Quan điểm của Albert Einstein về việc phát triển tư duy người học

Thứ bảy, 01/03/2025 - 08:26

TÓM TẮT: Albert Einstein (1879 - 1955) – một nhà vật lý lý thuyết người Đức, người được trao giải Nobel Vật lý năm 1921, và được biết đến như một Copernicus của thế kỷ XX trong ngành Vật lý thế giới (xem Renn & Rynasiewicz, 2014) – đã có những tư tưởng tiến bộ về giáo dục nói chung, giáo dục thanh thiếu niên nói riêng. Từ đó, bài viết này tập trung làm rõ một trong những khía cạnh nổi bật, đáng chú ý của tư tưởng giáo dục tiến bộ của ông mà cho đến nay hầu như vẫn chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo; đó chính là các quan điểm của ông về vấn đề phát triển tư duy người học.

Quan điểm của Albert Einstein về việc phát triển tư duy người học- Ảnh 1.

TỪ KHÓA: Albert Einstein, triết học giáo dục, quan điểm giáo dục, phát triển tư duy.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Giáo dục nói chung, giáo dục thanh thiếu niên nói riêng luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình, giáo dục cần phải gắn với triết học bởi vì triết học có chức năng thế giới quan và phương pháp luận. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục toàn cầu nói chung, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt nam nói riêng, việc nghiên cứu triết học giáo dục nhằm phục vụ cho sự phát triển của nền giáo dục đất nước đã và đang ngày càng trở nên cấp bách hơn bao giờ.

Albert Einstein được biết đến như một thiên tài của ngành vật lý thế giới. Ông đã có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực triết học khoa học (Howard, 2005). Không chỉ thế, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm có nội dung liên quan đến giáo dục có giá trị cao và vẫn còn đang được nghiên cứu cho đến nay, chẳng hạn như: The World as I See It (Thế giới như tôi thấy) (1941), Notes for an Autobiography (Ghi chú cho một quyển hồi ký) (1949), ... Tuy nhiên, cho đến nay, có vẻ như "quan điểm của Einstein về việc phát triển tư duy người học" vẫn còn là một trong những mảng nghiên cứu cần được đào sâu thêm, và do đó nó đã trở thành nhan đề của bài viết này.

2. NỘI DUNG

2.1. Quan điểm của Albert Einstein về việc phát triển óc tò mò của người học

Einstein rất xem trọng óc tò mò – ông nói: "Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ rất tò mò" (Einstein, 2019, tr.20). Có thể nói, ông là sản phẩm của óc tò mò và nhờ nó mà ông đã phát hiện ra nhiều cái mới mang tính cách mạng trong lịch sử ngành Vật Lý thế giới (xem Nguyễn Xuân Xanh, 2015). Mỗi khi được hỏi, "lời giải thích mà bản thân Einstein thường đưa ra nhất cho các thành tựu trí tuệ của mình là tính tò mò" (Isaacson, 2022). Ông còn nhấn mạnh: "Ai không còn tò mò, người đó như đã chết" (Nguyễn Xuân Xanh, 2015, tr.270).

Sự tò mò mà Einstein đề cập đến rất đơn giản – đó là sự tò mò của tuổi thơ – nhưng rất quan trọng đối với ông. "Óc tò mò của tuổi thơ không bao giờ mất ở ông, và luôn là động cơ của các khám phá" (Nguyễn Xuân Xanh, 2015, tr.270). Theo ông, nó cũng chính là nguồn gốc của mọi sự tiến bộ trong khoa học – ông nói: "Nguồn gốc của mọi sự tiến bộ khoa học đều từ sự tò mò" (Einstein, 1931, tr.47). Ông cho rằng óc tò mò là đức tính bẩm sinh, là bản năng tự nhiên mà con người cần phát huy, và là đức tính quý báu cần thiết cho sự phát triển trí tuệ một cách bình thường của con người. Ông gọi đây là "sự tò mò thiêng liêng" (tiếng Đức: die heilige neugier, tiếng Anh: divine curiosity) mà một đứa trẻ khỏe mạnh cần có (Einstein, 1954).

