Rẻo cao Tà Xi Láng khởi sắc đi lên

Thứ sáu, 25/02/2022 - 11:30

TNV - Nằm ở độ cao trung bình 1.300m, đã từ lâu xã Tà Xi Láng thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nổi tiếng không chỉ bởi là xã đặc biệt khó khăn, nằm ở xa trung tâm nhất, ở trên những đỉnh núi cao nhất huyện, mà còn bởi con đường độc đạo dẫn vào xã vô cùng cheo veo hiểm trở, với những cung đường dốc cua tay áo như dựng ngược ngay trước mặt, một bên là vách núi đá cao chót vót, một bên là vực sâu hun hút.

Đến năm 2004, con đường mòn độc đạo chỉ dành cho người đi bộ và ngựa thồ hàng dẫn vào xã Tà Xi Láng từ bao đời nay lại càng nổi tiếng trong cả nước bởi đây là công trình thanh niên do cựu Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh Trà (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) khởi xướng đã huy động hàng vạn lượt thanh niên trong toàn tỉnh bạt núi, phá đá mở đường, biến con đường nhỏ hẹp thành con đường rộng đủ chỗ cho xe ô tô vận chuyển hàng hóa qua lại. Và từ đây con đường mang tên gọi: Con đường tình yêu!

 Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy và Bí thư Huyện ủy Giàng A Thào vui ngày hội Đại đoàn kết tại thôn Xá Nhù - Tà Xi Láng

Những việc làm ý nghĩa được đồng bào Mông địa phương rất ưng cái bụng

Đón chúng tôi ở gần đồi chè Thác Hoa (huyện Văn Chấn) đẹp như tranh vẽ vào một ngày cận Tết Nhâm Dần, vừa đi trên Con đường tình yêu, Bí thư Đảng ủy xã Tà Xi Láng – Trần Bình Trọng – vừa kể cho nghe những câu chuyện thú vị và tự hào về con đường ghi đậm chiến công của tuổi trẻ Yên Bái. Anh bật mí, đã tham gia Câu lạc bộ xe ô tô bán tải toàn quốc và đang ấp ủ kế hoạch mời các thành viên câu lạc bộ về trải nghiệm những cung đường đặc biệt nguy hiểm ở Tà Xi Láng, nhằm biến con đường hiểm trở này thành con đường thu hút du khách ưa thích mạo hiểm và cảm giác mạnh.

Con đường chỉ dài chừng 16 km nhưng quả thật là nỗi khiếp sợ đối với nhiều tay lái vẫn thường đi miền núi, nhưng cũng là thử thách đầy phấn khích cho những tay đua ưa mạo hiểm, đặc biệt là mỗi khi vượt qua Dốc Bẩy Tầng. Chẳng thế mà tay lái cự phách Tây Bắc – Phạm Xuân Cường - đưa chúng tôi đi phải mất ngót tiếng đồng hồ mới vượt qua được cung đường vỏn vẹn 16 km để đến đích; nhất là khi vượt dốc tầng thứ 6 và thứ 7 thì “bác tài” cũng phải thót tim ớn lạnh khi đối mặt với dốc đứng, cua gấp, làm xe chết máy phải khởi động lại, nguy hiểm khi rơi xuống vực sâu thăm thẳm hiện rõ trên gương mặt lo âu của mọi người.


 Lễ hội Gàu Tào được xã khôi phục cuối năm 2021 tại Cây Xi Láng

Từng là thầy giáo 10 năm, trước khi chuyển sang Huyện đoàn công tác và đảm nhiệm cương vị Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu 3 năm, đến tháng 6/2020 được điều động đi làm Bí thư Đảng ủy xã Tà Xi Láng, anh Trần Bình Trọng (sinh năm 1983) được Huyện ủy Trạm Tấu gửi gắm niềm tin sẽ làm được nhiều việc có ích cho bà con nơi đây, bởi ở anh có thuận lợi về sức trẻ, nhiều học sinh và mối quan hệ rộng khi công tác ở Huyện đoàn.

Không phụ sự kỳ vọng của Huyện ủy, mới 01 năm rưỡi về xã nhận nhiệm vụ (tính đến hết năm 2021), anh đã gần gũi nắm bắt tình hình đời sống của bà con; gắn bó, qui tụ, đoàn kết cán bộ, đảng viên, công chức toàn xã tổ chức thành công Bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đặc biệt, Bí thư Trần Bình Trọng đã nỗ lực vận động cán bộ đảng viên trong xã tham gia kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa, và kết nối với các tổ chức, cá nhân có mối quan hệ từ ngày còn làm công tác Đoàn ủng hộ xã gần 2 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, nhà nhân ái, nhà tiêu hợp vệ sinh...

