Thứ hai (22/4) sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Hình minh họa
Cụ thể, tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,80 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu chính là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô tương đương 1.400 lượng, khối lượng tối đa là 20 lô tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô tương đương 100 lượng.
NHNN cũng quy định mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng kí 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của NHNN.
Thời gian tổ chức đấu thầu vào lúc 10h sáng ngày 22/4. NHNN sẽ gửi thông báo trước 1 ngày đấu thầu.
Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua; 1 giờ sau khi đóng thầu NHNN sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17 giờ ngày nhận thông báo thầu.
Được biết, hiện có 26 đơn vị, bao gồm ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN. Đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu, NHNN đã có thông báo tới 15 doanh nghiệp vàng đủ điều kiện đấu thầu.
Như vậy sau 11 năm, NHNN quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng. Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Châu An