Einstein luôn ủng hộ một nền giáo dục khuyến khích sự tò mò của người học. Trong bản thào viết tay của ông với nhan đề "Mein Glaubensbekenntnis" (Tín điều của tôi) vào tháng 8 năm 1932, ông đã viết bằng tiếng Đức rằng: "Das Schönste und Tiefste, was der Mensch erleben kann, ist das Gefühl des Geheimnisvollen" (Tạm dịch: Điều đẹp đẽ và sâu sắc nhất mà một người có thể kinh nghiệm được là cảm giác bí ẩn). Cái cảm giác bí ẩn (das Gefühl des Geheimnisvollen) này khơi dậy và kích thích tính tò mò khám phá ở người học và các nhà khoa học. Chính sự tò mò đầy đam mê (passionate curiosity) về thế giới vật chất đã khiến Einstein sẵn sàng dấn thân vào khám phá những vùng đất trí tuệ còn hoang sơ (uncharted intellectual territories) (Palmer, 2021), đồng thời đã đem đến cho ông giải Nobel Vật Lý năm 1921 đầy vinh quang.

Theo Einstein, để khơi dậy, duy trì, và phát triển tính tò mò, cần phải luôn đặt câu hỏi – ông nói: "Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi. Sự tò mò có lý do riêng để tồn tại" (Einstein, 1955). Ông luôn để cho óc tò mò chỉ đường dẫn lối mình (xem Einstein, 1949). Theo đó, người học nên thường xuyên nêu thắc mắc để được giải đáp. Điều này cũng có nghĩa là người dạy cần thường xuyên nêu câu hỏi để khơi dậy, kích thích sự tò mò của người học.

Sự tò mò tự nhiên (natural curiosity) của con người dẫn họ đến với những tư tưởng hoài nghi (skeptical thoughts) (Foley, 1990). Nói về sự hoài nghi, Einstein đã từng bày tỏ sự thán phục đối với người thầy của mình vì sự hoài nghi kiên định của ông. Trong cuốn "Notes for an Autobiography" (Ghi chú cho một quyển hồi ký) (1949), ông nói rằng: "Tôi thấy sự vĩ đại của Mach trong sự hoài nghi không thể bị mua chuộc của ông" (tr.11). Ông luôn tự nhủ rằng:

"Một thái độ hoài nghi đối với những niềm tin tồn tại trong bất cứ môi trường xã hội cụ thể nào – một thái độ mà chẳng bao giờ rời xa tôi nữa, mặc dù sau này, do hiểu rõ hơn về các mối quan hệ nhân quả, nó đã phần nào mất đi sự cay đắng ban đầu" (Einstein, 1949, tr.9).

Ủng hộ tinh thần hoài nghi khoa học, Einstein cho rằng cần phải thuyết phục được sự hoài nghi của các nhà khoa học đối với các vấn đề khoa học được nêu lên (xem Einstein, 1949). Theo cách này, người học nên được khuyến khích thuyết phục người dạy về các câu hỏi được đặt ra. Với Einstein, ông thậm chí còn hoài nghi về chính công việc ông đang thực hiện. Thật vậy, "khi từ những công trình của ông một sự tổng hợp của các nguyên lý xác xuất và lượng tử hình thành và làm cho hầu hết các nhà vật lý chấp nhận được, thì ông lại tỏ ra dè dặt và hoài nghi" (Nguyễn Xuân Xanh, 2015, tr.192).

Quan điểm của Albert Einstein về việc phát triển tư duy người học- Ảnh 2.