Trong đó, đảng viên Trần Bình Trọng trực tiếp vận động Nhà chùa Vinh Phúc Bắc Ninh hỗ trợ 545 triệu đồng đổ đường bê tông chòm Bãi Chè Cao thôn Làng Mảnh dài 05 km, Công ty CP Nhựa và hóa chất Đại Á tặng trên 500 triệu đồng quà Tết và tiền mặt (500.000 đồng/hộ) cho 100% hộ dân toàn xã, Trung tâm CDC Yên Bái 214,8 triệu làm nhà tiêu hợp vệ sinh, Đoàn từ thiện Hà Nội hỗ trợ xây nhà mới giúp 01 hộ nghèo trị giá 70 triệu đồng, Ngân hàng Viettin BankNgân hàng BIDV chi nhánh Yên Bái hỗ trợ 180 triệu đồng giúp 04 hộ nghèo xóa nhà tạm, Quỹ xây cầu ước mơ cho em hỗ trợ dự án trồng mới 2.000 cây dổi hạt trị giá 80 triệu đồng cho nhân dân thôn Tà Đằng, Chống Chùa…

Khách lên Tà Xi Láng mua đào rừng đem về xuôi

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tháng 3/2021 Bí thư Trần Bình Trọng đã khởi xướng việc phân công cán bộ, công chức, viên chức xã trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ các hộ thoát nghèo với số tiền là 32 triệu đồng; đồng thời, khích lệ mọi người hăng hái tham gia vận động các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp được 05 hộ nghèo làm nhà mới trị giá 250 triệu đồng, Bộ Công an hỗ trợ 05 nhà trị giá 250 triệu đồng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh hỗ trợ 32 triệu đồng làm công trình “Thắp sáng đường quê” thôn Xá Nhù...hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, tạo sinh kế giảm nghèo bền vững.

Với những nỗ lực đó, trong 18 tháng qua diện mạo của xã đã có nhiều khởi sắc trông thấy: từ chỗ chưa làm được mét đường nông thôn mới nào, xã Tà Xi Láng đã hoàn thành 03 tuyến đường với chiều dài 8,37 km, trong đó nguồn vốn xã hội hóa và nhân dân đóng góp hơn 1,9 tỷ đồng, đạt gần 60% chí phí; làm thêm được 200 nhà tiêu hợp vệ sinh cho 200 hộ trên địa bàn xã, nâng số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh lên 365/365 hộ, đạt 100%; giúp 18 hộ nghèo xóa nhà tạm với trị giá 820 triệu đồng; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bà con thôn Tà Cao làm đường nông thôn mới.

Bên cạnh thành công về huy động các nguồn lực xã hội hóa để giải quyết bài toán về làm đường nông thôn mới, xóa nhà tạm và làm nhà tiêu hợp vệ sinh, người “cựu thủ lĩnh thanh niên huyện Trạm Tấu” đã lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã khôi phục lại Lễ hội Gàu Tào truyền thống tại Cây Xi Láng cổ thụ hàng trăm năm tuổi gắn liền với lịch sử và tên gọi của xã Tà Xi Láng, đã bị mai một mấy chục năm nay – một việc làm vô cùng ý nghĩa được đồng bào Mông địa phương rất ưng cái bụng.

Nhiều ý tưởng và giải pháp thực hiện rất mới nhằm tạo ra sức bật cho địa phương

Trăn trở với mục tiêu huy động mọi nguồn lực phấn đấu đưa xã Tà Xi Láng thoát khỏi xã khó khăn nhất và trở thành xã phát triển khá của huyện vào năm 2025. Đầu năm 2021, người cán bộ “cắm bản” trên rẻo cao Tà Xi Láng đã chủ trì Hội nghị về phát triển kinh tế - xã hội của xã giai đoạn 2020 – 2025 với nhiều ý tưởng và giải pháp thực hiện rất mới nhằm tạo ra sức bật mới cho địa phương, cho đời sống nhân dân được cải thiện.

Chị Hờ Thị Dinh (thôn Tà Cao) cũng như 100% hộ bà con trong xã đều có Nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.

