Quan hệ chiến lược Nga-Saudi Arabia và các thỏa thuận hàng tỷ USD

Thứ ba, 15/10/2019 - 06:20

Khoảng 30 nội dung sẽ được bàn thảo và ký kết nhân chuyến thăm của Tổng thống Nga tới Saudi Arabia, bao gồm các thỏa thuận kinh tế, thương mại.

Ngày 14/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến thăm Saudi Arabia, nhằm tăng cường hợp tác song phương, đặc biệt trong vấn đề năng lượng cũng như các vấn đề khu vực. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Putin tới Saudi Arabia kể từ năm 2007, trong đó tập trung thảo luận về việc tiếp tục hợp tác để ổn định giá dầu, tình hình ở Syria, Vịnh Persian, Yemen.

Thái tử Saudi Arabia và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị G20. Ảnh: France 24

Mục đích chuyến thăm

Đây được xem là chuyến thăm lịch sử của ông Putin tới Saudi Arabia. Trong thời gian qua, quan hệ hai nước đã chứng kiến những bước phát triển tích cực. Như các quan chức Nga cho biết, mục đích của chuyến thăm là nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lực vực như chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu mỏ, quốc phòng và an ninh cũng như củng cố quan hệ Nga – GCC, Nga với OIC.

Các quan chức Nga tin rằng quan hệ chiến lược với Saudi Arabia rất quan trọng vì một thị trường dầu ổn định, một khu vực ổn định và đầu tư chung quy mô lớn. Chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường vai trò của Nga với tư cách là người chơi để đạt được sự ổn định trong khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.

Một điểm rõ nhất trong chuyến thăm này của Tổng thống Putin chính là thiết lập quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Saudi Arabia. Các nhà phân tích nói rằng Nga đang chờ đợi một thay đổi mới và mạnh mẽ khi củng cố quan hệ với liên minh UAE và Saudi Arabia để định hình một tương lai mới cho khu vực đồng thời tạo ra các cân bằng toàn cầu khi quan hệ với các cường quốc kinh tế mới nổi nhất trong khu vực. Hai nước đang hợp tác trong nhiều dự án lớn nhưng kỳ vọng sẽ hợp tác nhiều hơn so với thế mạnh và lợi thế của mỗi nước.

Cuộc chiến ở Syria sau sự leo thang căng thẳng khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào phía đông bắc Syria hay tình hình chiến sự ở Yemen, căng thẳng ở vùng Vịnh, vấn đề hạt nhân Iran sẽ là một trong những trọng tâm được bàn thảo trong chuyến thăm này của Tổng thống Nga.

Các hợp đồng ký kết hàng tỷ USD

Có rất nhiều nội dung mà Nga và Saudi Arabia cùng quan tâm. Nhưng các lĩnh vực nổi bật mà lãnh đạo hai nước sẽ bàn thảo là quan hệ chính trị, hợp tác đầu tư, thương mại, dầu mỏ, quân sự, an ninh. Những nội dung này vốn được đánh giá còn ở mức độ thấp so với quy mô và tiềm năng của cả hai nước và có lẽ lý do cho việc này là Nga lo ngại đụng độ với lợi ích của Mỹ.

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập toàn cầu và trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới nói chung và khu vực Trung Đông nói riêng, cả hai nhận thấy cần phải xích lại gần nhau hơn vì lợi ích của mỗi bên.

Điểm quan trọng khác là Saudi Arabia nhận ra rằng một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của mình là giảm sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ trong trung hạn nếu muốn tối đa hóa lợi ích và tự do quyết định chiến lược, mà không ảnh hưởng đến vị thế là quốc gia có ảnh hưởng lớn ở khu vực Arab. Điểm này khiến Saudi Arabia cố gắng mở mối quan hệ với Nga và các nước khác cũng như tập trung thực hiện “Tầm nhìn Arab năm 2030”. Nga nhận ra rằng đây là một quốc gia lớn cần mở cửa cho tất cả các phạm vi ảnh hưởng.

