Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, nhiều nước đóng cửa không tiếp nhận du học sinh. Theo đó, các du học sinh Việt Nam chưa thể sớm trở lại để tiếp tục chương trình học. Việc học tập tại Việt Nam mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn để trở lại du học đang được rất nhiều gia đình và học sinh quan tâm.
Tuy nhiên, vấn đề tuyển sinh, công nhận tín chỉ, chất lượng các chương trình liên kết quốc tế… đang khiến các học sinh bối rối. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có những hướng dẫn gỡ rối cho vấn đề này.
Theo đó, ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã ký công văn gửi các trường đại học về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường xem xét, tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Trao đổi cụ thể yêu cầu này trong cuộc tọa đàm chiều 23/7, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du học sinh Việt Nam khó có thể trở lại nước ngoài học tập trong thời gian tới. Các cơ sở giáo dục đại học cần chú ý 2 điểm chính, gồm việc tiếp nhận lưu học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, khả năng học tập các trường trình, đặc biệt là các chương trình quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh và chương trình liên kết đào tạo nước ngoài giảng dạy bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
“Chúng ta cũng cần xem xét điều kiện từ phía cơ sở giáo dục đại học, như trường có đủ năng lực đào tạo, còn chỉ tiêu phù hợp với điều kiện tuyển sinh. Các điều kiện đầu vào với các sinh viên trong quá trình nhập học cũng không được thấp hơn so với thông thường của chương trình tương ứng”, bà Thủy nói.
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng nhấn mạnh việc các trường đại học cần căn cứ chương trình đào tạo, nội dung, yêu cầu chuẩn đầu ra và số tín chỉ… để xem xét chấp nhận một phần tín chỉ hay các học phần phù hợp để tiết kiệm thời gian học tập cho du học sinh trong thời gian tới.
Về vấn đề này, GS. TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 không gây bất ngờ cho nhà trường trong công tác đào tạo, tiếp nhận du học sinh và sinh viên quốc tế.
“Cùng với công văn của Bộ GD-ĐT, chúng tôi cũng yêu cầu các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc xây dựng chương trình học chi tiết hơn, theo đó công bố khung chương trình, từng loại hình đào tạo, chương trình liên kết nào do ĐHQG Hà Nội cấp bằng hay do trường đối tác quốc tế cấp bằng… Như vậy, các em có thể nắm được điều kiện và nộp hồ sơ”, ông Thảo nhấn mạnh.
Cuộc tọa đàm "Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập" do VGP tổ chức.
Các trường khác như ĐH Bách Khoa Hà Nội hay Đại học Ngoại Thương cũng khẳng định đã ở tâm thế sẵn sàng với tình huống tiếp nhận và hỗ trợ các lưu học sinh Việt Nam tại nước ngoài không bị gián đoạn học tập. Trong đó, ĐH Bách khoa Hà Nội có 12 chương trình dạy bằng tiếng Anh cho các ngành mũi nhọn về khoa học công nghệ và 10 chương trình liên kết quốc tế với 4 ngoại ngữ giảng dạy là Anh, Pháp, Đức, Nhật.
Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH Ngoại thương, các lưu học sinh có nhiều chương trình học phù hợp để lựa chọn: “Tùy thuộc vào chương trình mà các em lựa chọn, trong đó có chương trình liên kết do trường đối tác quốc tế cấp bằng hoặc do trường tại Việt Nam cấp bằng và có cả song bằng.
Trong trường hợp, sinh viên vẫn muốn cấp bằng của trường nước ngoài đang theo học, thì trước tiên, các em phải làm thủ tục bảo lưu trong trường hợp 2 trường chưa có thỏa thuận liên kết đào tạo. Và trong quá trình ở Việt Nam, các em tiếp tục tích lũy các tín chỉ để sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát có thể quay trở lại nước sở tại và hoàn thành chương trình học. Do đó, các em sinh viên phải rất chủ động để có tư vấn từ các trường đang theo học ở nước ngoài và nắm rõ vấn đề kiểm định tín chỉ học trong nước”.
Với trường hợp đặt ra là học sinh trước khi đi du học đã không đỗ đầu vào của các trường đại học tại Việt Nam, thì các em đăng ký học lúc này có được chấp nhận hay không. Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách Khoa Hà Nội, các học sinh đã vào các trường đại học nước ngoài với quá trình học tập tốt thì khi quay trở lại học tại Việt Nam, các trường đại học trong nước sẽ có cơ sở xem xét tuyển trên bảng thành tích./.
Ngọc Tuấn, Thiên Bình/VOV