Hôm 21/2, một tuần trước lễ trao giải Quả Cầu Vàng thứ 78, Los Angeles Times đưa tin trong số 87 thành viên của HFPA, không có ai là người gốc Phi, dù vẫn có thành viên từ các màu da khác. Trang báo cho rằng có sự kỳ thị chủng tộc trong quá trình chọn tác phẩm tham gia giải. Vì vậy, các phim về đề tài người gốc Phi như Da 5 Bloobs, Judas and the Black Messiah và Ma Rainey's Black Bottom không được đề cử ở những hạng mục quan trọng năm nay.
Ngoài ra, theo Los Angeles Times, HFPA còn có dấu hiệu lạm quyền. Cây viết Josh Rottenberg trích dẫn lời tố cáo của một cựu chuyên viên truyền thống giấu tên: "Chúng tôi phải thực hiện mọi yêu cầu, cung cấp cho họ những tiện nghi xa xỉ nhất. Chúng tôi không thể chống lại họ".
Los Angeles Times nói hãng Paramount Television - thực hiện series Emily in Paris - đã tài trợ vé máy bay cho 30 thành viên của HFPA đến Pháp tham quan phim trường. Họ cũng được chiêu đãi "một kỳ nghỉ hai đêm tại khách sạn năm sao Peninsula, với giá phòng 1.400 USD một đêm, một buổi họp báo và ăn trưa tại bảo tàng nổi tiếng Musée des Arts Forains". Theo báo, đây có thể là lý do Emily in Paris được đề cử hạng mục Phim truyền hình xuất sắc của mùa giải năm nay, dù kịch bản chỉ ở mức trung bình.
Phía HFPA chưa phản hồi về cáo buộc. Tuy nhiên, một thành viên giấu tên thuộc nhóm không được mời đến Paris, thừa nhận Hiệp hội cần phải được chấn chỉnh. "Emily in Paris chắc chắn không nằm trong danh sách những phim hay nhất năm 2020. Việc tác phẩm được đề cử cho thấy khả năng đánh giá của chúng tôi đã tuột dốc. Nếu không thay đổi, hiệp hội sẽ chịu nhiều chỉ trích và chế nhạo", người này nói.
Lily Collins (trái) trong series "Emily in Paris". Ảnh: Netflix.
Hồi đầu tháng 2, Libby Hill của tờ IndieWire đưa ra lý giải khác, nói Emily in Paris được đề cử Quả Cầu Vàng 2021 vì có câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là người da trắng. Theo Hill, hai series I May Destroy You và Bridgerton, dù được nhiều nhà phê bình đánh giá cao nhưng không được đề cử hạng mục Quả Cầu Vàng nào, vì nhân vật chính da màu.
Đại diện HFPA phủ nhận thông tin thiên vị khi chọn tác phẩm tham gia giải, cho biết: "Mỗi thành viên đều bỏ phiếu bầu riêng tư. Hiệp hội luôn muốn một môi trường phim ảnh lành mạnh, nơi những kịch bản hấp dẫn có thể truyền cảm hứng cho khán giả toàn thế giới".
Không phải là lần đầu HFPA dính scandal thiên vị. Năm 1983, việc nữ diễn viên Pia Zadora giành chiến thắng ở hạng mục Ngôi sao mới của năm nhờ phim Butterfly, gây nhiều tranh cãi. Diễn xuất của Zadora lúc đó bị đánh giá tệ hại, nhận giải Mâm xôi vàng (Giải phim tệ nhất) ở cả hai hạng mục Nữ chính tệ nhất và Ngôi sao mới tệ nhất. Nhiều nguồn tin cho rằng Zadora thắng giải là nhờ người chồng tỉ phú Meshulam Riklis, đã dùng tiền mua chuộc các thành viên HFPA lúc bấy giờ.
Xuyên suốt lịch sử, HFPA nhiều lần dính tiếng xấu như "độc đoán", "thiếu chuyên nghiệp". Năm ngoái, nhà báo Na Uy Kjersti Flaa đệ đơn kiện HFPA, cáo buộc tổ chức ngăn cô và các nhà báo khác gia nhập, dành lợi ích độc quyền cho các thành viên hiện tại. Flaa nói nếu để cô tham gia, quyền lợi của họ, từ tiền truyền thông đến các chiếc vé tham dự sự kiện điện ảnh, sẽ bị chia nhỏ. Tòa án không chấp nhận lời buộc tội, vì Flaa không đủ bằng chứng.
The Hollywood Reporter và Deadline nhận định HFPA là một "hội kín" quyền lực, có thành viên là nhà báo, người truyền cảm hứng, diễn giả hoạt động trong nhiều tổ chức truyền thông lớn trên toàn thế giới. Một số thành viên chọn giữ kín danh tính, số khác không ngại ngần công khai. Các tên tuổi lớn trong hiệp hội này có nữ diễn viên gốc Hoa Lisa Lu - đóng phim Crazy Rich Asians, cựu Hoa hậu Hoàn vũ Margaret Gardiner, nam diễn viên gốc Ấn Noél De Souza - đóng loạt Star Trek, "bà trùm" trang sức Yola Czaderska-Hayek, vận động viên cử tạ Alexander Nevsky,...
Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood là tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 1943, trụ sở Los Angeles, Mỹ. Ban đầu, đây là một đoàn thể dành cho những nhà báo có định hướng phát triển thị trường phim ảnh Hollywood trong và ngoài nước Mỹ. Năm 1944, HFPA tổ chức lễ trao giải Quả Cầu Vàng đầu tiên. Mỗi năm, có tối đa năm nhà báo được xét duyệt thành thành viên mới của tổ chức. Chủ tịch Hiệp hội hiện tại là nhà báo gốc Istabul - Ali Sar. Quả Cầu Vàng được xem là một trong những giải thưởng phim ảnh quan trọng trước thềm Oscar hàng năm.
Phúc Nguyễn (theo Los Angeles Times)/vnexpress