Huy động viện trợ
Hội nghị quốc tế về nhân đạo ở Gaza do Pháp tổ chức diễn ra trong bối cảnh khá vội vàng. Sau nhiều nỗ lực tìm giải pháp không mấy hiệu quả của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên quan đến cuộc xung đột Israel-Hamas, đơn cử như các cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah Al-Sissi, Tiểu vương Qatar, Tamim Ben Hamad Al Thani hay với Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, người đứng đầu điện Elysée đã quyết định tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm chẩn đoán chung về tình hình và tìm lời giải cho bài toán khó ở Trung Đông.
Hội nghị quốc tế về nhân đạo ở Gaza với sự tham dự của hơn 80 quốc gia, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Ảnh: France Info
Mục tiêu của hội nghị lần này, trước hết là có thể huy động được một khoản viện trợ đến từ các nước tham dự để có thể đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho người dân ở dải Gaza và Bờ Tây, được Liên Hợp Quốc ước tính vào khoảng 1,2 tỉ USD. Ngay trước thềm Hội nghị, Tổng thống Pháp đã tuyên bố tăng viện trợ nhận đạo cho người dân Palestine thêm 80 triệu Euro (tương đương 85 triệu USD), nâng tổng số viện trợ lên 100 triệu Euro (107 triệu USD) trong năm 2023.
Ngoài ra, một mục tiêu quan trọng khác của hội nghị đó là đánh giá tổng quan về tình hình tại khu vực và thảo luận về viện trợ về lương thực, thiết bị y tế và năng lượng qua đó tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột này. Hiện có rất nhiều giải pháp viện trợ nhân đạo được đặt ra nhưng trên thực tế lại tiến triển khá chậm chạp vì những lý do khách quan liên quan đến tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực. Đây cũng là dịp để cộng đồng quốc tế có thể tập trung thống nhất và triển khai một cách bài bản các đề xuất về giải pháp nhân đạo cho Gaza như thả dù thiết bị y tế, thành lập bệnh viện dã chiến, dự án hành lang hàng hải hay thậm chí là không vận.
Tuy nhiên, hy vọng đạt được tiến bộ là rất mong manh khi không có sự tham dự của chính phủ Israel và các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước Ả Rập tại hội nghị này. Và thực tế cũng đúng như vậy, Hội nghị quốc tế ở Pháp đã khép lại với lời khẳng định của Tổng thống Emmanuel Macron rằng các nước tham dự đã cam kết viện trợ cho dải Gaza với tổng số tiền vượt quá 1 tỷ USD. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên Tổng thống Pháp đề cập đến một thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc xung đột Israel – Hamas, ngoài những yêu cầu về tạm dừng nhân đạo để triển khai hoạt động cứu trợ. Paris coi một thỏa thuận ngừng bắn là cần thiết để giải thoát khoảng 240 con tin đang bị bắt giữ, trong đó có một số người Pháp. Hiện vẫn chưa có phản hồi nào được đưa ra từ phía Israel về yêu cầu từ hội nghị này, bởi như tôi đã nói trước đó, lần gặp mặt này không có sự tham dự của chính phủ Israel.
Thiết lập hành lang nhân đạo
Việc thiết lập một hành lang nhân đạo để vận chuyển hàng cứu trợ và sơ tán người bị thương là một trong những chủ đề chính của hội nghị quốc tế lần này. Bởi hàng ngàn tấn hàng viện trợ đã được huy động nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả để có thể vận chuyển chúng vào Gaza.
Tại hội nghị, Tổng thống Síp, Nikos Christodoulides, đã trình bày kế hoạch về một hành lang hàng hải với điểm xuất phát là từ Larcana, thành phố phía đông nam của nước này. Hàng hóa sẽ được vận chuyển bằng đường biển đến một hòn đảo. Tại đây, các bên liên quan sẽ xác minh và phân loại đồ tiếp tế trước khi có thể tiếp cận bờ biển phía đông nam của Dải Gaza. Các đại biểu cũng nêu ý tưởng về việc có thể xây dựng các bệnh viện nổi trên biển để có thể cứu trợ người bị thương.
Với hành lang hàng hải này, các tổ chức cứu trợ quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận với người dân Dải Gaza hơn thay vì phải trông chờ vào cửa khẩu Rafah, cửa khẩu duy nhất của Ai Cập còn kết nối với Gaza ở thời điểm hiện tại. Thế nhưng giải pháp hành lang hàng hải này vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết. Đầu tiên đó là việc Israel sẽ muốn xác minh bản chất của các hàng hóa được cứu trợ và cộng đồng quốc tế sẽ phải đảm bảo rằng lô hàng cứu trợ được đưa đến tay người dân.
