TNV - Từ 8/2019 tới 2/2020, Dự án "Xây dựng môi trường giáo dục an toàn và không bạo lực" (Speak Out) của tổ chức Good Neighbors International (GNI) đã thực hiện các chương trình hỗ trợ và vận hành các phòng tham vấn học đường, các chương trình truyền thông, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống bạo lực dành cho giáo viên và phụ huynh.
Tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) đã và đang là vấn đề phổ biến tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo của cơ quan phòng, chống tội phạm Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4 - 6 triệu học sinh có liên quan trực tiếp đến BLHĐ. Ở Việt Nam, những năm gần đây, hiện tượng học sinh đánh nhau, gây rối không phải là chuyện xa lạ, nhưng điều đáng nói là tính chất nguy hiểm và mức độ nghiêm trọng của các vụ học sinh đánh nhau. Điển hình là các vụ học sinh sử dụng hung khí đánh nhau ngay trong trường học, trước mặt bạn bè, thầy cô, thậm chí số vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng có xu hướng tăng mạnh.... Giai đoạn 2010 - 2018, có hơn 7.700 học sinh, sinh viên bị kỷ luật vì đánh nhau. So với 10 năm trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần. Bộ GD&ĐT thống kê trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có 1 vụ đánh nhau; hơn 11.000 học sinh thì có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo Bộ Công an thống kê, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Con số trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thông qua con số này đã cho thấy một điều rằng: Tình trạng bạo lực học đường trong thanh thiếu niên đang ở mức báo động, cần phải được ngăn chặn kịp thời để tránh những tác động, ảnh hưởng xấu tới tâm, sinh lý và sự phát triển toàn diện của các em...
Đây cũng là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau. Và cũng có nhiều giải pháp khác nhau cho vấn đề này. Dưới góc nhìn của một tổ chức về cộng đồng, Good Neighbors International (GNI) mong muốn phát huy những giá trị tốt đẹp, lan tỏa tình yêu thương để đẩy lùi bạo lực trong môi trường học đường.
Với mục tiêu đó, GNI tổ chức sự kiện “Những điều hạnh phúc của Minh Đức” nhằm gửi gắm thông điệp mỗi cá nhân là một nhân tố lan tỏa yêu thương, nuôi dưỡng và phát triển lòng tử tế. Sự kiện nằm trong chuỗi Dự án “Xây dựng môi trường giáo dục an toàn và không bạo lực”- SPEAK OUT.
Sự kiện “Những điều hạnh phúc của Minh Đức” là những chia sẻ về quan điểm: Thế nào là một ngôi trường hạnh phúc? Và cách thức xây dựng dưới góc nhìn của Phụ huynh, Hiệu trưởng và Chuyên gia tâm lý. Bên cạnh đó, còn có sự chia sẻ của các cấp, ban ngành trong lĩnh vực giáo dục nhằm chỉ ra tầm quan trọng của phòng tham vấn tại trường học, và đóng góp giải pháp về một môi trường an toàn - lành mạnh - hạnh phúc dành cho trẻ.
Đối với học sinh, một ngôi trường hạnh phúc là nơi các em không chỉ tiếp thu kiến thức, mà còn được vui chơi, tự do thể hiện theo đúng lứa tuổi, được thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ khó khăn. Đó là nơi không có bạo lực học đường, học sinh và thầy cô có cơ hội đến gần với nhau hơn. Thông qua bài phát biểu của Minh Đức - một học sinh được nuôi dưỡng và lớn lên với những giá trị riêng biệt được tôn trọng, chúng ta sẽ hiểu hơn về một môi trường hạnh phúc trong ước mơ của trẻ.
Các bức tranh xuất sắc về chủ đề tình bạn, ngăn chặn bạo lực học đường được giới thiệu tới các em học sinh. Nguồn ảnh: GNI
“Yêu thương để đẩy lùi bạo lực” là một trong những thông điệp trọng tâm của sự kiện. Yêu thương ấy đến từ chính các thầy cô giáo khi cảm thấy hạnh phúc trong công việc, từ đó lan tỏa đến học sinh. Và để làm được việc đó, chúng ta cần sự chung tay, nỗ lực của toàn xã hội.
Trong tháng 3/2020 này, GNI sẽ thực hiện sự kiện tổng kết dự án Speak Out mang tên "Những điều hạnh phúc của Minh Đức". Các bạn và muốn tìm hiểu về sự kiện có thế xem tại: https://www.facebook.com/nhungdieuhanhphuccuaminhduc. Mỗi một lượt chia sẻ, bình luận, bày tỏ ý kiến của bạn đã góp phần xây dựng, lan tỏa Dự án Trường học An toàn - không bạo lực của GNI.
Hải Hà