Ra mắt cuốn sách Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) – Góc nhìn báo chí

Thứ tư, 19/06/2019 - 14:53

TNV - Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt - Nam (21/6/1925 - 21/6/2019) và hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2019), sáng ngày 19/06 tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cùng với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi ra mắt cuốn sách: “CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (1979 - 1989) - GÓC NHÌN BÁO CHÍ”.

Chủ trì buổi gặp gỡ báo chí có TS. Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và TS. Lê Quang Long (đồng chủ biên); Đại tá, Cựu chiến binh, Nhà văn Đặng Vương Hưng; Đại tá, Cựu chiến binh, Nhà báo Ngô Văn Học, Nguyên Tổng biên tập Báo Quân khu 1.

Dù đơn phương khai chiến ngày 17/2/1979, nhưng Trung Quốc cũng nhanh chóng thua cuộc và phải tuyên bố rút quân từ ngày 5/3 đến 18/3. Tính đến ngày đó, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt 62.500 tên địch, bắt sống 260 tù binh, đánh thiệt hại nặng 9 quân đoàn chủ lực, bắn cháy 280 xe tăng, thiết giáp và 270 xe quân sự, phá hủy 115 khẩu pháo, cối và dàn hỏa tiễn (Nguồn: Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam). Về phía Việt Nam, chúng ta cũng có những thiệt hại rất nặng nề. Chỉ tính riêng cuộc chiến kéo dài một tháng này đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt - Trung với hàng chục ngàn dân thường thiệt mạng, hơn 400.000 gia súc bị giết, một nửa trong số 3,5 triệu dân ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa và tài sản... (Nguồn: Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng).

40 năm qua cũng là một thời gian đủ dài để 2 bên có điều kiện nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học, đầy đủ, chân thực để tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại. Dù nhìn bất cứ góc độ nào thì cuộc tấn công của 60 vạn quân Trung Quốc là một cuộc chiến tranh xâm lược và gây cho Việt Nam sự tôn thất to lớn về người và của. Với bản chất cốt lõi đó, đây là một sự kiện quan trọng, cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử của dân tộc, các chương trình sách giáo khoa và các phương thức giáo dục lịch sử khác. Cuối năm 2018, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Công văn hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền cho các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử sẽ tổ chức trong năm 2019, trong đó có sự kiện cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Ngày 15/2/2019, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo TW, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội phối hợp với Viện Sử học đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc - 40 năm nhìn lại”. Hội thảo này nhằm tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ đã từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, dũng cảm hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Từ đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.

Trong nhiều tài liệu và sách giáo khoa Lịch sử phổ thông khi nói đến cuộc chiên nay chỉ giới hạn thời gian Trung Quốc tấn công ngày 17/2/1979 đến thời gian họ tuyên bố hoàn thành việc rút quân vào ngày 18/3/1979. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải kết thúc trong tháng 3 năm 1979, mà còn kéo dài tới hơn 10 năm sau. Đã có hàng trăm ngàn người lính nhập ngũ và lên biên giới trong những năm tháng đó. Hàng chục ngàn người đã hy sinh và bị thương tích suốt đời, chỉ riêng Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) đã có tới hơn 5.000 người lính hy sinh.

Tháng 01/2019, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã phối hợp với nhóm cựu chiến binh Quân đoàn 14 tuyển chọn, biên soạn, ẩn hành và tổ chức giới thiệu cuốn sách “Những người đi giữ biên cương” đã gây tiếng vang lớn trong dư luận xã hội.

Tháng 2/2019, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục phối hợp với Thương hiệu Gốm sứ tâm linh NASON tổ chức buổi “Gặp mặt đồng đội” với nhiều nhân chứng là cựu chiến binh đến từ 6 tỉnh biên giới phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh...Tại buổi gặp mặt cảm động và thiêng liêng này, Ban tổ chức đã thống nhất đề xuất: Chúng ta đã có “Huy thiệu Chiến sĩ Điện Biên”, “Huy hiệu Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị”, “Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa”... thì tại sao lại không có “Huy hiệu Chiến sĩ bảo vệ biên giới” (hoặc “Chiến sĩ bảo vệ biên cương”) để tặng cho hàng trăm ngàn cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc và các thế hệ “Những người đi giữ biên cương” sau này?

Cùng ngay sau buổi “Gặp mặt đồng đội” ấn tượng nêu trên, với sự chứng kiến của hơn 30 cơ quan báo chí và truyền thông, theo đề xuất của các cựu chiến binh, ý tưởng về tập sách CUỘC CHIÊN ĐÀU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (1979 - 1989) - GÓC NHÌN BÁO CHÍ đã được hình thành và triển khai. Nhóm biên soạn gồm: TS. Đồng Xuân Thụ và TS. Lê Quang Long (đồng chủ biên), Đại tá cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, TS. Cựu chiến binh Trần Quang Đạo, Ths. Trần Trung Hiếu, Đại tá cựu chiến binh Ngô Văn Học, Đại tá cựu chiến binh Lưu Ba, cựu chiến binh, nhà báo Hà Phương Thiện, Nhà báo Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nhà báo Bùi Huyền.

Khác với “Những người đi giữ biên cương”, “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 – 1989) - Góc nhìn báo chí” sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh, đa chiều, dưới nhiều góc độ khác nhau của những cây bút có nghề, đến từ nhiều cơ quan báo chí uy tín với bạn đọc. Thời gian trong cuốn sách, cũng không chỉ giới hạn trong 10 năm (1979 - 1989), mà đã có cái nhìn khách quan hơn, bởi độ lùi xa của thời gian và sự trung thực của lịch sử sau hơn 30 năm kết thúc cuộc chiến. Xét về không gian phản ánh trong các tác phẩm, cuốn sách cũng không chỉ giới hạn trong mặt trận Lạng Sơn, mà cả 6 tỉnh biên giới phía Bắc; thậm chí là địa bàn trong cả nước và vấn đề quan hệ quốc tế.

Với tinh thần tôn trọng lịch sử, khoa học và khách quan, nhóm biên soạn đã cố gắng trung thành tối đa với văn bản gốc của mỗi bài viết, văn phong báo chí của từng tác giả và đều có dẫn nguồn cụ thể. Bài viết không chỉ có nội dung chữ, mà còn được trình bày kèm ảnh minh họa với nhân vật và sự kiện cụ thể. Tuy nhiên, vì thời gian sưu tầm và tổng hợp rất gấp, nên chắc chắn không thể tránh khỏi những khiếm khuyết, số liệu có thể chưa đầy đủ và thống nhất… Ở một số ít bài viết, quan điểm là của riêng tác giả, không phải đại diện cho cơ quan báo chí truyền thông đã đăng tải)... Vì thế, các tác giả rất mong được bạn đọc quan tâm, góp ý xây dựng để khi có điều kiện tái bản, cuốn sách sẽ phục vụ độc giả tốt hơn.

Sự ra đời của cuốn sách góp phần tri ân với các đồng đội cựu chiến binh đã từng trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và là món quà quý giá cho thân nhân các gia đình thương binh - liệt sỹ đã hy sinh tuổi thanh xuân và xương máu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

B.H