Đây là điều rất khó thực hiện vì thời gian xác minh có thể sẽ mất nhiều ngày trong khi cứu trợ là đang chạy đua với thời gian. Hơn nữa các thủ tục sẽ chồng chéo lên nhau và quan trọng hơn cả là ai sẽ đứng ra giám sát điều này? Chưa kể đến hiện phía đông nam Gaza không có các cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể neo đậu thuyền và bốc dỡ hàng hóa. Và việc xây dưng các bệnh viện nổi cũng cần các quốc gia có kinh nghiệm trong vấn đề này. Đây một hoạt động phức tạp khó có thể thực hiện được trong thời gian ngắn, nhất là trong bối cảnh xung đột leo thang tại Gaza.
Ngoài ra, việc lắp đặt các bệnh viện dã chiến cũng được bàn tới. Vấn đề này hiện cũng chưa có câu trả lời xác đáng bởi các bên tham gia đều nhất trí rằng Ai Cập không muốn xây dựng quá nhiều bệnh viện dã chiến trên lãnh thổ của mình với lo ngại dòng người tị nạn sẽ ồ ạt kéo đến gây nên tình trạng mất kiểm soát. Và các bệnh viện này chỉ có thể được lắp đặt và hoạn động hiệu quả trong trường hợp có một lệnh ngừng bắn được áp dụng trong khu vực. Đến thời điểm này, cả Israel và Hamas đã nhiều lần bác bỏ lệnh ngừng bắn, làm mờ đi hy vọng về một tiến bộ nhân đạo nhanh chóng.
Vai trò của Pháp
Pháp là một trong những quốc gia tích cực nhất trong việc tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Trung Đông hiên tại. Như tôi đã nói trước đó, kể từ khi xung đột Israel – Hamas nổ ra hồi đầu tháng 10, Tổng thống Pháp đã liên tục có những cuộc tiếp xúc cấp cao như cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah Al-Sissi, cuộc gặp với Tiểu vương Qatar, Tamim Ben Hamad Al Thani hay thậm chí là công du tới Israel để gặp gỡ Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Đây cũng là một trong những ưu tiên ngoại giao của Pháp trong thời gian gần đây bởi sau những cú vấp ở Châu Phi trong thời gian vừa qua, Pháp hiện đang tập trung sang Trung Đông và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để nâng tầm ảnh hưởng của mình. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, các nỗ lực của Tổng thống Macron vẫn chưa đạt được các kết quả như mong muốn.
Ngoài ra, kể từ ngày 7/10, thời điểm bắt đầu xung đột, Pháp đã chuyển 17 tấn hàng nhân đạo tới Gaza bằng chuyến bay quân sự qua Ai Cập. Hai chuyến bay quân sự khác, được lên kế hoạch trong những ngày tới, sẽ chuyển thêm 37 tấn hàng viện trợ cho Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập.
Pháp cũng huy động một tàu sân bay trực thăng đổ bộ (PHA) Tonnerre, tàu khu trục tàng hình hạng nhẹ (FLF) Surcouf và tàu khu trục phòng không đa nhiệm (FREMM- DA) Alsace đến Gaza để làm nhiệm vụ cứu trợ y tế. Tàu sân bay trực thăng đổ bộ Dixmude, với các trang bị y tế bao gồm phòng phẫu thuật, sẽ sớm được cử đến khu vực này để hỗ trợ cho Tonnerre.
Đây là một loạt các kế hoạch hỗ trợ của Pháp với mục đích rõ ràng. Pháp muốn bác bỏ các ý kiến chỉ trích đánh giá quan điểm của Pháp là quá hòa giải với Israel. Hơn nữa, việc tổ chức Hội nghị quốc tế về nhân đạo ở Gaza, mặc dù là hơi vội vàng, nhưng cho thấy Pháp có quan tâm đến những nỗi đau khổ và khó khăn mà người dân ở Dải Gaza đang phải chịu đựng.
Nhưng cho dù mục đích của Pháp có là gì đi chăng nữa thì Hội nghị quốc tế lần này cũng đã đạt được một số thành công nhất định. Việc có thể kêu gọi ủng hộ vượt quá 1 tỷ USD đã phần nào giải quyết những cấp bách về mặt tài chính cho Gaza. Vấn đề còn tồn tại đó là làm sao đạt được một "thời gian ngừng giao tranh" trong ngắn hạn để có thể vận chuyển những hàng hóa tiếp tế vào khu vực và trao nó cho dân thường cũng như tìm ra một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel – Hamas.