Quan điểm của Đảng về công tác dân vận từ Đại hội VI đến nay

Thứ sáu, 08/11/2024 - 14:44

Kế thừa nền tảng tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về công tác dân vận, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8B khóa VI về "Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân", Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về ‘Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" và phát triển hệ thống các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp công tác dân vận của Đảng, công tác dân vận ngày càng phát huy hiệu quả, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Hệ thống các quan điểm, nhiệm vụ giải pháp tiếp tục được nâng tầm cao hơn, thể hiện cụ thể trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đề ra đường lối đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, mở ra thời kỳ phát triển mới. Xuất phát từ thực tiễn, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc: "Nhân dân lao động có ý thức làm chủ và được làm chủ thực sự, thì ở đấy xuất hiện phong trào cách mạng"[1]. Bởi Nhân dân là lực lượng cách mạng, thực hiện mục tiêu của Đảng. Vì vậy, Đại hội nhấn mạnh: "Những mục tiêu do Đại hội đề ra chỉ có thể thực hiện được bằng hành động cách mạng sáng tạo của hàng triệu quần chúng"[2]. Đồng thời, Đại hội chỉ ra phải có sự tham gia của nhân dân ở các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội: " Việc phát huy vai trò của nhân dân lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội cần được các cơ quan lãnh đạo và quản lý đặt ra và thực hiện ngay từ khi chuẩn bị và quyết định chủ trương, chính sách"[3].

Thực hiện chương trình, hành động toàn khóa của Đại hội, tại Hội nghị lần thứ Tám khóa VI, ngày 27/3/1990, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề "về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân". Nghị quyết đã đề ra những quan điểm về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, làm căn cứ khoa học, chỉ đạo công tác vận động quần chúng của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc và các tổ chính trị - xã hội nhằm tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Tại Hội nghị Trung ương Bảy, khóa XI, ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề "Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới". Các quan điểm của Đảng về công tác dân vận được xác lập một cách đầy đủ, toàn diện, đó là:

Một là, quan điểm về vị trí, vai trò của nhân dân: Quan điểm các mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ còn là mục tiêu, động lực của cách mạng. Mục tiêu lý tưởng của Đảng chỉ có thể trở thành hiện thực, có khả năng cải tạo xã hội cũ, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp khi Đảng có lực lượng nhân dân. Không có lực lượng nhân dân, không do nhân dân trực tiếp thực hiện thì mục tiêu, lý tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng cũng không trở thành hiện thực. Và chỉ khi nào, nhân dân thực sự là chủ, thực sự làm chủ thì cách mạng vô sản mới đạt được mục đích của mình.

Hai là, Quan điểm về lợi ích: Lợi ích của nhân dân là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy các phong trào cách mạng. Mang lại lợi ích cho nhân dân là mục tiêu lý tưởng của Đảng. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Chính vì vậy, để tuyên truyền, thuyết phục, vận động, thu hút, tập hợp được nhân dân, tổ chức các phong trào cách mạng của nhân dân, mọi hoạt động của Đảng, từ chủ trương, đường lối, chính sách đến hoạt động thực tiễn phải xuất phát từ lợi ích, mang lại lợi ích cho nhân dân. Chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân, coi đó là động lực trực tiếp, gắn chặt quyền lợi với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân, giải quyết hài hòa vấn đề lợi ích, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm là sự phát triển lý luận của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện hiện nay.

Ba là, Quan điểm về phương thức lãnh đạo công tác dân vận: Công tác dân vận là một nội dung trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, vì thế phương thức lãnh đạo công tác dân vận phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh là nhân tố quan trọng nhất, quyết định nhất đối với hiệu quả công tác dân vận. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân. Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu về mọi mặt, vì gương mẫu là "mệnh lệnh không lời". Sức mạnh của nêu gương, nhất là nêu gương về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, rất to lớn và quan trọng. Một trong những phương pháp lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội của Đảng chính là đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Bốn là, Quan điểm về trách nhiệm đối với công tác dân vận: Quan điểm này xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các chủ thể trong quá trình tiến hành công tác dân vận. Đây là sự kế thừa những quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận, đồng thời có sự phát triển mới trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo xã hội, đặc biệt là nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm "tổ chức thực hiện" của chính quyền, vai trò, trách nhiệm "tham mưu, nòng cốt" của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong điều kiện Đảng ta đang đổi mới phương thức lãnh đạo và đang xây dựng một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.

