TNV - Ngay trong ngày đầu tiên của Tháng Thanh niên 2022, tôi có dịp tham gia Đoàn công tác của Tỉnh đoàn Quảng Ninh về thăm mô hình Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp và nông nghiệp xã Dương Huy thuộc TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (HTX) do các bạn thanh niên làm chủ.
Hỗ trợ giới thiệu tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử
Tại đây, Bí thư Đoàn xã Nguyễn Mạnh Quyết vừa đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi ong mật và mô hình trồng cam kết hợp với dịch vụ ăn uống, câu cá, du lịch trải nghiệm sinh thái vườn cam, vườn hoa sim vừa báo cáo tóm tắt với Bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Văn Hải những kết quả hoạt động, thuận lợi, khó khăn của HTX.
Bí thư Hoàng Văn Hải trao quà động viên HTX.
Sau khi lắng nghe cách trình bày rành mạch, đi thẳng vào từng vấn đề, cùng những định hướng mở rộng lĩnh vực sản xuất chăn nuôi, xây dựng sản phẩm OCOP, liên kết tiêu thụ của HTX… Bí thư Hải mừng rỡ nói nhỏ với tôi, thật hiếm có bí thư đoàn ở xã miền núi vùng đồng bào dân tộc có được tư duy phát triển kinh tế như thế!
Chia sẻ với khó khăn trong tiêu thụ cam của HTX, anh Hoàng Văn Hải trao đổi ngay với Thành đoàn Cẩm Phả và Ban Phong trào của Tỉnh đoàn đi cùng sớm tìm giải pháp hỗ trợ HTX liên kết tiêu thụ ngay vụ tới. Bí thư Đoàn xã Dương Huy vội nói luôn, bọn em không thích bị “giải cứu” đâu nhé.
Anh Nguyễn Chiến Thắng (Trưởng Ban Phong trào) đề xuất, Ban em sẽ tham mưu kế hoạch cho Tỉnh đoàn tổ chức Hội thảo trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm của thanh niên trong tháng 6/2022 để HTX thanh niên Dương Huy cũng như các doanh nghiệp trẻ khác có hướng đi lâu dài trong liên kết tiêu thụ. Bí thư Hải tán thành với đề xuất của Ban Phong trào và nói thêm, Tỉnh đoàn sẽ chú trọng hỗ trợ HTX giới thiệu tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. “HTX nên mở rộng liên kết tiêu thụ ở sân bay Vân Đồn, với các du thuyền trên vịnh… hướng đến khách nước ngoài, bởi tỉnh Quảng Ninh có lượng khách quốc tế hàng năm lớn” – anh Hải gợi mở.
Đoàn công tác thăm mô hình nuôi ong mật…
Qua tâm sự với Bí thư Đoàn xã tháo vát và năng động sinh năm 1989, tôi được biết, HTX do các bạn trẻ Dương Huy làm chủ được thành lập tháng 6 năm 2016 với số lượng ban đầu 8 thành viên, ngành nghề sản xuất kinh doanh chính chủ yếu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi do chính Nguyễn Mạnh Quyết khi đó đang là Phó Bí thư Đoàn xã làm giám đốc.
Hiện nay HTX có 12 thành viên, với sản phẩm chính gồm: Mật ong Dương Huy (sản phẩm OCOP 3 sao), Cam Dương Huy (theo mùa vụ từ tháng 9 âm lịch – tháng 12 âm lịch), Gà Dương Huy và Bánh lồng gà Dương Huy . Năm 2022 Hợp tác xã phát triển thêm lĩnh vực nuôi vịt bầu cánh trắng thương phẩm; trước đó, năm 2021 HTX thả nuôi thí điểm ốc bươu đen thương phẩm và triển khai các dịch vụ ăn uống, câu cá kết hợp với du lịch trải nghiệm vườn cam, vườn hoa sim và quảng bá các sản phẩm của HTX cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác của xã.
Mạnh dạn đưa con giống mới về nuôi thí điểm
Kể cho tôi về chặng đường gần 6 năm qua của HTX, anh Quyết cho biết: “Nhiều thăng trầm lắm! Ban đầu, ngoài trồng cam và dịch vụ ăn uống, bọn em còn làm kinh doanh giết mổ lợn được 1 năm, và có dự định xây dựng cơ sở giết mổ nhưng thủ tục phức tạp quá lại thôi”.
và mô hình trồng cam kết hợp với du lịch trải nghiệm sinh thái vườn cam, vườn hoa sim của gia đình anh Lý Văn Thêm
Để phát huy tiềm năng sẵn có địa phương, năm 2018 HTX phát triển thêm sản phẩm mật ong, năm 2021 là bánh lồng gà – sản phẩm truyền thống của người Sán Dìu địa phương; hiện sản phẩm mật ong đang hoạt động tốt, còn bánh lồng gà thì tiêu thụ nhỏ lẻ theo đặt hàng của khách nhằm tạo thêm việc làm lúc nhàn rỗi cho các bà, các chị phụ nữ lớn tuổi người Sán Dìu trong xã – nguyên giám đốc HTX kể tiếp.
