Trong 1.535 trường hợp nhiễm mới được công bố gồm 1.346 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 189 trường hợp là người tại khu vực ổ dịch, tới khám sàng lọc tại Bệnh viện.
Thành phố hiện có 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phân bố khắp các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và danh sách được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố cũng huy động nhiều nguồn lực, kết nối các hệ thống phân phối, doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics có đủ năng lực và điều kiện cùng tham gia vào chuỗi cung ứng. Tổ chức các điểm bán hàng bình ổn lưu động nhằm giúp người nghèo, người dân tại khu cách ly, vùng phong tỏa được tiếp cận nguồn hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu với giá bình ổn.
Nhằm gia tăng nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân, Thành phố sẽ khắc phục và nhanh chóng đưa chợ truyền thống hoạt động trở lại trên cơ sở hướng dẫn cho quận, huyện, thành phố Thủ Đức các giải pháp phù hợp, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hoạt động của chợ truyền thống: triển khai thí điểm mô hình “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân” tại chợ Tân Chánh Hiệp - Quận 12; mô hình “Tổng đài đặt lịch đi chợ” tại chợ Bình Thới - Quận 11. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả các mô hình thí điểm, Thành phố sẽ triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống còn lại.
Về vấn đề doanh nghiệp chỉ được hoạt động khi đáp ứng yêu cầu “03 tại chỗ” hoặc “01 cung đường, 02 địa điểm”, đến nay đã có hơn 500 doanh nghiệp tự tổ chức hoạt động đảm bảo các điều kiện an toàn theo “3 tại chỗ” với gần 80.000 lao động. Thành phố cũng hỗ trợ thông tin, kết nối các đầu mối cung cấp cơ sở vật chất (như giường, nệm, …) phục vụ yêu cầu vừa cách ly, vừa sản xuất của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, Thành phố sẽ tiến hành rà soát, triển khai áp dụng hỗ trợ phù hợp theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của Chỉ thị 16 là người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện. Thành phố khuyến cáo người dân hãy ở tại nhà, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết, hạn chế mọi sự tiếp xúc với người khác, không tụ tập quá 2 người ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học. Người dân hãy cùng đồng hành với Thành phố vượt qua đợt dịch thứ 4 này!.
Ngày 18/7, UBND TP Thủ Đức đã có quyết định phong tỏa, cách ly y tế phường Tăng Nhơn Phú B và phường Long Trường từ 0h ngày 19/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Trong đó, phường Tăng Nhơn Phú B (không bao gồm phần diện tích thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM) có 05 khu phố, 53 tổ dân phố với 12.508 hộ và 38.962 nhân khẩu, trên diện tích 228,29 ha. Phường Long Trường bao gồm 5 khu phố, 35 tổ dân phố với 5.536 hộ, 20.299 nhân khẩu, diện tích 1.261,9 ha.
Trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế, người dân không được đi ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly trừ nhân viên y tế, trường hợp thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
Đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cách ly giữa nhà với nhà, không tập trung quá 02 người ngoài phạm vi công sở, công ty. Trong trường hợp cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Thủ Đức yêu cầu UBND phường Tăng Nhơn Phú B và phường Long Trường chỉ đạo, phân công lực lượng phối hợp với Trung tâm Y tế TP, các đơn vị chức năng có liên quan đến tổ chức phong tỏa 2 phường và thực hiện các biện pháp giám sát, phòng chống dịch theo quy định.
Tấn Tài