Tạp chí y khoa chính thức của Hiệp hội Ung thư châu Âu (ESMO) Annals of Oncology đã đăng tải nghiên cứu mới về diễn biến lâm sàng và kết quả điều trị cho 28 bệnh nhân ung thư bị mắc bệnh Covid-19.
Nghiên cứu trên của nhóm tác giả làm việc tại Bệnh viện Tongji thuộc Đại học Y khoa Tongji, Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong (Vũ Hán); bệnh viện Công đoàn thuộc Đại học Y khoa Tongji, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Vũ Hán) và Viện nghiên cứu Lâm sàng thuộc Đại học Y khoa Jiao Tong (Thượng Hải).
(Ảnh minh họa)
Đặc điểm lâm sàng
Bệnh nhân ung thư là nhóm người có nguy cơ cao dễ tổn thương nghiêm trọng hơn khi mắc Covid-19. Tại thời điểm thực hiện nghiên cứu, các đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân ung thư bị nhiễm Covid-19 chưa được biết đến. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu muốn cung cấp các số liệu về lâm sàng và kết quả điều trị cũng như phân tích các yếu tố nguy cơ cho nhóm bệnh nhân này.
Để thực hiện nghiên cứu trên, nhóm tác giả đã sàng lọc, tập hợp các dữ liệu lâm sàng của 28 bệnh nhân mắc bệnh ung thư trong tổng số 1.276 bệnh nhân được chẩn đoán mắc và điều trị Covid-19 tại 2 bệnh viện ở Vũ Hán và 1 bệnh viện ở Thượng Hải từ ngày 13/1 - 26/2.
Theo nghiên cứu, độ tuổi của 28 bệnh nhân này từ 56-70 tuổi, tuổi trung bình là 65 tuổi. Trong đó, có 17 bệnh nhân nam (chiếm 60,7%), 18 bệnh nhân mắc bệnh ung thư ở giai đoạn I,II,III (chiếm 64,3%) và 10 bệnh nhân chiếm mắc bệnh ung thư giai đoạn IV (35,7%). Ngoài mắc bệnh ung thư, 11 bệnh nhân có ít nhất một bệnh nền khác như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính, bệnh viêm gan mạn tính.
Nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho các bệnh nhân này là từ cộng đồng (20 người) và lây chéo trong bệnh viện khi bệnh nhân đến điều trị ung thư (8 người).
Tỉ lệ bệnh nhân bị các loại ung thư được sắp xếp như sau: 7 ca ung thư phổi, 4 ca ung thư thực quản, 3 ca ung thư vú, 2 ca ung thư thanh quản, 2 ca ung thư gan, 2 ca ung thư tuyến tiền liệt, 1 ca ung thư cổ tử cung, 1 ca ung thư dạ dày, 1 ca ung thư đại tràng, 1 ca ung thư trực tràng, 1 ca ung thư vòm họng, 1 ca ung thư nội mạc tử cung, 1 ca ung thư buồng trứng, 1ca ung thư biểu mô tinh hoàn.
Các triệu chứng lâm sàng của 28 bệnh nhân được thống kê như sau: 23 người bị sốt (chiếm 82,1%), 22 người ho khan (81%) và 18 người mệt mỏi (64,3%), 14 người khó thở (50,0%), 4 người thở nhanh trên 30 lần/phút (14,3%).
Tất cả bệnh nhân được chụp CT ngực lúc nhập viện có kết quả hình ảnh phổi bất thường như hình kính mờ, dấu lát gạch “vô tổ chức” (Crazy Paving sign). Theo dõi hình ảnh CT ngực sau 7-14 ngày nhập viện cho thấy có sự cải thiện tốt lên ở 13 bệnh nhân, không thay đổi ở 5 bệnh nhân và xấu đi ở 6 bệnh nhân, có 4 bệnh nhân không thu được dữ liệu do bệnh nặng hoặc đã tử vong.