2.2. Quan điểm của Albert Einstein về việc phát triển trí tưởng tượng của người học

Einstein rất giàu trí tưởng tượng. Ông luôn để cho tư duy mình bay bổng trên nền trời tự do của tạo hóa với đôi cánh đầy mộng tưởng (Nguyễn Xuân Xanh, 2015). Có thể nói, "óc tưởng tượng là đôi cánh của trực giác dẫn đường của ông" (Nguyễn Xuân Xanh, 2015, tr.282). Max Planck (1858 - 1947), nhà vật lý học nổi tiếng người Đức với giải Nobel Vật Lý năm 1918, đã đánh giá rất cao về khả năng tư duy trừu tượng cũng như khả năng tưởng tượng của Einstein (Nguyễn Xuân Xanh, 2015).

Einstein luôn cho rằng trí tưởng tượng là nguồn gốc của mọi sự tiến bộ trong khoa học – ông nói: "Nguồn gốc của mọi sự tiến bộ khoa học đều từ … trí tưởng tượng có tính xây dựng của những nhà phát minh kỹ thuật" (Einstein, 1931, tr.47). Do đó, ông rất coi trọng trí tưởng tượng. Có lần ông đã bộc bạch:

"Nếu suy nghĩ lại về tôi và về cách tư duy của mình, tôi gần như đi đến kết luận rằng khả năng tưởng tượng đối với tôi quan trọng hơn năng khiếu của tôi trong việc tiếp thu kiến thức tuyệt đối" (Nguyễn Xuân Xanh, 2015, tr.282).

Ông còn nhấn mạnh rằng: "Trí tưởng tượng thì quan trọng hơn kiến thức" (Einstein, 1931, tr.49). Câu nói này của ông rất dễ bị hiểu lầm. Muốn hiểu đúng, cần đặt nó trong bối cảnh mà nó được nêu lên. Thật vậy, vào thời Einstein, bức tranh về vũ trụ vẫn chưa được con người miêu tả một cách thực chất, bên cạnh đó là lối giáo dục áp đặt, nhồi nhét, ... nên kiến thức mà người học vào thời bấy giờ tiếp thu được thường là kiến thức "chết". Einstein từng nói: "Kiến thức thì chết; tuy nhiên, trường học thì phục vụ cho những người đang sống" (Einstein, 1954, tr.60). Loại kiến thức "chết" này cũng có thể hiểu là kiến thức "khô cứng" – ông cũng từng nói: "Kiến thức tự nó là khô cứng. Cần phải có người thầy giỏi và trường tốt để làm sống nó lại" (Nguyễn Xuân Xanh, 2015, tr.270). Từ đó, Einstein đã nêu lên cách làm "sống lại" loại kiến thức "chết" (kiến thức "khô cứng") này là khơi dậy và kích thích trí tưởng tượng tự nhiên của người học. Khi được trí tưởng tượng dẫn lối, họ sẽ không còn đi vào tư duy lối mòn, nhưng được tự do khám phá các tri thức mới. Einstein đã chứng minh điều ông nói đó bằng những thành công vang dội trong khoa học mà đỉnh cao là giải Nobel Vật Lý năm 1921.

Để trí tưởng tượng làm việc một cách hiệu quả, theo Einstein, người học cần phải từ bỏ thành kiến. Một hôm, khi giảng về nội dung "Luật biến đổi" trong Vật Lý học, một sinh viên đã hỏi ông rằng: "Nhưng theo cái lẽ thường thì dù đứng yên hay di động, một vật vẫn giữ những kích thước của nó"; ông mỉm cười và đáp rằng:

"Nhưng lẽ thường là cái gì kia chứ? Chỉ là thành kiến từ hồi trẻ thôi. Phải có tinh thần từ bỏ thành kiến đi mới được. Dẫu sao thì cũng khó mà tưởng tượng được một cây thước rút ngắn lại tới số không" (Nguyễn Hiến Lê, 1998, tr.23).

