TNV - Ngày 7/11, Hội đồng quản trị Saigon Co.op tổ chức họp mặt toàn thể các hợp tác xã thành viên để lắng nghe tâm tư, tình cảm và tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị đang gặp phải, với mục tiêu giúp cho sự gắn kết giữa Saigon Co.op và các hợp tác xã thành viên ngày thêm bền chặt.
Buổi họp mặt diễn ra trong không khí ấm áp, thân thiện, nhưng cũng không kém phần sôi động. Sau khi nghe báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh của Saigon Co.op trong 10 tháng đầu năm 2020, có nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn xoay quanh những khó khăn, vướng mắc, chủ yếu về mặt bằng và nguồn tài chính đến từ các hợp tác xã thành viên. Cũng có ý kiến cho rằng, Hội đồng Quản trị Saigon Co.op nên xin ý kiến Thành ủy trình Đại hội thành viên sớm bổ sung nhân sự Chủ tịch Hội đồng quản trị, để hoạt động của Saigon Co.op được thuận lợi và xuyên suốt hơn.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Saigon Co.op
phát biểu tại buổi họp mặt giữa Saigon Co.op và các hợp tác xã thành viên.
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi từ các hợp tác xã thành viên, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Saigon Co.op khẳng định: “Lãnh đạo Saigon Co.op sẽ luôn tạo mọi điều kiện để các hợp tác xã thành viên hoạt động thuận lợi, kể cả chính sách hỗ trợ về vốn, nếu các đơn vị có nhu cầu. Đề nghị các thành viên trong Ban Tổng Giám đốc Saigon Co.op rà soát lại các cơ chế phối hợp, nhằm tối đa hóa giao dịch giữa đôi bên ngày càng nâng chất và hiệu quả hơn. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ những khó khăn của các hợp tác xã thành viên về mặt bằng, tiếp tục tăng cường việc phân phối hàng hóa tập trung với chính sách trả chậm, cùng nhau sử dụng, thụ hưởng các dịch vụ chung, trên cơ sở phát huy thế mạnh riêng có của Saigon Co.op, vì sự phát triển chung của đơn vị”.
Saigon Co.op được thành lập vào ngày 12/5/1989, với tiền thân là Ban quản lý hợp tác xã mua bán, được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý các hợp tác xã mua bán tại thành phố.
Theo Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Thị Nghĩa, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của Saigon Co.op cho biết, sau ngày giải phóng miền Nam, số lượng doanh nghiệp ngoài Nhà nước rất ít, giá cả hàng hóa không ổn định, thị trường nhiễu loạn. Lúc bấy giờ, hợp tác xã giữ vai trò làm đại lý cho các nhà máy quốc doanh, thực hiện tiếp nhận, phân phối hàng hóa theo kế hoạch và bán ra theo giá quy định của Nhà nước. Đó cũng chính là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao cho Ban quản lý hợp tác xã mua bán, về việc giữ cho thị trường luôn ổn định, tăng cường phục vụ hàng hóa thiết yếu cho dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Bà Trần Thị Tuyết Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Cầu Bông, quận Bình Thạnh phát biểu tại
buổi họp mặt giữa Saigon Co.op và các hợp tác xã thành viên.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho biết thêm, sau đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, nền kinh tế nước nhà chuyển từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi đó, hàng hóa tại các hợp tác xã trở nên khan hiếm, do hoạt động mua bán từ những doanh nghiệp quốc doanh được tư nhân hóa mạnh mẽ, khiến cho nhiều hợp tác xã kiểu cũ rơi vào khủng hoảng và giải thể hàng loạt. Ban quản lý hợp tác xã mua bán lúc này phải đứng trước hai lựa chọn khó khăn, một là trở thành một tổ quản lý và phát triển hợp tác xã trực thuộc sở Thương mại, hai là tự kinh doanh. Trước tình thế đó, ban quản lý hợp tác xã mua bán đã mạnh dạn chọn theo hướng tự chủ trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ quyết định mang tính lịch sử ấy, mới có được một đơn vị Saigon Co.op lớn mạnh như ngày nay.
“Chức năng từ ngày đầu thành lập Saigon Co.op vào năm 1989 gồm trực tiếp sản xuất, kinh doanh và tiếp tục duy trì, hỗ trợ phát triển phong trào hợp tác xã trong toàn thành phố. Đây chính là bản chất riêng có của Saigon Co.op, khi tham gia sản xuất, kinh doanh, không chỉ nhằm mỗi mục đích sinh lợi giống như các doanh nghiệp khác, mà còn vì sự phát triển tốt đẹp của cộng đồng xã hội. Các thành viên trong mái nhà thân yêu Saigon Co.op gắn kết với nhau bằng “chất keo” đặc biệt của hợp tác xã, bằng sự chân thành, bởi niềm tin, ý chí, tâm huyết, luôn thương yêu, dìu dắt nhau để cùng vượt qua mọi khó khăn. Đôi lúc, nhiều người tài trong hệ thống tuy có những cơ hội khác cho bản thân mình, nhưng vì tập thể, vì bản chất nhân văn của hợp tác xã, mà họ vẫn tiếp tục dấn thân, gắn bó với một tổ chức có truyền thống tốt đẹp, thiêng liêng như Saigon Co.op”, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ.
Co.opmart Cống Quỳnh, siêu thị hiện đại đầu tiên của Saigon Co.op, trong những ngày đầu thành lập.
Trải qua bao thác ghềnh, khó khăn, thách thức từ khi thành lập đến nay, thập thể gần 2 vạn cán bộ, đảng viên, nhân viên Saigon Co.op luôn tự nhủ sẽ cùng nhau đoàn kết, gắn bó, phát huy tối đa sức mạnh tập thể, để giữ vững bản chất Hợp tác xã, phát huy truyền thống Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, giữ vững vị thế Nhà bán lẻ tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, từng bước công nghệ hóa hoạt động quản trị, củng cố hiệu quả các mô hình kinh doanh, phát triển mạnh thương mại điện tử, xây dựng chuỗi cung ứng logistics hiện đại, tích cực phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, nhằm đáp ứng lòng tin yêu của hàng triệu người tiêu dùng, góp phần củng cố, phát triển mô hình kinh tế tập thể, đóng góp tích cực cho an sinh xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Lê Thanh