Cách mạng Công nghiệp 4.0 đào thải nhiều ngành nghề và cũng sinh ra những nhiều công việc mới đòi hỏi phải có nguồn nhân lực với trình độ cao để làm việc trong môi trường đó. Hơn lúc nào hết, đào tạo nguồn nhân lực bị đặt trước nhiều khó khăn, thách thức - phải đáp ứng nhu cầu về chất và lượng để làm việc trong mô trường cạnh tranh và sáng tạo.
Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo để đôi bên cùng có lợi.
Quá trình đạo tạo cần có chương trình đào tạo gắn liền với sự phát triển của công nghệ trong quá trình sản xuất và hoạt động khoa học công nghệ trong thực tiễn.Do đó, việc gắn kết nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế trong hoạt động sản xuất.
Vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo rất quan trọng đối với nhà trường vì môi trường sản xuất kinh doanh sẽ hỗ trợ cho người học kinh nghiệm làm việc và góp phần điều chỉnh chương trình đào tạo của nhà trường. Trong nhiều năm qua việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực thừa về số lượng nhưng chất lượng, kỹ năng thực hiện công việc chưa đáp ứng nhu cầu.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp khi tuyển dụng đòi hỏi ứng viên phải có “kinh nghiệm”, nhưng với những sinh viên mới ra trường điều này là không thể, dù nhà trường tìm nhiều cách đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, thực hành-thực tập ở xưởng, tăng cường nghiên cứu khoa học qua các phong trào, chủ để, hội thi nhằm trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong ngành nghề.
Mặc dù các đơn vị khoa đã có nhiều cố gắng trong giảng dạy nhưng không đo lường, đánh giá được khả năng tiếp cận công việc thực tế và đáp ứng được đòi hỏi của nhà tuyển dụng.
Mô hình nhà trường kết hợp doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đang là xu hướng tất yếu nhằm giải quyết những khó khăn trên, nó không những là luồng gió mới thổi vào ngành đào tạo, mà còn là động lực thôi thúc các trường đào tạo nguồn nhân lực làm mới mình trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Thông qua hợp tác với trường đại học, ngoài việc giúp doanh nghiệp quảng bá tên tuổi, thương hiệu (thông qua tài trợ học bổng và cơ sở vật chất), cơ hội tuyển chọn được nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh, thì lợi ích còn là doanh thu từ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn và mang tính chiến lược là khả năng cạnh tranh cao và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp khi phát triển sản xuất - kinh doanh dựa vào tri thức, công nghệ mới và các bí quyết riêng từ hợp tác nghiên cứu với nhà khoa học và quản lý có trình độ cao từ các trường đại học.
Đối với đại học, hợp tác sẽ thúc đẩy và nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, khẳng định giá trị của công trình khoa học, nâng cao uy tín, năng lực công nghệ và thương hiệu của nhà trường. Các công trình nghiên cứu sẽ có môi trường thực tế để đối chiếu, kiểm nghiệm nên tính ứng dụng trong sản xuất ngày càng nhiều hơn.
Hợp tác với doanh nghiệp còn là phương thức để các đại học huy động các nguồn lực phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và nghiên cứu viên thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
Thông qua hợp tác với doanh nghiệp, các trường đại học có điều kiện để đổi mới cơ cấu tổ chức và quản lý theo hướng hiệu quả; điều chỉnh, cập nhật chương trình, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp - nhà truyển dụng.
Đào Lê Anh