Sai lầm nghiêm trọng khiến Trung Quốc đang "mất" châu Âu

Thứ năm, 27/05/2021 - 07:30

Trung Quốc đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong các chính sách với châu Âu, dẫn đến những rạn nứt hiện nay.

Trung Quốc đang “mất” châu Âu

Trong những tháng qua, mối quan hệ Trung Quốc - châu Âu đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1989. Sau khi hai bên trừng phạt lẫn nhau về vấn đề Tân Cương, những tranh cãi chính trị hiện đang “khai tử” Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện mà cách đây chỉ một vài tháng, các nhà lãnh đạo châu Âu và Trung Quốc coi đó là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai bên.

Ảnh minh họa: Flickr

Ngày 20/5, Nghị viện châu Âu quyết định "đóng băng" việc thông qua thỏa thuận trên, đồng thời thông báo cơ quan này sẽ không bắt đầu thỏa thuận cho tới khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh áp lên các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân của châu Âu, trong đó có các thành viên trong Nghị viện châu Âu.

Quyết định này xảy ra không mấy bất ngờ. Quan điểm của các nhà lãnh đạo châu Âu nói riêng và công chúng châu Âu nói chung về Trung Quốc đang trở nên ngày càng tiêu cực. Các nhà lãnh đạo châu Âu thừa nhận gần đây rằng, đã có "sự bất đồng cơ bản" giữa 2 bên, trong khi một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew cho thấy, quan điểm không thân thiện với Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục ở nhiều nước châu Âu. Mặc dù Trung Quốc và EU vẫn thúc đẩy hợp tác trên một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu nhưng điều này hầu như không thể cứu vãn mối quan hệ đang lao dốc liên tục này.

Sự lao dốc của quan hệ EU - Trung Quốc không xảy ra trong một sớm một chiều. Cả hai bên đều liên tục định hình lại lập trường về nhau trong mối quan hệ quốc tế nói chung. Điều này đặc biệt đúng với châu Âu.

Nhận thấy quyền lực ngày càng tăng nhanh của Trung Quốc, EU bắt đầu kêu gọi một mối quan hệ bình đẳng hơn và có đi có lại trong vấn đề thương mại, đầu tư với Trung Quốc vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên, mong đợi này của EU đã không được đáp ứng và những động thái quyết đoán của Trung Quốc khiến châu Âu ngày càng thất vọng. Dù vậy, những cảm nhận như vậy hầu như không được chú ý tới ở Trung Quốc cho tới năm 2019, khi EU gọi nước này là "đối thủ cạnh tranh kinh tế" và "kẻ thù có hệ thống".

Những sai lầm nối tiếp sai lầm của Trung Quốc

Rõ ràng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu được định hình bởi sự tương tác giữa 2 bên và bị ảnh hưởng bởi các nhân tố bên ngoài, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, xu hướng quan hệ giữa Trung Quốc và EU hiện nay là điều không thể tránh khỏi. Từ phía Trung Quốc, có ít nhất 3 sai lầm nghiêm trọng trong chính sách với EU.

Thứ nhất, Trung Quốc không đối xử với EU như một nhân tố an ninh và chính trị bình đẳng. Trong khi đó, EU cũng là một nền kinh tế mạnh và một nhân tố quan trọng định hình trật tự quốc tế. Khối này đóng vai trò lớn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và các dịch bệnh truyền nhiễm. Các nước thành viên EU, mặc dù có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ về lĩnh vực quốc phòng nhưng cũng là nhân tố chủ chốt trong việc ứng phó với các thách thức an ninh ở những nơi như Libya, vùng Sahel, Syria và Ukraine.

Bên cạnh đó, EU cũng có quyền lực mềm mạnh mẽ: Khối này đã xây dựng và dẫn đầu nhiều tổ chức đa phương, thúc đẩy các quy định quốc tế và có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ngày nay, EU đang thúc đẩy điều gọi là tự trị chiến lược và đang nỗ lực đóng vai trò chủ động hơn trong các vấn đề địa chính trị, thể hiện tham vọng ngày càng lớn của khối này.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không chú ý tới quyền lực và tham vọng của châu Âu. Thay vào đó, theo The Diplomat, Bắc Kinh chỉ coi Brussels là nơi để tiến hành các cuộc thảo luận và EU là một khối lỏng lẻo với những chia rẽ sâu sắc bên trong có thể phân mảnh bất cứ lúc nào.

