Ra mắt Cẩm nang Tìm kiếm, thu thập và sử dụng chứng cứ điện tử dành cho Kiểm sát viên trong giải quyết vụ án hình sự

Thứ sáu, 29/12/2023 - 16:00

TNV - Sáng 29/12, tại Hà Nội, Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phối hợp tổ chức ra mắt Cẩm nang Tìm kiếm, thu thập và sử dụng chứng cứ điện tử dành cho Kiểm sát viên trong giải quyết vụ án hình sự.

Tham dự chương trình là đại biểu lãnh đạo, kiểm sát viên Vụ 7, các đơn vị đào tạo thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Viện kiểm sát Nhân dân các tỉnh, thành: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hòa Bình.

Đại biểu tham dự sự kiện

Sự kiện nhằm giới thiệu đến các cán bộ ngành Kiểm sát và các cán bộ tư pháp nói chung cuốn cẩm nang nói trên nhằm cung cấp các kiến thức kiến thức cơ bản, các quy định của pháp luật liên quan đến chứng cứ điện tử, một số thủ đoạn tội phạm thường sử dụng, cũng như một số phương pháp phổ biến, hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay trong việc tìm kiếm, phát hiện, thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng, trình bày chứng cứ điện tử, hỗ trợ các Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự.

Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở nền tảng các tài liệu UNODC như Hướng dẫn thực hành cho yêu cầu thu thập chứng cứ điện tử xuyên quốc gia và Thực tiễn tốt về Chứng cứ điện tử cùng ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước trong quá trình soạn thảo.

TS Lại Viết Quang phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, TS Lại Viết Quang, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử hình sự cho rằng: Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, hầu hết các tội phạm truyền thống cũng sử dụng môi trường mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông để thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau gây ra những hậu quả lớn hơn, nhiều bị hại hơn, quy mô và tính chất phức tạp hơn, khiến các cơ quan thực thi pháp luật khó phát hiện và ngăn chặn hơn, đồng thời việc thực hiện tội phạm không còn bị cản trở bởi biên giới quốc gia và vùng lãnh thổ".

Bà Nguyễn Nguyệt Minh phát biểu tại buổi ra mắt cẩm nang

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt nam cho biết thêm: trong thời gian qua, UNODC và các cơ quan tố tụng của Việt Nam trong đó có Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ về phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, trong đó có kỹ năng về thu thập chứng cứ điện tử. Việc UNODC phối hợp cùng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao biên soạn Cẩm nang Tìm kiếm, thu thập và sử dụng chứng cứ điện tử dành cho Kiểm sát viên trong giải quyết vụ án hình sự là một ví dụ điển hình của mối quan hệ, hợp tác đó.  "Chúng tôi hy vọng đây sẽ là một công cụ quan trọng để có thể hỗ trợ các kiểm sát viên cũng như các cán bộ của các cơ quan tư pháp hình sự nói chung trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội bình yên, công bằng".

PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh giới thiệu nội dung cẩm nang

Tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát, thành viên hội đồng biên soạn Giới thiệu nội dung cốt lõi cuốn sách: “Cẩm nang Tìm kiếm, thu thập và sử dụng chứng cứ điện tử dành cho Kiểm sát viên trong giải quyết vụ án hình sự”.

Đại diện các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, kiểm sát viên đã trình bày ý kiến về cẩm nang, trong đó nêu bật tính thiết thực, cập nhật của cuốn sách. Đồng thời mong muốn có nhiều chương trình tập huấn chuyên sâu, phổ biến rộng rãi nội dung cẩm nang tới đông đảo cán bộ ngành kiểm sát.

Tô An