Theo đó, phạm vi nghiên cứu quy hoạch có diện tích 611,85 km, gồm toàn bộ ranh giới huyện Đơn Dương.
Theo quy hoạch được phê duyệt, đây là vùng cửa ngõ phía Đông của thành phố Đà Lạt trong tiểu vùng I (vùng phát triển kinh tế động lực của tỉnh), chia sẻ chức năng với thành phố Đà Lạt, đáp ứng nhu cầu phát triển vùng đô thị hiện đại.
Đây cũng là vùng trọng tâm của tỉnh về phát triển kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật; vùng du lịch sinh thái, đô thị phía Đông của thành phố Đà Lạt, nghỉ dưỡng cao cấp;…
Vùng huyện Đơn Dương được phân thành 04 tiểu vùng.
Trong đó, tiểu vùng I có diện tích khoảng 5.403ha, gồm thị trấn Thạnh Mỹ và xã Đạ Ròn. Trong đó, trung tâm tiểu vùng là thị trấn Thạnh Mỹ
Về tính chất, đây là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, khu đô thị nghiên cứu và đào tạo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, thông minh tập trung về hoa, chăn nuôi bò sữa (tập trung tại xã Đạ Ròn); vùng phát triển kinh tế động lực của vùng huyện Đơn Dương.
Tiểu vùng II có diện tích khoảng 13.691,4ha, thuộc khu vực thị trấn D’Ran.
Về tính chất, đây là cửa ngõ phía Đông của vùng huyện và thành phố Đà Lạt; vùng phát triển đô thị sinh thái; vùng nông nghiệp chuyên đề cây ăn trái, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với sản phẩm cây ăn trái; vùng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.
Tiểu vùng III có diện tích khoảng 30.969ha, gồm các xã Lạc Xuân, Lạc Lâm, Ka Đô, Pró (sáp nhập Quảng Lập vào Pró). Trung tâm tiểu vùng là xã Ka Đô
Về tính chất, đây là vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, thông minh; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chế biến rau, củ, quả và dịch vụ gắn với sản xuất nông nghiệp.
Tiểu vùng IV có diện tích khoảng 11.121ha, gồm các xã Ka Đơn và Tu Tra. Trung tâm tiểu vùng là xã Tu Tra.
Về tính chất, đây là vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, thông minh (chủ lực là bò sữa); phát triển du lịch sinh thái, tâm linh; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề.
Lê Lê