Sắp diễn ra Lễ ra mắt Chương trình phục dựng di ảnh màu cho các Văn nghệ sĩ, Trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến

Thứ ba, 16/04/2024 - 09:56

TNV - Ngày 22/4 tới đây, Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức giới thiệu tác phẩm “Phượng” của tác giả Phạm Kiều Phượng và Chương trình phục dựng di ảnh màu cho các Văn nghệ sĩ, Trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến.

Bìa cuốn sách “Phượng” của tác giả Phạm Kiều Phượng.

Buổi Lễ được tổ chức nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024(diễn ra từ 15/4 đến hết 1/5) được tổ chức trên phạm vi cả nước với các thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”; “Chuyển đổi số” và tiến tới kỷ niệm tròn 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).

Nữ tác giả Phạm Kiều Phượng sinh năm 1943 tại thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; có cha là liệt sĩ, hi sinh trong kháng chiến chống Pháp; mẹ tham gia hoạt động Việt Minh, từng bị Pháp bắtgiam tại Hỏa Lò;chồng là Cựu chiến binh Phòng không Không quân trong kháng chiến chống Mỹ; và bà nội được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Liệt sĩ Phạm Văn Bái (1920 – 1951) tức Đại đội trưởng Ngọc Long, chỉ huy Đại đội chủ công 363 (thuộc Trung đoàn Sông Lô, Đại đoàn 312) cha của tác giả Phạm Kiều Phượng, đã hi sinh trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám, khi ông chỉ huy đơn vị đánh trận Mạo Khê mỏ, thuộc Chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh) năm 1951.Cũng năm đó, bà Nguyễn Thị Mai, người vợ trẻ của ông ở quê, trong một lần vận chuyển truyền đơn và tài liệu kháng chiến đã bị mật thám Pháp phát hiện bắt giam và xa con gái từ đó. Cô bé Phượng mới 8 tuổi, đã phải sống và lớn lên trong cảnh mồ côi cả cha và mẹ…

Ngay sau khi hòa bình lập lại, năm 1955, gia đình bà Phượng đã nhận được giấy báo tử, kèm theo Bằng Tổ quốc ghi công: Liệt sĩ Phạm Văn Bái (tức Ngọc Long) đã anh dũng hy sinh trong khi công đồn Mạo Khê mỏ, ngày 31/3/1951. Nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, vẫn thôi thúc bà Phượng phải đi tìm lại người cha, để biết chính xác là hàicốt ông được chôn cất ở đâu.Hàng chục năm liền, bà đã cùng con cháu cất công đi nhiều nơi. Hễ đâu có manh mối, hay tin tức gì, dù một bên chân đau, phải đi tập tễnh, nhưng bà Phượng vẫn lặn lội khắp các vùng Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh để hỏi thăm tin tức, tìm mộ cha mình.

Cuộc hành trình đi tìm cha của con gái kéo dài hơn nửa thế kỷ. Phải đến năm 2003, trong khi đào đất làm làm vườn, một người dân ở Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện ra 7 bộ hài cốt, có dấu tích vũ khí và quân trang giống của bộ đội ta thời chống Pháp. Rồi nhờ sự trợ giúp của các nhà ngoại cảm, bà Phượng và gia đình đã xác đinh được phần mộ của Liệt sĩ Phạm Văn Bái tại Nghĩa trang liệt sĩ Đông Triều.

Nhà văn Đặng Vương Hưng - Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính”) cho biết: Kể từ năm 2016, khi Ban vận động thành lập Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” ra đời, bà Phạm Kiều Phượng dù tuổi cao, sức khỏe hạn chế, nhưng đã rất nhiệt tình tham gia hầu hết các hoạt động sự kiện, giao lưu và đồng hành với các cựu chiến binh và thế hệ trẻ, ở nhiều vùng miền trên cả nước.