Năm là, Quan điểm về hình thức công tác dân vận: Quan điểm này nhấn mạnh cần cụ thể hóa hơn nữa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thành các văn bản pháp luật, có tính pháp lý, xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng chủ thể, mối quan hệ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân để cả hệ thống chính trị và các lực lượng làm căn cứ, cơ sở pháp lý trong lãnh đạo, quản lý xã hội nói chung và trong công tác dân vận nói riêng; Các hình thức tập hợp Nhân dân phải phong phú, đa dang, khoa học, hiệu quả bởi đối tượng của công tác dân vận là Nhân dân bao gồm tất cả giai cấp, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi.

Hệ thống các quan điểm của Đảng về công tác dân vận ở Nghị quyết Trung ương Bảy, khóa XI đã thể hiện đầy đủ, rõ ràng và sâu sắc bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xác lập vị thể chủ thể đất nước, vai trò lịch sử to lớn của Nhân dân ta trong mọi thời kỳ cách mạng; xác định rõ phát huy dân chủ và đáp ứng lợi ích, nhất là lợi ích trực tiếp là động lực to lớn thúc đẩy phong trào nhân dân, huy động phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn chặt với chăm lo cuộc sống của nhân dân; xác định trách nhiệm thức hiện công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền thực hiện công tác dân vận, trong đó có trách nhiệm thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận.

Công tác dân vận của Đảng tiếp tục được Đại hội lần thứ XIII xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đề ra mục tiêu phải đạt được thông qua công tác dân vận của Đảng: "…tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh."[4]. Đại hội nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi đội ngũ cán bộ thật sự "gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân". Nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu trước quần chúng nhân dân của cán bộ , đảng viên nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trực tiếp giao tiếp với nhân dân. Đồng thời, kiên quyết phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân.

Như vậy, trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới từ Đại hội lần thứ VI đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng, quan điểm của Đảng về công tác dân vận không ngừng được bổ sung phát triển, phản ánh nhận thức sâu sắc của Đảng về vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận, các quan điểm đó thể hiện:

Một là: Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn coi trọng công tác dân vận, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành bại của cách mạng, thông qua đó góp phần củng cố tăng cường mối liên hệ mật thiết tất yếu, khách quan giữa Đảng và nhân dân.

Chất lượng công tác dân vận phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Động lực thúc đẩy phong trào cách mạng là đáp ứng kịp thời những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân. Đảng phải tin dân, dân tin Đảng.

Hai là: Nâng cao chất lượng công tác dân vận phải trên cơ sở tăng cường xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải sâu sát thực tế, nắm bắt, giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Từ đó, củng cố niềm tin, sự tin tưởng của nhân dân với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao ý thức trách nhiệm vì nhân dân phục vụ, những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Ba là: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể và được quán triệt thống nhất, nhất quán trong toàn Đảng từ Trung ương đến cơ sở, từ lời nói đến việc làm. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và chiến sĩ lực lượng vũ trang phải nêu cao ý thức trách nhiệm thực hiện công tác dân vận; thực sự là tấm gương tiêu biểu để nhân dân tin tưởng, noi theo. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ dân trí, phát huy vai trò, trách nhiệm làm chủ của nhân dân.

Bốn là: công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt tham mưu và thực hiện theo cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" cùng phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Với trách nhiệm lãnh đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tiên phong về trí tuệ, biết lắng nghe ý kiến và chỉ dẫn nhân dân thực hiện và thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Năm là: Thường xuên củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, trước hết là cán bộ Ban dân vận các cấp thực sự tinh thông về nghiệp vụ, chuyên môn vững vàng, tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo và thực hiện công tác dân vận. Phương thức công tác dân vận phải đa dạng, phong phú, khoa học, hiệu quả đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Coi trọng công tác sơ, tổng kết nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận.

Nguyễn Thị Nga - Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực 2


    Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, Tr.109 ↑

    Sđd, Tr, 111. ↑

    Sđd, Tr, 111. ↑

    Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.191. ↑