Về chính sách đối ngoại, Trung Quốc coi Mỹ là một nhân tố chính, nếu không phải là duy nhất trong quá trình ra chính sách. Bắc Kinh nhìn nhận mối quan hệ với châu Âu trong mối quan hệ Trung - Mỹ và quan hệ châu Âu - Mỹ, với hy vọng sẽ không đẩy EU về phía Mỹ và ngăn cản việc hình thành một liên minh chống lại nước này. Trung Quốc đã đánh giá thấp ý chí và khả năng của EU, đồng thời đánh giá quá cao việc EU cần Mỹ. The Diplomat cho rằng lập trường "lỗi thời" về EU và quan hệ Trung Quốc - EU đã khiến Bắc Kinh không thể hiểu rõ về EU hiện nay.

Thứ hai, Trung Quốc không hiểu và thường bỏ qua những mối lo ngại của EU về nhân quyền hay luật pháp quốc tế. Từ khía cạnh lợi ích thực tế, Trung Quốc nhấn mạnh đến quan hệ thương mại và đầu tư giữa 2 bên nhưng lại bỏ qua sự bất đồng ngày càng sâu sắc về những vấn đề khác. Bắc Kinh cho rằng nước này chỉ cần dùng "củ cà rốt" thương mại và đầu tư là có thể lôi kéo EU về phía mình. Điều này có thể hiệu quả vào thời kỳ đầu của mối quan hệ nhưng khi hai bên càng tương tác nhiều hơn thì nó không còn như vậy nữa, bởi thương mại không phải là toàn bộ mối quan hệ song phương.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng những động thái quyết đoán đã khiến nước này vấp phải nhiều "chỉ trích". Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng với những lời chỉ trích ở nước ngoài và quyết định xây dựng một hình ảnh thân thiện hơn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, việc đó cần thời gian và kỹ năng, thậm chí hàng thập kỷ để tạo nên sự thay đổi.

Thứ ba, Trung Quốc không thể phát triển mối quan hệ ngoại giao khéo léo hơn với EU. Trung Quốc đã thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong những thập kỷ qua. Nhiều quốc gia coi ảnh hưởng và sự trỗi dậy của Bắc Kinh là một mối đe dọa tiềm ẩn. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tuyên bố rằng nước này có mục đích thúc đẩy quan hệ đối tác sâu sắc hơn với EU, bất kể nhận thức của EU về Trung Quốc đã thay đổi.

Trung Quốc từ chối thay đổi quan điểm và chính sách thiếu thực tế về EU, cũng như trong việc nhìn nhận lại về những chia rẽ sâu sắc giữa hai bên. Tuy nhiên, sự bất đồng không biến mất chỉ vì Trung Quốc không đối diện với nó. Thay vào đó, chúng tích tụ dần và dẫn đến những rắc rối lớn hơn.

Ngoài ra, trong khi Bắc Kinh cho rằng nước này có nhiều quyền lực hơn để bảo vệ những lợi ích ngày càng gia tăng thì mối lo ngại của các quốc gia khác về cách thức sử dụng quyền lực của Trung Quốc cũng ngày càng lớn.

Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi các nhà ngoại giao thể hiện "tinh thần chiến đấu" mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, điều này có thể trở thành sự hung hăng trong một vài trường hợp, nhất là khi "tinh thần chiến đấu" đang khiến những cuộc trao đổi trở nên "thù địch và gay gắt hơn".

The Diplomat cho rằng, quan hệ EU - Trung Quốc đang trở thành một trong những nạn nhân của phong cách ngoại giao kiểu "chiến lang" từ Trung Quốc mà việc các nhà ngoại giao Trung Quốc chỉ trích các ngoại trưởng châu Âu chỉ khiến hình ảnh của nước này ngày càng xấu đi trong mắt các nhà hoạch định chính sách và công dân châu Âu./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: Diplomat