Quyền lợi của người lao động khi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp

Thứ hai, 20/02/2023 - 08:00

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, phá sản… kéo theo hàng nghìn lao động bị mất việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp đã xuất hiện như một cứu cánh, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động trong thời gian tìm kiếm công việc mới.

Bảo hiểm thất nghiệp được coi là chính sách có ý nghĩa quan trọng nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nó không chỉ là một chỗ dựa vật chất và tinh thần vững chắc cho người lao động khi thất nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết khó khăn cho người sử dụng lao động và nhà nước. Người sử dụng lao động sẽ được trút bớt gánh nặng tài chính giải quyết chế độ cho người lao động bị sa thải.

Ảnh minh họa

Luật Việc làm năm 2013 quy định, trợ cấp thất nghiệp được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động đủ điều kiện hưởng. Theo đó, khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi. Một trong số này là được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, để nhận loại trợ cấp này, người lao động cần đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 49 Luật Việc làm như: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Cùng với đó, người  lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an…

Một trong những lợi ích rõ rệt nhất của bảo hiểm thất nghiệp là người tham gia sẽ được nhận một khoản tiền trợ cấp thất nghiệp khi đạt đủ yêu cầu. Mức trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức lương bình quân 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở hoặc mức lương tối thiểu vùng tùy theo từng đối tượng; Cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12-36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng. Khoản tiền không quá lớn nhưng nó là nguồn tài chính quan trọng hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong thời gian tìm việc mới.

Không chỉ dừng ở việc được nhận hỗ trợ tài chính, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được giới thiệu đến các trung tâm dạy nghề uy tín với học phí được hỗ trợ tối đa. Cụ thể, theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Bên cạnh đó, người lao động cũng được hỗ trợ học nghề. Căn cứ Điều 55 Luật Việc làm 2013, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện như: Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ. Trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; bị tạm giam; ra nước ngoài định cư; chết,…; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Khác với các quyền lợi trên, quyền lợi về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm được chi trả cho người sử dụng lao động. Người lao động được hỗ trợ dạy nghề sơ cấp miễn phí với thời hạn không quá 06 tháng tại các cơ sở dạy nghề chất lượng. Trường hợp người lao động đã hưởng hết thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng vẫn đang theo học khóa dạy nghề thì vẫn được hỗ trợ cho đến khi hoàn thành khóa học.

Bên cạnh việc được hỗ trợ tài chính để trang trải cuộc sống và đào tạo nghề. Người tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn được tư vấn giới thiệu công việc. Qua các trung tâm dịch vụ việc làm uy tín, người thất nghiệp sẽ được tư vấn giới thiệu các công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, kỹ năng và nguyện vọng của bản thân
Tuy nhiên nếu sau 02 lần từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng. Người tham gia hoàn toàn có thể bị chấm dứt trợ cấp thất nghiệp.

Người đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ chi phí Bảo hiểm Y tế hoàn toàn nếu đủ điều kiện được hưởng bảo hiểm. Trong trường hợp này, cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ thực hiện đóng phí bảo hiểm cho người lao động. Nói cách khác, trong thời gian đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Người tham gia sẽ được dùng thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp mà không phải đóng phí bảo hiểm y tế.

Thẻ Bảo hiểm Y tế đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày nhận trợ cấp. Chi phí khám, chữa bệnh được hỗ trợ 80% tổng tiền viện phí khi đăng ký khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Như vậy, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính cho người bị mất việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ người tham gia học nghề và tìm kiếm công việc mới, cũng như kèm theo nhiều chính sách an sinh khác.  Bảo hiểm thất nghiệp là bảo hiểm cần thiết để người lao động tự bảo vệ quyền lợi của bản thân mình và là “phao cứu sinh” trong trường hợp không may mắn bị mất việc làm.

T.Hòa