Khi tôi hỏi lý do nuôi ốc bươu đen và vịt bầu trắng – 2 con vật không phải nguồn gốc giống địa phương? Chàng trai sinh năm 89 thật thà nói: “Nhận thấy sản phẩm ốc bươu đen tiêu thụ tốt trên thị trường, trong khu vực chưa ai nuôi, nên năm 2021 em về Nam Định mua giống về nuôi thí điểm. Ốc sinh trưởng tốt, nhưng đến cuối năm gặp phải rét nên chết gần hết. Hiện em đang làm việc với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh đề nghị hỗ trợ kỹ thuật để con ốc vượt qua mùa rét. Còn về con vịt bầu trắng, thì cũng dễ tiêu thụ, Dương Huy lại có đất đai rộng thuận lợi cho phát triển chăn nuôi. Nên bắt đầu từ năm nay HTX sẽ chăn nuôi thêm vịt để bán nhằm tạo thêm việc làm và nguồn thu cho các thành viên HTX trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn”.
Đặc sản Bánh lồng gà của đồng bào Sán Dìu xã Dương Huy.
Được biết, HTX đã có kế hoạch xuống giống 3.000 vịt bầu trắng ngay trong tháng 3 này, và dự kiến sẽ đầu tư chăn nuôi khoảng 30.000 con trong năm 2022. Đây thực sự là hướng đi mới rất táo bạo của các bạn trẻ trong HTX, khẳng định khát vọng vươn lên và khí thế mạnh mẽ của sức trẻ trong Tháng Thanh niên – hướng tới chào mừng đại hội Đoàn các cấp.
Khó khăn vẫn không lùi bước
Trình bày sâu với Đoàn công tác về những khó khăn của HTX, Bí thư Đoàn xã Dương Huy cũng mạnh dạn nêu rõ, tuy được Thành đoàn tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, nhưng để giải ngân NHCSXH yêu cầu phải có hóa đơn VAT cho các chi phí đầu vào như máy móc, phân bón… vô hình đã làm đội chi phí thực của lãi xuất vay ưu đãi cao hơn so với vay các ngân hàng thương mại khác; do vậy, HTX từ chối không vay nữa.
Mặt khác, muốn vay từ 100 triệu đồng trở lên các Ngân hàng đều yêu cầu thế chấp sổ đỏ, trong khi hầu hết các bìa đỏ của nhân dân cũng như các thành viên HTX ở xã Dương Huy đều có ghi “Chưa nộp tiền sử dụng đất ở” nên cũng không đủ điều kiện được vay, buộc các thành viên HTX cũng như nhiều người dân địa phương muốn đi vay đều phải đổi sổ mới – Bí thư Đoàn xã trăn trở nói.
Sản phẩm mật ong của HTX
Từ thực tế đó, theo Bí thư Quyết vốn đầu tư hiện nay của HTX chủ yếu là vốn tự có, nguồn vốn đầu tư chưa nhiều, các mô hình mang tính chất nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao; cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn do thiếu nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, do chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp lên mặc dù sản phẩm chưa nhiều nhưng việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, ví như mật ong dù có thương hiệu OCOP vẫn khó khăn trong việc tiêu thụ đầu ra, cam đến mùa vẫn khó tiêu thụ, khó cạnh tranh với thị trường do các thành viên hợp tác xã chưa có kinh nghiệm trong tiếp thị kinh doanh. Ngoài ra là các hạn chế của HTX trong quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật dẫn đến chi phí nhiều, hiệu quả chưa cao; cộng với tác động của dịch Covid… Đây là những khó khăn chính ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hợp tác xã.
Khi biết tôi có ý định viết về hoạt động của Hợp tác xã, Bí thư Đoàn xã Nguyễn Mạnh Quyết – cựu Giám đốc và hiện là thành viên HĐQT Hợp tác xã – cười bối rối trần tình với tôi rằng HTX hoạt động chưa có kết quả gì nổi bật, còn nhiều khó khăn lắm, HTX chỉ là cầu nối để các hộ gia đình trẻ và các bạn trẻ trong xã mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường phát triển kinh tế.
Vườn cam của thành viên HTX
Đúng vậy, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp và nông nghiệp xã Dương Huy do các bạn thanh niên làm chủ đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn về vốn, về thị trường tiêu thụ, về kiến thức quản lý, kỹ thuật chăn nuôi… với qui mô còn nhỏ, sản lượng còn ít, doanh thu còn thấp; nhưng trong muôn vàn khó khăn ấy, các bạn vẫn không lùi bước, vẫn duy trì và không ngừng tìm tòi mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, liên kết tiêu thụ. Đây chính là thành công của HTX. Thành công này là nền tảng, là điểm tựa tiếp thêm động lực để các hộ gia đình trẻ và các bạn trẻ ở xã miền núi đồng bào các dân tộc nơi đây thực hiện khát vọng vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho gia đình và nhân dân địa phương./.
Thăm cơ ngơi khang trang bề thế của một gia đình nuôi ong xã Dương Huy.
Mỗi năm HTX sản xuất trung bình trên 130 tấn cam, có trên 200 đàn ong và khoảng 2.000 lít mật. Từ tháng 10 năm 2021, một số vườn cam của HTX đã đưa vào khai thác du lịch trải nghiệm kết hợp với dịch vụ ăn uống, câu cá thu hút du khách tham quan giải trí nhất là mỗi khi vào vụ thu hoạch.
Phạm Quỳnh