Tuy nhiên, theo Enstein, thành kiến là một cái gì đó rất khó bỏ – ông đã chỉ ra một thực tế là: "ít người có khả năng nói lên được một cách bình thản ý kiến khác với những thành kiến của môi trường xung quanh" (Nguyễn Xuân Xanh, 2015, tr.301), thậm chí ngay cả các học giả có tinh thần táo bạo và bản năng tốt (audacious spirit and fine instinct) cũng có thể lý giải các vấn đề theo các định kiến triết học (Einstein, 1949). Từ đó, ông luôn quan niệm rằng phải suy nghĩ một cách toàn diện từ tận gốc rễ, không thành kiến, và không để cho bất kỳ thiên kiến nào, dù là của tôn giáo, triết học, hay gì đi chăng nữa che đi nhãn quan của ông (Nguyễn Xuân Xanh, 2015).

2.3. Quan điểm của Albert Einstein về việc phát triển tư duy độc lập của người học

Einstein luôn khuyến khích việc nhận thức vấn đề bằng tư duy độc lập. Ông đã phê phán nền giáo dục đương thời đã góp phần ngăn trở sự phát triển của khả năng tư duy độc lập của người học – ông nói: "gánh nặng của nội dung học, của hệ thống điểm là những thứ đe dọa khả năng tư duy và phán đoán tự lập của học sinh" (Nguyễn Xuân Xanh, 2015, tr.272). Không chỉ lên tiếng bảo vệ cho những người học có tư duy độc lập, ông cũng sẵn sàng chấp nhận trả giá để được theo đuổi những ý tưởng độc lập của mình (xem Nguyễn Xuân Xanh, 2015).

Ông cho rằng việc phát triển khả năng tư duy độc lập của người học quan trọng hơn việc tích lũy kiến thức của họ – ông nói: "Tư duy và phán đoán tự lập nên luôn luôn được đặt lên hàng đầu chứ không phải sự tích lũy của kiến thức chuyên môn" (Einstein, 1954; Nguyễn Xuân Xanh, 2015, tr.272). Ông còn nhấn mạnh rằng:

"Nếu một người nắm vững những điều cơ bản về môn học của mình và đã học cách suy nghĩ và làm việc một cách độc lập, họ sẽ tìm ra con đường của mình, bên cạnh đó còn có khả năng thích nghi với sự tiến bộ và thay đổi tốt hơn so với người mà quá trình đào tạo chủ yếu chỉ bao gồm việc tiếp thu kiến thức chi tiết" (Einstein, 1954, tr.64).

Từ đó, ông quan niệm rằng cần phải giáo dục tư duy độc lập cho người học (Einstein, 1941, 2006) bởi vì họ cần "độc lập trước những quan điểm, thói quen và sự phán xét của người khác, và không để mình dễ bị chao đảo" (Einstein, 2006). Theo đó, tư duy độc lập là điều cần thiết để người học có được kiến thức của riêng mình, từ đó phân biệt được đúng - sai, thật - giả mà vững vàng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, theo ông, sự phê phán của những người có tinh thần tư duy độc lập góp phần phát triển khoa học kỹ thuật – ông nói:

"Việc bỏ bê/xao lãng khoa học dẫn đến tình trạng thiếu hụt các lao động trí thức có khả năng mà nhờ vào quan điểm và sự phê phán độc lập của họ để mở ra những con đường mới cho ngành công nghiệp" (Einstein, 1941).