Theo đó, nhận thấy đàn trâu của xã Tà Xi Láng có hình thể to, khỏe hơn các địa phương khác trong vùng, được thương lái tìm mua với giá trị cao hơn thị trường từ 10 – 15%/con, xã có nguồn cỏ dồi dào cả vào mùa đông, bà con lại có chuồng trại kín để chống rét, nên đề xuất phát triển đàn trâu bản địa tăng nhiều hơnso với chỉ tiêu trước đó của Bí thư Trần Bình Trọng đã được Hội nghị nhất trí cao.

Tương tự như vậy, với cách diễn đạt dễ hiểu “thầy giáo” Trọng phân tích: “Nếu bà con chỉ tập trung vào trồng các loại cây lương thực như ngô, khoai, lúa… thì giá trị kinh tế không cao; trong khi hoa đào Tà Xi Láng rất đẹp được nhiều người săn lùng mua vào mỗi dịp Tết với giá cao, cây đào rất dễ trồng, không tốn chí phí chăm sóc, sau khi bán cành vẫn còn được thu hái quả để bán”. Nhận ra hiệu quả, tất cả mọi người đều thông với chỉ tiêu phấn đấu hàng năm mỗi thôn tăng từ 5.000 cây đào bản địa trở lên, để trở thành địa phương cung cấp đào tết có thương hiệu, gắn với phát triển du lịch – đây là chỉ tiêu mới so với Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã mới diễn ra trước đó gần một năm.

Khu nhà lưới trồng Sâm Ngọc Linh đã sẵn sàng; dự kiến tháng 3/2022 những cây Sâm Ngọc Linh đầu tiên sẽ được trồng thử nghiệm, mở thêm hướng thoát nghèo cho bà con.

Ngoài ra, Hội nghị cũng bổ sung thêm 03 chỉ tiêu mới là: (1) Phấn đấu đưa các sản phẩm du lịch đặc trưng của xã vào khai thác từ cuối năm 2021 gồm: Cung đường tình yêu Tà Xi Láng; Nguồn nước thiêng Tà Cao; Du lịch “Về nguồn” Cây Xi Láng; Vọng gác non cao Chống Chùa; Đệ nhất thác Đề Chơ… gắn với quảng bá, phát triển các sản phẩm ẩm thực, thủ công, thổ cẩm của đồng bào Mông Tà Xi Láng.(2) Thu hút doanh nghiệp xây dựng thành công mô hình Sâm Ngọc Linh - Tà Cao và trở thành trung tâm cung cấp giống cho toàn vùng Tây Bắc. (3) Tập trung nghiên cứu phát triển các giống cây dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và địa hình của xã; trước mắt là việc trồng thửnghiệm 5.000m2 cây cỏ ngọt tại thôn Xá Nhù trong quý II năm 2021; đánh giá hiệu quả để nhân rộng ra các thôn còn lại.

Chủ tịch xã Trang A Lồng cho biết, chỉ ít ngày sau khi Nghị quyết ban hành, xã đã tổ chức phát động trồng được 500 cây hoa đào bên trục đường chính từ trung tâm xã vào khu Cây Xi Láng, đến cuối năm tổ chức trồng đợt 2 được 300 cây đào nữabên đường thôn Tà Lù Đằng vào khu Chống Súa Gùa, chưa kể hàng nghìn cây đào bà con tự trồng. “Còn về phát triển đàn trâu bản địa, năm 2021 xã đã tạo điều kiện thuận lợi để 40 hộvay1,9 tỷ đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hộiphát triển chăn nuôi; tính đến cuối năm đàn trâu của xã tăng lêngần 50 con, bà con bán hơn 30 con thu về trên1,5 tỷ đồng” – ông Lồng phấn khởi nói.

Trâu Tà Xi Láng có hình thể to, khỏe, được thương lái tìm mua với giá trị cao hơn thị trường từ 10 – 15%/con.

Cũng theo Chủ tịch xã, về lĩnh vực kinh tế, xã chú ý phát triển chăn nuôi đại gia súc theo quy hoạch vùng, tuân thủ các quy trình chăn nuôi đạt chuẩn chất lượng để phát triển bền vững; chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng; thu hút doanh nghiệp đầu tư về sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch, tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp giá trị cao làm tiền đề phát triển trong những tiếp theo. Đồng thời, quảng bá thương hiệu “Tà Xi Láng – Non cao linh thiêng”; xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tốt cho sức khỏe; hỗ trợ xây dựng các mô hình làm nghề truyền thống.

Về lĩnh vực văn hóa, xã hội: Đặt trọng tâm là khôi phục và bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của Lễ hội Gàu Tào thành lễ hội thường niên. Mặt khác, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, gắn với xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia; chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động.