Theo các quan chức Nga có khoảng 30 nội dung sẽ được bàn thảo và ký kết trong chuyến thăm này, bao gồm các thỏa thuận kinh tế, thương mại. Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga sẽ ký các thỏa thuận khoảng hai 2 tỷ USD. Quỹ tài sản có chủ quyền của Nga nói rằng một trong những thỏa thuận dự kiến giữa hai bên lên tới 700 triệu USD. Các cuộc đàm phán sẽ đề cập đến triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp, hợp tác kỹ thuật quân sự, trao đổi văn hóa và nhân đạo.

Tổng thống Nga cũng sẽ bàn về thỏa thuận sản xuất dầu với “Liên minh OPEC +” và chỉ ra rằng hai nước cũng đang làm việc trên 25 dự án, trị giá 10 tỷ USD ngoài các dự án đang diễn ra mà không đi sâu vào chi tiết. Với tư cách là hai nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhằm kiềm chế sản xuất dầu toàn cầu kể từ năm 2016, Tổng thống Nga dự kiến sẽ thảo luận về các dự án quan trọng trong lĩnh vực hóa dầu cũng như các dự án hợp tác lớn với Saudi Aramco.

Nga cũng đề nghị Riyadh mua hệ thống phòng không của nước này để bảo vệ lãnh thổ. Hai bên đang phát triển cũng như tìm được tiếng nói chung trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực, trong đó tập trung vào tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là ở Syria, vùng Vịnh và Yemen, Palestine. Nga muốn củng cố hợp tác với khu vực vùng Vịnh nhằm tối đa hóa lợi ích, bao gồm cả việc cung cấp thiết bị vũ khí, các cơ sở thương mại năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình và hợp tác trong việc lĩnh vực năng lượng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Về văn hóa, khoảng 11-12% dân số Nga là người Hồi giáo do đó Nga chú trọng hợp tác với khu vực Arab và đặc biệt là với Saudi Arabia để tham gia đảm bảo sự ổn định của các khu vực này.

Chảo lửa Trung Đông trên bàn nghị sự Nga - Saudi Arabia

Cả Nga và Saudi Arabia đều đóng vai trò có thể nói là then chốt đối với các vấn đề của khu vực Trung Đông hiện nay như Syria, Yemen, hạt nhân Iran, Lybia.v.v… Trên thực tế thì sự can thiệp, ảnh hưởng của mỗi nước trong các vấn đề này khác nhau và có những điểm trái ngược.

Saudi Arabia là đồng minh chiến lược của Mỹ nên việc Nga và Saudi Arabia bắt tay nhau trong các vấn đề khu vực Trung Đông là rất khó. Tuy nhiên, kể từ sau Mùa xuân Arab 2011, Nga và Saudi Arabia đã xích lại gần nhau hơn. Hai bên đã có những tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Các giải pháp mà Nga đưa ra trong vấn đề Syria, Yemen hay Iran cũng đã đạt được sự đồng thuận từ Saudi Arabia để đảm bảo lợi ích tối đa của mỗi bên.

Chiến lược của Nga ở Trung Đông được cho là khéo léo phi thường trong xử lý các mâu thuẫn ở khu vực này. Đúng hơn là Nga đã dung hòa được lợi ích của các bên liên quan mà không bị chồng chéo hay xung đột. Chính vì vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng cần nhận ra rằng sẽ không có cuộc khủng hoảng nào được giải quyết trong khu vực mà không có tiếng nói của Nga.

Cùng với việc đưa ra quan điểm giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Yemen, Lybia, Israel-Palestine… chắc chắn lãnh đạo Nga và Saudi Arabia sẽ ưu tiên để cập đến vấn đề hạt nhân Iran, an ninh hàng hải qua eo biển Homuz, khủng hoảng Syria. Là hai nước có ảnh hưởng lớn trong các vấn đề của khu vực, dư luận kỳ vọng “chảo lửa” Trung Đông sẽ hạ nhiệt với các giải pháp tối đa lợi ích của Nga và Saudi Arabia đưa ra cho các bên liên quan.

Nga cũng muốn nhân cơ hội này thể hiện vai trò trung gian mới trong giải quyết các vấn đề của khu vực dựa trên sự tôn trọng lợi ích, tiếng nói, chủ quyền và tôn giáo của mỗi nước. Qua đó, Nga cũng sẽ gia tăng uy tín, ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông./.

Ngọc Thạch/VOV