“Phượng” (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2023) là cuốn sách được nữ tác giả Phạm Kiều Phương viết theo thể loại tự truyện, người thật việc thật, với dung lượng 236 trang, không chỉ kể về hơn 80 năm cuộc đời của một phụ nữ, đã đi qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ bao cấp và đổi mới… Câu chuyện, kỷ niệm được kể trong tác phẩm, dù rất bình dị, nhưng đã vượt ra ngoài khuôn khổ một gia đình, dòng họ, vì liên quan tích cực tới cả cộng đồng đồng xã hội.Đặc biệt, một số nhân vật được nhắc đến trong tác phẩm còn là những “yếu nhân” của đất nước. Điển hình như cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc (1917 – 1979) – “Cha đẻ” của “Khoán hộ, khoán 10” đổi mới cho nông nghiệp Việt Nam; hay Thiếu tướng Trần Văn Phác (1926 – 2012) – nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin… Có lẽ vì thế, mà “Phượng”đã được Trung tâm Xuất bản Tác phẩm Mới, bình chọn là một trong 5 tác phẩm xuất sắc nhất của năm 2023. Đặc biệt, cuốn sách này không bán, mà tác giả Phạm Kiều Phượng đã tự nguyện tặng toàn bộ bản in tác phẩm “Phượng” lần đầu cho Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”.

Lấy cảm hứng từ câu chuyện con gái của một liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, đã dành thời gian hơn 50 năm đi tìm lại cha mình; Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” đã kết nối một nhóm Họa sĩ trẻ, có khả năng sử dụng công nghệ AI, hiện đang làm việc online tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh… để phục dựng màu cho các di ảnh thờ và ảnh tư liệu đen trắng.

Theo Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng – Người khởi xướng Chương trình phục dựng di ảnh màu cho các Văn nghệ sĩ, Trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến, cho biết: Do điều kiện khó khăn trong thời chiến, nên nhiều Văn nghệ sĩ, Tri thức khi hi sinh đã không để lại di ảnh thờ. Nếu có, thì đó là những bức ảnh đen trắng, chất lượng rất hạn chế, vì đã nhòe mờ bởi thời gian và năm tháng... Nhằm góp phần tri ân những Văn nghệ sĩ, Trí thức đã ngã xuống vì quê hương đất nước, hoặc có công trong thời chiến; bằng sự đam mê, nhiệt tình, nhóm Họa sĩ trẻ của "Trái tim người lính" đã sử dụng công nghệ AI, để phục dựng những chân dung di ảnh màu sống động và cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn mới về những người nổi tiếng, đã có công với quê hương đất nước.

Hàng trăm chân dung di ảnh thờ đen trắng của các Văn nghệ sĩ, Trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến, đã được phục dựng màu miễn phí trong chương trình nhân văn nêu trên. Kể từ tháng 3/2024, một số chân dung trong số đó, đã được giới thiệu trên diễn đàn “Trái tim người lính” của mạng xã hội facebook, cùng Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển và đã nhận đươc phản hồi rất tích cực của dư luận xã hội. Bước đầu, Chương trình đã giới thiệu và trưng bày hơn 30 di ảnh của một số Văn nghệ sĩ và Trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến, vừa được phục dựng màu, đã được phóng cỡ ảnh 60cm x 80cm.

Chương trình phục dựng di ảnh màu cho các Văn nghệ sĩ, Trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến, sẽ được nhóm Họa sĩ trẻ của “Trái tim người lính” triển khai thực hiện trên toàn quốc và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, bằng kinh phí xã hội hóa. Dự kiến, các di ảnh được phục dựng màu sẽ được công khai giới thiệu trong các sự kiện văn hóa do “Trái tim người lính” phối hợp với các cơ quan đơn vị tổ chức tại nhiều vùng miền trên cả nước.

Di ảnh của một số Văn nghệ sĩ và Trí thức đã hi sinh được phục dựng bằng công nghệ AI

PV