Việc sử dụng tư duy độc lập có những thách thức của nó. Einstein đã chỉ ra một số trở ngại mà người học với tư duy độc lập cần lưu ý. Theo ông, một trong những khắc tinh của tư duy độc lập chính là định kiến – ông nhắn nhủ: "Điều tôi muốn nói cũng chẳng mới mẻ gì và cũng không gì hơn là sự thể hiện quan điểm của một con người độc lập và thẳng thắn – không bị trở ngại bởi những định kiến" (Einstein, 2006). Quan niệm này của Einstein, có thể nói, đồng quan điểm với triết gia Francis Bacon. Thật vậy, thành kiến – Bacon cho rằng đó là khắc tinh của việc nhận thức đúng đắn tri thức khoa học, còn Einstein thì cho rằng đó là là khắc tinh của tư duy độc lập. Bên cạnh đó, theo Einstein, sự cám dỗ về cái gọi là "mốt thời đại" cũng chính là một chướng ngại "giấu mặt" khác mà người học với tư duy độc lập cần lưu ý – ông khuyên người ta cần "có óc quan sát độc lập, cảm nhận và đánh giá không phụ thuộc vào các loại mốt thời đại" (Einstein, 2006). Ngoài ra, Einstein cũng cảnh báo rằng khi tư duy độc lập, người ta dễ chịu tác động/ảnh hưởng bởi những đối tượng họ nhận thức – ông nói: "Hiếm có những người đủ độc lập đến mức có thể nhìn ra những điểm yếu và sự lố bịch của người đương thời và đồng thời không để mình bị lụy vào đấy" (Einstein, 2006). Tuy nhiên, ông cho rằng có thể khắc phục điều này bằng cách kết hợp với tư duy của những người đồng chí hướng với mình, vì khi đó họ sẽ góp ý cho mình, giúp mình giảm thiểu hay tránh được các tác động/ảnh hưởng nêu trên. Nói về điều này, Einstein có kể về việc ông đã từng phát triển một dự án gọi đùa là "Akademie Olympia" (Viện hàn lâm Olympia) vào năm 1902, trong đó ông cùng với hai người bạn là Conrad Habicht và Maurice Solovine đã cùng nhau đọc từng trang sách, thảo luận hàng giờ về khoa học và triết học (Nguyễn Xuân Xanh, 2015). Einstein còn kể về tình bạn thân thiết giữa ông với người bạn thân của ông là giáo sư Katzenstein – ông nói rằng tình bạn này đã giúp cho cả hai độc lập hơn với trải nghiệm bên ngoài ("more independent of external experience") và khách quan hóa nó một cách dễ dàng hơn ("objectivize it more easily") (Einstein, 1941).

Bàn về hiệu quả của tư duy độc lập, trong tác phẩm "Notes for an Autobiography" (Tạm dịch: Ghi chú cho một quyển hồi ký) (1949), Einstein đã viết rằng:

"Khi còn là một sinh viên, tôi không hiểu rõ rằng cách tiếp cận tri thức về các nguyên lý cơ bản của vật lý lại trở nên sâu sắc hơn khi gắn liền với các phương pháp toán học phức tạp nhất. Điều này chỉ dần xuất hiện trong tôi sau nhiều năm hoạt động khoa học một cách độc lập" (tr.11).

2.4. Quan điểm của Albert Einstein về việc phát triển tư duy sáng tạo của người học

Einstein luôn khuyến khích việc vận dụng tư duy sáng tạo vào giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống. Bản thân ông, "ông không khép mình vào bộ máy hay một thế giới cố định nào" (Nguyễn Xuân Xanh, 2015, tr.281) mà luôn tư duy sáng tạo. Nhờ tư duy sáng tạo, ông đã mở rộng lĩnh vực nghiên cứu của mình từ vật lý học sang triết học – ông nói:

"Tôi đã hứa, sẽ viết gì đó về Russell như về một triết gia và một nhà nhận thức luận … tôi sớm nhận ra rằng, một người bấy lâu chỉ cẩn trọng dừng lại trong địa hạt vật lý như tôi đã liều lĩnh biết bao khi dám đặt chân vào một lĩnh vực hóc búa như vậy" (Einstein, 1941, 2006).

