Ông John Bolton, một người với chính sách đối ngoại diều hâu hàng đầu, là một nhân vật kỳ cựu và gây nhiều tranh cãi liên quan đến cuộc tấn công Iraq và các quyết định chính sách đối ngoại khá cứng rắn của Mỹ. Ông cũng được coi là một trong những động lực chính trong cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ đối với các vấn đề Iran, Triều Tiên, Venezuela, Nga và gần đây nhất là các cuộc đàm phán với Taliban tại Afghanistan.
Thông báo trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ thông báo lý do sa thải ông Bolton do bất đồng về một số vấn đề, mặc dù ông Bolton phủ nhận việc mình bị sa thải và nhấn mạnh đó là quyết định từ chức. Người thay thế ông Bolton dự kiến được thông báo vào tuần tới, với việc truyền thông phương Tây nhiều lần đề cập đến cái tên Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Beguin.
Chỉ chưa đầy 90 phút sau thông báo sa thải Cố vấn An ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố sẵn sàng có cuộc gặp không điều kiện tiên quyết với nhà lãnh đạo Iran. Với sự ủng hộ của ông Bolton, Tổng thống Trump đã hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân đã kí năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Cố vấn an ninh quốc gia này cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ khiến xuất khẩu dầu của Iran trở về mức bằng 0 và phản đối cuộc gặp của nhà lãnh đạo Mỹ với Tổng thống Hassan Rouhani.
Những bước đi của Tổng thống Trump khiến một số nghị sĩ Mỹ lo ngại việc sa thải ông John Bolton đã giúp xóa bỏ rào cản đối thoại với Iran và khiến Mỹ có lập trường mềm mỏng hơn với Iran.
Iran cũng ngay lập tức có phản ứng về sự ra đi của ông Bolton, khẳng định việc Tổng thống Mỹ sa thải Cố vấn an ninh quốc gia là sự thất bại trong chiến lược gia tăng sức ép của Mỹ. Xoa dịu lo ngại của những người ủng hộ quan điểm cứng rắn với Iran, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm qua (10/9) nhấn mạnh, sự ra đi của một quan chức trong chính quyền không nên được hiểu là tín hiệu thay đổi chiến lược.
"Một số người sẽ hỏi liệu chính sách của chúng tôi sẽ khác đi khi một người nào đó ra đi. Tôi không nghĩ bất kì nhà lãnh đạo thể giới nào nên đưa ra dự đoán rằng, chỉ vì một ai đó trong chính quyền Mỹ ra đi, mà chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump sẽ thay đổi theo một cách nào đó”, ông Mike Pompeo nói.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng tuyên bố, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa lên Iran: “Tôi và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng Tổng thống đều đồng quan điểm trong việc sẽ gia tăng sức ép tối đa lên Iran. Mỹ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran và nó đang hoạt động hiệu quả. Với diễn biến hiện nay thì Tổng thống vẫn khẳng định có cuộc gặp không điều kiện tiên quyết với nhà lãnh đạo Iran, nhưng vẫn duy trì chiến dịch gia tăng sức ép tối đa”.
Tiếp tục chiến dịch gia tăng sức ép tối đa nhưng Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ đều được đánh giá là người có quan điểm mềm mỏng hơn so với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Điều đó cho thấy vẫn có hy vọng diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Iran-Mỹ bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tháng 9, nếu Iran nới lỏng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt trước tiên. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua (10/9) cũng bày tỏ khá lạc quan về khả năng diễn ra cuộc gặp sắp tới giữa nhà lãnh đạo hai bên.
Mặc dù vậy, phải thừa nhận một thực tế rằng kể cả khi một cuộc gặp diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ- Iran thì cơ hội để hai bên thỏa hiệp là rất thấp. Rất khó để Iran chấp nhận các điều kiện hiện nay của Mỹ, bao gồm chấm dứt mãi mãi việc làm giàu urani, hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo và thay đổi hoàn toàn chính sách khu vực của Iran. Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng không thể đưa ra nhượng bộ vì sẽ vấp phải phản đối cả trong nước và khu vực. Do đó, giới phân tích nhận định, sự ra đi của Cố vấn John Bolton chỉ có thể dỡ bỏ một trong số rất nhiều rào cản lớn và thách thức phía trước trong mối quan hệ Mỹ- Iran./.
Theo VOV