Người cán bộ bám dân, bám bản, dám đổi mới, đưa xã Tà Xi Láng chuyển mình vươn lên

Thêm một tín hiệu vui đến với xã Tà Xi Láng vào dịp đầu xuân mới Nhâm Dần 2022, mặc bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 và thời tiết khí hậu cực đoan trong năm 2021, song dưới sự đoàn kết quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn xã đã cùng nhau thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch.Cụ thể: trong 24 chỉ tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng có 11 chỉ tiêu vượt, 13 chỉ tiêu đạt so với kế hoạch; 22/22 nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng đạt từ 100% kế hoạch trở lên, trong đó có 14 nhiệm vụ hoàn thành trước thời hạn; 50/50 nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đều hoàn thành, có 38 nhiệm vụ vượt và hoàn thành sớm so với kế hoạch.

 Ông Thào A Páo cùng vợ hái rau cải mèo tặng khách phương xa

Đáng chú ý, ngay trong năm đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đã tăng 8ha so với cùng kỳ năm 2020, với sản lượng 2.450 tấn, tăng 87 tấn so với năm 2020, bằng 101% kế hoạch giao; tổng đàn gia súc chính 2.958 con, đạt 101% kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 29,05 tấn bằng 100% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng 68,82 % đạt 101% so với kế hoạch.

Nói về việc thu hút doanh nghiệp đầu tư mô hình trồng Sâm Ngọc Linh ở thôn Tà Cao, anh Trọng vui mừng tiết lộ đã mời được doanh nghiệp tỉnh Kon Tum lên đầu tư xong nhà lưới rộng 1.500 m2  từ tháng 11/2021, dự kiến trong tháng 3/2022 những cây Sâm Ngọc Linh đầu tiên sẽ được trồng thử nghiệm trên đất Tà Xi Láng, mở thêm hướng thoát nghèo cho bà con.

 Bí thư Trần Bình Trọng (bìa trái), Chủ tịch Trang A Lồng (bìa phải) và tác giả cùng phấn khởi bên sắc xuân hoa đào.

Trong những ngày đầu xuân mới 2022, đi trên những con đường bê tông mới làm láng cóng tại thôn Xá Nhù và Tà Cao, ở đâu chúng tôi cũng gặp sắc hoa đào rực rỡ ở ngay bên đường và trong nương vườn của mọi nhà. Chủ tịch Lồng bật mí, năm nay nhiều hộ đã có nguồn thu hàng chục triệu đồng từ bán đào Tết.

 Bồng bềnh sông mây trên rẻo cao Tà Xi Láng.

Rời Tà Xi Láng, vượt Dốc Bẩy Tầng chúng tôi không còn cảm giác lo ngại như trước, mà thấy vui ở trong lòng, bởi đã gặp được người cán bộ trẻ bám dân, bám bản, dám đổi mới, dám đột phá đưa xã Tà Xi Láng chuyển mình vươn lên. Con đường tình yêu của tuổi trẻ Yên Bái dành cho nhân dân Tà Xi Láng năm nào, đang được người cựu cán bộ Đoàn – Trần Bình Trọng – cùng đồng bào vùng rẻo cao xa xôi, gian khó biến thành con đường thu hút khách du lịch đưa xã Tà Xi Láng khởi sắc đi lên từ chính nội lực sẵn có của địa phương là: phát triển thương hiệu hoa đào, trâu bản địa, cây dược liệu và du lịch non thiêng./.

 

Du lịch trải nghiệm Đệ nhị thác Pà Di. 

Mới đây, trong buổi làm việc với huyện Trạm Tấu vào đầu xuân Nhâm Dần (12/2/2022), Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã mời xã Tà Xi Láng khó khăn nhất của huyện phát biểu đầu tiên, thay mặt xã Bí thư Trần Bình Trọng đã nêu ý kiến: Khó khăn của Tà Xi Láng ai ở đây cũng biết, nhưng từ khó khăn đấy chúng tôi lại thấy Tà Xi Láng có nhiều cái lợi thế, nhiều cái thế mạnh, nên chúng tôi không còn thấy khó khăn nữa. Bây giờ Tà Xi Láng không xin đường, xin tiền từ cấp trên mà chỉ xin cho cơ chế để xã phát triển cây dược liệu và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư làm du lịch. Phát biểu của anh Trần Bình Trọng được Bí thư Tỉnh ủy rất ủng hộ, bởi bám sát đúng tinh thần đổi mới về công tác cán bộ và tư duy phát triển kinh tế của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

 

  Ký đầu xuân:  Phạm Quỳnh