Einstein đã chia sẻ quan điểm của ông về tư duy sáng tạo trong một số bức thư, bản thảo viết tay, và bài phát biểu của ông. Chẳng hạn, trong một bức thư gửi cho Walter Dällenbach – một sinh viên ngành Toán học và là học trò cũ của ông tại Zurich (Đức) – vào tháng 2 năm 1917, Einstein đã bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với cách lập luận sáng tạo của sinh viên này, ông viết: "Tôi đặc biệt thích cách diễn đạt tinh tế của bạn về độ phân cực, điều này có vẻ mới mẻ". Trong bài phát biểu có nhan đề "On Education" (Tạm dịch: "Về giáo dục") tại Viện Đại học tiểu bang New York (the State University of New York) nhân dịp kỷ niệm 300 năm giáo dục đại học Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1936, Einstein đã cho rằng cần phải đổi mới kiến thức – điều mà gần như không thể thực hiện được nếu thiếu tư duy sáng tạo – nhằm góp phần phát triển giáo dục; ông nói: "với những công việc của người năng động thì khác … kiến thức phải liên tục được đổi mới bằng nỗ lực không ngừng, nếu không muốn bị mất đi" (Einstein, 1954, tr.59).

Einstein cho rằng sự sáng tạo của người học tạo ra sự độc đáo của riêng họ. Theo ông, sự độc đáo đó tạo ra sự "giàu có" (hiểu theo nghĩa là sự phong phú và đa dạng) của một cộng đồng – ông nói: "Một cộng đồng chỉ bao gồm những cá nhân được chuẩn hóa mà không có sự độc đáo và mục tiêu cá nhân thì sẽ là một cộng đồng nghèo nàn, không phát triển được" (Einstein, 1954, tr.60). Ông còn nhấn mạnh: "Nếu không có những cá thể sáng tạo … thì sự phát triển lên cao của xã hội là khó tưởng tượng" (Einstein, 1941, 2006). Có thể thấy trong hai câu nói trên của Einstein một sự "đồng điệu" với quan điểm của triết học Mác về cặp phạm trù cái riêng và cái chung. Trong đó, cái riêng (sự độc đáo của mỗi người học) tồn tại trong mối liên hệ với cái chung (sự phát triển của cộng đồng), và cái chung (sự phát triển lên cao của xã hội) chỉ tồn tại và thông qua các cái riêng (những cá thể sáng tạo).

Einstein cũng quan niệm rằng chúng ta nên tư duy sáng tạo trong suốt cuộc đời mình nhằm nâng cao khả năng nhận thức của bản thân, góp phần bảo tồn kho tàng tri thức nhân loại. Ông nói:

"Đối với những con người hành động, nhận thức một lần về chân lý là không đủ; ngược lại, nhận thức này phải được luôn luôn làm mới lại một cách không mệt mỏi nếu không muốn nó bị mai một" (Einstein, 2014).

Đồng thời, Einstein cũng cho rằng nhờ sự đổi mới kiến thức mà giáo dục phát triển lên hơn lên, góp phần duy trì và phát triển xã hội loài người (xem Einstein, 1954). Lý giải về điều này, ông cho rằng nó cũng giống như một bức tượng bằng đá cẩm thạch đặt giữa sa mạc, nếu không được làm mới liên tục trạng thái (từ bị cát phủ lấp đến không còn bị thế), thì nó sẽ nhanh chóng bị chôn vùi dưới tác động của cát do hiện tượng cát bay, và không còn tỏa sáng dưới ánh mặt trời nữa (Einstein, 1954). Vào thời bấy giờ, có thể nói, đây chính là một ý tưởng mới về tinh thần học tập suốt đời nhằm mục đích không để kiến thức bị mai một dần theo năm tháng – một ý tưởng mà vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay.

