Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, chiều nay (30/10), Quốc hội xem xét về dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng không nhân dân (PKND). Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã được trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan.
Dự thảo Luật PKND sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương với 55 điều, đã thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đã nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Kết luận của UBTVQH, ý kiến của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan; đồng thời, giải trình các ý kiến bảo đảm đầy đủ các căn cứ về chính trị, pháp lý và thực tiễn. Chính phủ nhất trí với dự thảo Luật đã được chỉnh lý và nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về nhiệm vụ phòng không nhân dân (Điều 5), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cụ thể độ cao "dưới 5.000m" vì khó xác định độ cao của máy bay, vật thể bay và khó khăn trong phòng thủ, đánh trả.
UBTVQH cho rằng, trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu phòng chống địch tấn công đường không sẽ có nhiều lực lượng cùng tham gia, không chỉ phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân mà còn có nhiều lực lượng khác, do đó việc phối hợp giữa các lực lượng là rất cần thiết, đảm bảo hiệu quả trong tác chiến, phòng thủ.
Dự thảo Luật quy định PKND tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5000m là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng PKND và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý lại khoản này theo hướng không quy định cụ thể các lực lượng mà quy định các nhiệm vụ cụ thể để xác định rõ vị trí, vai trò của lực lượng PKND trong quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m.
Về lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân (Điều 11), có ý kiến cho rằng, quy định về lực lượng PKND huy động là khó khả thi; cân nhắc quy định việc huy động nhân lực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quần chúng khi tham gia vào lực lượng PKND huy động.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với nguyên tắc xây dựng lực lượng PKND liên hoàn, rộng khắp, vững chắc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, UBTVQH đã thay cụm từ "lực lượng PKND huy động" bằng cụm từ "Lực lượng rộng rãi" để có tính bao quát hơn; đồng thời chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh lý theo hướng làm rõ lực lượng PKND gồm: lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi, trong đó quy định khái quát lực lượng nòng cốt là lực lượng tại các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và dự bị động viên; lực lượng rộng rãi có lực lượng được huy động và lực lượng tự nguyện.
Về chế độ, chính sách đối với người được huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân (Điều 43), có ý kiến đề nghị quy định rõ chế độ đối với người dân khi tham gia huy động, khi thực hiện nhiệm vụ PKND; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hỗ trợ những người được huy động làm nhiệm vụ PKND tại các tổ chức, doanh nghiệp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã sửa tên Điều để xác định rõ đối tượng được hưởng chế độ, chính sách đó là người được huy động và người tham gia hoạt động PKND. Bổ sung quy định về khen thưởng, đền bù, bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự và chế độ, chính sách nếu bị tổn hại sức khỏe, tính mạng khi tham gia hoạt động PKND, cụ thể như quy định tại Điều 43 dự thảo Luật.
Về khái niệm "Tàu bay không người lái", "Phương tiện bay siêu nhẹ" (Khoản 6 và khoản 7), một số ý kiến đề nghị giải thích khái niệm "Tàu bay không người lái" cho đầy đủ hơn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện khái niệm, có tính bao quát đối với cả taxi bay, motor bay để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, qua nghiên cứu các khái niệm của một số nước và quy định tại Công ước về Hàng không dân dụng năm 1944 (sử dụng thống nhất cụm từ "Tàu bay không người lái" – Điều 8 Công ước), UBTVQH đã chỉnh lý lại khái niệm này đảm bảo phù hợp, đầy đủ, bao quát đối với cả những thiết bị bay khác không người lái có thể có trong tương lai như taxi bay, motor bay.
Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn từ "siêu nhẹ" trong khái niệm "Phương tiện bay siêu nhẹ"; nếu đã định nghĩa khí cầu trong khái niệm phương tiện bay siêu nhẹ thì phải sửa Luật Hàng không dân dụng để loại ra khỏi khái niệm tàu bay .
Để bảo đảm bao quát, thống nhất với các quy định có liên quan; trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã bỏ từ "siêu nhẹ" và xây dựng khái niệm theo hướng liệt kê các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian) và thiết bị bay khác có người điều khiển hoặc không có người điều khiển mà không phải là tàu bay, máy bay trực thăng, tàu bay không người lái. Đồng thời, để đảm bảo phân biệt và phù hợp với khái niệm "tàu bay" trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho sửa khái niệm "tàu bay" trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam như quy định tại khoản 2 Điều 53 dự thảo Luật.
Bên cạnh các nội dung nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến khác của đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp và văn phong của dự thảo Luật.
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này./.
Hải Giang/Chinhphu