Quy định mới nhất về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Bình Định từ năm 2024

Thứ hai, 23/09/2024 - 16:32

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 36/2024/QĐ-UBND quy định mới về điều kiện và diện tích tối thiểu liên quan đến việc tách và hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh. Quy định này áp dụng cho tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai.

Quy định mới nhất về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Bình Định từ năm 2024- Ảnh 1.

Diện tích, kích thước tối thiểu sau khi được tách thửa tại Bình Định năm 2024

*Đối với đất ở: Thửa đất ở sau khi tách thửa phải đảm bảo diện tích và kích thước tối thiểu như sau:

a) Đất ở tại đô thị là 40 m², kích thước chiều rộng (mặt tiền) và chiều dài (chiều sâu) thửa đất tối thiểu 03 m;

b) Đất ở tại nông thôn là 50 m², kích thước chiều rộng (mặt tiền) và chiều dài (chiều sâu) thửa đất tối thiểu 04 m.

* Đối với tách thửa đất nông nghiệp còn lại sau khi đã được xác định diện tích đất ở theo quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 141 Luật Đất đai (là đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở) thực hiện đồng thời với việc xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở; Diện tích, kích thước thửa đất tách thửa chuyển mục đích sử dụng sang đất ở phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều này.

* Đối với đất phi nông nghiệp:

a) Diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (không thuộc dự án đầu tư được Nhà nước giao, cho thuê) là 100 m², kích thước chiều rộng (mặt tiền) và chiều dài từ 05 m trở lên;

b) Diện tích tối thiểu tách thửa đối với các dự án đầu tư thực hiện theo quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

* Đối với đất nông nghiệp

a) Đất trồng cây hàng năm, đất làm muối là 500 m², kích thước chiều rộng và chiều dài từ 05 m trở lên;

b) Đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản là 1.000 m², kích thước chiều rộng và chiều dài từ 10 m trở lên;

c) Đất rừng sản xuất là 5.000 m², kích thước chiều rộng và chiều dài từ 50 m trở lên;

d) Đất chăn nuôi tập trung: Người sử dụng đất được tách thửa theo quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Đất nông nghiệp khác:

- Người đang sử dụng đất có nguồn gốc đất không thuộc dự án đầu tư được Nhà nước giao, cho thuê là 500 m², kích thước chiều rộng và chiều dài từ 05 m trở lên;

- Người đang sử dụng đất có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì được tách thửa theo quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

* Trường hợp thửa đất có nhiều mục đích sử dụng đất trong đó có mục đích đất ở, người sử dụng đất có nhu cầu tách một phần diện tích đất ở và đất khác thì thửa đất sau khi tách phải đảm bảo điều kiện, diện tích tối thiểu đất ở được quy định tại khoản 1 Điều này.

 Trình tự thực hiện việc tách thửa, hợp thửa tại Bình Định

Trình tự thực hiện việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải đảm bảo quy định tại Điều 7 Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai.

Quy định mới nhất về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Bình Định từ năm 2024- Ảnh 2.

Mẫu số 01/ĐK: Đơn đề nghị tách, hợp thửa đất

Điều 7. Trình tự, thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất

1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định này, hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất theo Mẫu số 01/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất lập theo Mẫu số 02/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện hoặc do đơn vị đo đạc có Giấy phép về hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa chính thực hiện;

c) Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng, chứng thực;

d) Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền có thể hiện nội dung tách thửa đất, hợp thửa đất (nếu có).

2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ.

Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 của Nghị định này thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

3. Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ, đối chiếu quy định tại Điều 220 của Luật Đất đai để xác định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất; kiểm tra các thông tin về người sử dụng đất, ranh giới, diện tích, loại đất của các thửa đất trên hồ sơ lưu trữ, hồ sơ do người sử dụng đất nộp và thực hiện như sau:

a) Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trả hồ sơ cho người sử dụng đất và thông báo rõ lý do;

b) Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất nhưng Giấy chứng nhận đã cấp không có sơ đồ thửa đất hoặc có sơ đồ thửa đất nhưng thiếu kích thước các cạnh hoặc diện tích và kích thước các cạnh không thống nhất thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trả hồ sơ và thông báo rõ lý do cho người sử dụng đất để thực hiện đăng ký biến động đất đai;

c) Trường hợp hồ sơ không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận đủ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất kèm các thông tin thửa đất vào Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất, đồng thời xác nhận vào Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất để hoàn thiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với các thửa đất sau tách thửa, hợp thửa, trừ trường hợp Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện;

d) Thông tin chính thức của các thửa đất sau tách thửa, hợp thửa chỉ được xác lập và chỉnh lý vào bản đồ địa chính sau khi người sử dụng đất thực hiện đăng ký biến động và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho thửa đất sau tách thửa, hợp thửa.

4. Trường hợp tách thửa đất, hợp thửa đất mà không thay đổi người sử dụng đất thì Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các thửa đất sau khi tách thửa đất, hợp thửa đất; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người được cấp.

Trường hợp tách thửa đất, hợp thửa đất mà có thay đổi người sử dụng đất thì thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Điều 37, Điều 43 của Nghị định này.

 

Châu An