Có một số khác biệt về xét nghiệm máu ở nhóm bệnh nhân ung thư với người bệnh không bị ung thư nhiễm Covid-19. Theo đó, kết quả xét nghiệm máu ở các bệnh nhân cho thấy, 21 bệnh nhân thiếu máu (chiếm 75%), 9 bệnh nhân giảm bạch cầu (32,1%), 23 bệnh nhân giảm bạch cầu lympho (82,1%), 25 bệnh nhân giảm albumin huyết thanh (89,3%), 11 bệnh nhân tăng globulin huyết thanh (39,3%), 23 bệnh nhân tăng protein C phản ứng (82,1%) và tăng tốc độ máu lắng ở 16 bệnh nhân (57,1%).
Quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư mắc Covid-19
Toàn bộ bệnh nhân trên được điều trị bằng các liệu pháp chống ung thư trong vòng 14 ngày sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19. Có 21 bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, 25 bệnh nhân được điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị, 6 bệnh nhân được điều trị liệu pháp nhắm trúng đích (Targeted Therapy) hoặc liệu pháp miễn dịch hoặc điều trị kết hợp.
Ngoài ra, 22 bệnh nhân đã được áp dụng liệu pháp oxy, 10 người thở máy (trong đó thở máy xâm nhập 2 người và 8 người thở máy không xâm nhập), không có trường hợp nào điều trị thở oxy màng ngoài cơ thể (ECMO).
23 bệnh nhân được điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm, 20 bệnh nhân được điều trị thuốc kháng virus, được điều trị bằng Corticosteroid toàn thân và 12 bệnh nhân được tiêm tĩnh mạch Globulin miễn dịch.
Trong quá trình điều trị, một số bệnh nhân có biến chứng tăng nặng và tỉ lệ tử vong cao. Cụ thể, 8 bệnh nhân xuất hiện hội chứng suy hô hấp tính (ARDS), 1 bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, 2 bệnh nhân bị nghi ngờ thuyên tắc phổi và 1 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp (AMI).
Kết quả điều trị tại thời điểm nghiên cứu có 10 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị Covid-19 (chiếm 35,7%), 10 bệnh nhân đã xuất viện (35,7%) và 8 bệnh nhân tử vong (28,6%). Nguyên nhân tử vong do hội chứng suy hô hấp tính (5 người), tắc mạch phổi (1 người), sốc nhiễm trùng (1 người) và nhồi máu cơ tim cấp (1 người).
Khuyến cáo điều trị cho bệnh nhân sau 14 ngày mắc Covid-19
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 có diễn biến bệnh nghiêm trọng (53,6%) và bị tử vong (28,6%) cao. Trong khi đó, nếu tính theo tổng số bệnh nhân nhiễm chủng virus này, tỷ lệ bệnh nhân có diễn biến nặng chiếm 4,7% và tử vong chiếm 2,3%.
Theo đó, bệnh nhân ung thư đặc biệt nhạy cảm với mầm bệnh đường hô hấp vì họ ở trạng thái ức chế miễn dịch do bệnh lý ung thư và liệu pháp điều trị chống ung thư. Trong vòng 14 ngày điều trị, các liệu pháp chống ung thư có liên quan đến sự xuất hiện các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng của bệnh Covid-19.
Nhóm nghiên cứu khuyến cáo rằng, khi điều trị các liệu pháp chống ung thư cho bệnh nhân ung thư cần phải sàng lọc kỹ để loại trừ đối tượng nhiễm SARS-CoV-2. Nên tránh các phương pháp điều trị gây ra ức chế miễn dịch hoặc cần giảm liều trong trường hợp bệnh nhân ung thư đồng thời mắc Covid-19.
Bên cạnh đó, từ thực tế nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm từ cộng đồng (71,4%) và lây nhiễm chéo trong bệnh viện khi bệnh nhân đến điều trị ung thư (28,6%) cao. Do đó, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị cần có biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt trong các cơ sở y tế để tránh lây nhiễm chéo Covid-19 trong bệnh viện./.
CTV Trung Phan/VOV