Ra mắt Mô hình Hỗ trợ tư vấn pháp lý, xã hội và chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy quận Nam Từ Liêm

Thứ sáu, 24/05/2019 - 10:08

TNV - Sau gần một tháng được khởi động tại quận Long Biên, Hà Nội, mô hình thí điểm "Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý" hay còn gọi "Mô hình Cảnh sát Chuyển gửi" đã được áp dụng nhân rộng tại quận Nam Từ Liêm tại phường Cầu Diễn, Xuân Phương và Mỹ Đình 1 từ ngày 23 tháng 5 năm 2019.

Đây là quận thứ hai tham gia thí điểm tại thành phố Hà Nội, tiếp nối mô hình tại quận Long Biên đã được khởi động vào tháng 4 vừa qua. Buổi Lễ ra mắt sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ UBND quận, phòng Lao động, Thương binh – Xã hội, y tế, công an quận Nam Từ Liêm, ba phường thí điểm là Cầu Diễn, Xuân Phương, Mỹ Đình 1 cùng các đại diện của các phường trên địa bàn quận.

Theo số liệu thống kê gần nhất, Hà Nội hiện có 13.410 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 600 người so với cuối năm 2018), trong đó 57% (khoảng 7.650 người) sử dụng ma túy tổng hợp dạng "đá" (Amphetamine). Trong thực tiễn số người nghiện ma túy, sử dụng ma túy còn cao hơn rất nhiều do có khá nhiều những khó khăn, bất cập theo quy định của pháp luật chưa thể thống kê hết được.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Thanh Long, phó chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Mô hình triển khai trên địa bàn quận Nam Từ Liêm nhằm tạo điều kiện để người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy sớm tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị nghiện ma túy và hồi phục toàn diện tại cộng đồng. Đồng thời, giảm tác hại do sử dụng ma túy, giảm các hành vi vi phạm pháp luật và nguy hại đối với người sử dụng ma túy, cũng như cộng đồng. Mô hình cũng góp phần giảm tỷ lệ người sử dụng, nghiện ma túy có hành vi phạm pháp, và từng bước nâng cao hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng”.

Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý” có sự tham gia của lực lượng công an quản lý hành chính trong việc chuyển gửi NSDMT đến với điểm tư vấn điều trị nghiện tự nguyện ngay tại địa bàn họ sinh sống. NSDMT không chỉ được tiếp cận với dịch vụ y tế về điều trị nghiện mà còn được kết nối với các dịch vụ y tế khác và các dịch vụ pháp lý – xã hội phù hợp với nhu cầu, điều này giúp NSDMT giải quyết được các rào cản khiến họ gặp khó khăn trong quá trình điều trị nghiện và tái hoà nhập cộng đồng.

“Mô hình hướng tới yếu tố thân thiện, lực lượng công an địa phương bên cạnh trách nhiệm quản lý, thực thi pháp luật nay đóng vai trò hỗ trợ NSDMT, làm tăng sự cởi mở và tin tưởng của NSDMT đối với lực lượng thi hành pháp luật nói chung. Các mô hình tương tự đã được triển khai một số quốc gia đều thu được kết quả tích cực: giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật 60% và tăng tỷ lệ có việc làm gần 30% trong cộng đồng NSDMT tham gia vào mô hình, cũng như tăng cường bình ổn tại địa bàn triển khai.” – Bà Lê Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng – đơn vị cố vấn kỹ thuật cho mô hình, chia sẻ.

Đặc biệt, nhân dịp này UBND quận Nam Từ Liêm và 3 phường Cầu Diễn, Xuân Phương, Mỹ Đình 1 đã khai trương Điểm tư vấn và hỗ trợ điều trị tại cộng đồng. Các Điểm đặt tại trạm y tế và hoạt động theo cơ chế phối hợp liên ngành giữa Y tế, Lao động, Thương binh – Xã hội.

Một số hình tại các Điểm Tư vấn, Hỗ trợ điều trị nghiện tại phường Cầu Diễn, Xuân Phương và Mỹ Đình I


Bà Lê Thị Thanh Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng SCDI


Ông Trần Thanh Long – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Nam Từ Liêm.




Khách hàng nhận tư vấn tại Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện.


Toàn cảnh Hội nghị.

N. Hoa