3. KẾT LUẬN

Albert Einstein đã có những tư tưởng tiến bộ về việc giáo dục người học, đặc biệt là các thanh thiếu niên. Trong đó, một số khía cạnh cơ bản và quan trọng được bài viết tìm thấy là các quan điểm của ông về: óc tò mò, trí tưởng tượng, tư duy độc lập, và tư duy sáng tạo. Những kiểu tư duy này rõ ràng là vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, đồng thời thích hợp cho nền giáo dục của mọi quốc gia vào mọi thời đại, đặc biệt là thời đại hiện nay. Do đó, có thể nói, quan điểm của Einstein về việc phát triển người học, thể hiện qua các quan niệm của ông về óc tò mò, trí tưởng tượng, tư duy độc lập, và tư duy sáng tạo, là phù hợp để vận dụng vào các hoạt động giáo dục ở Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

Trong đó, sợi chỉ đỏ xuyên suốt của tất cả các kiểu tư duy nêu trên là sự tự do, đồng thời, khởi đầu của chúng là sự tò mò; như Einstein đã từng nói trong cuốn "Notes for an Autobiography" (1949) (Tạm dịch: Ghi chú cho một quyển hồi ký) rằng:

"Trong thực tế, thật là một phép màu khi các phương pháp giảng dạy hiện đại vẫn chưa hoàn toàn bóp nghẹt sự tò mò thiêng liêng của việc tìm tòi; bởi vì cái cây non mỏng manh này, bên cạnh sự kích thích, thì chủ yếu là cần đến sự tự do; không có sự tự do, nó chắc chắn sẽ lụi tàn và bị hủy hoại" (tr.11)./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Einstein, A. (February, 1917). A Letter from Einstein to Walter Dällenbach.

Einstein, A. (1931). Einstein on Cosmic Religion and Other Opinions & Aphorisms.

Einstein, A. (August 1932). Mein Glaubensbekenntnis. Handschriftlichem Entwurf.

Einstein, A. (1941). The World as I See It. Translated by Harris, A. London (UK): John Lane the Bodley Head.

Einstein, A. (1949). Notes for an Autobiography. The Saturday Review of Literature, pp.9-12.

Einstein, A. (1954). Ideas and Opinions. New York (USA): Crown Publishers, Inc.

Einstein, A. (1955). Death of a Genius: His Fourth Dimension, Time, Overtakes Einstein. In W. Miller (Ed.), Old Man's Advice to Youth: "Never Lose a Holy Curiosity", pp.62-64. New York: Time, Inc.

Einstein, A. (2006). Albert Einstein - Thế giới như tôi thấy - The World as I See It. Biên dịch: Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, và Trần Tiễn Cao Đăng. Hà Nội: NXB. Tri thức.

Einstein, A. (2014). Thuyết tương đối hẹp và rộng – Albert Einstein (viết cho đại chúng). Sưu tầm, chuyển ngữ, và viết lời dẫn nhập: Nguyễn Xuân Xanh. TP.HCM: NXB. Tổng hợp TP.HCM.

Einstein, A. (2019). "On Education, Students, and Academic Freedom". In The Ultimate Quotable Einstein, edited by Alice Calaprice, USA: Princeton University Press.

Foley, R. (1990). Skepticism and rationality. In Doubting: Contemporary Perspectives on Skepticism (pp.69-81). Dordrecht: Springer Netherlands.

Howard, D. A. (2005). Albert Einstein as a Philosopher of Science. Physics Today, 58(12), 34-40.

Isaacson, W. (2022). Einstein: Cuộc đời và vũ trụ. Biên dịch: Vũ Minh Tân. TP.HCM: NXB. Thế giới.

Nguyễn Hiến Lê. (1998). Einstein – Đời sống và tư tưởng. Hoa Kỳ: NXB. Văn Nghệ.

Nguyễn Xuân Xanh. (2015). Einstein. TP.HCM: NXB. Tổng hợp TP.HCM.

Palmer, R. E. (2021). A passion for physics. Advances in Physics: X, 6(1) 1933881. DOI: 10.1080/23746149.2021.1933881.

Renn J., & Rynasiewicz R. (2014). Einstein's Copernican Revolution. In: Janssen M., & Lehner C., eds. The Cambridge Companion to Einstein. Cambridge University Press; 38-71. DOI:10.1017/CCO9781139024525.

ThS.NCS Phan Lữ Trí Minh

Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn