Sắp diễn ra Triển lãm 3D Giới thiệu về Kiên Giang xưa và nay

Thứ sáu, 22/11/2024 - 14:52

Ngày 29/11 sắp tới tại Trung tâm Lưu trữ tỉnh Kiên Giang, Sở Nội vụ tỉnh phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Triển lãm 3D Giới thiệu hình ảnh, tài liệu lưu trữ về địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang xưa và nay.

Triển lãm sẽ dẫn dắt người xem khám phá những dấu ấn đổi thay về địa giới hành chính của mảnh đất Kiên Giang trong một không gian độc đáo và hấp dẫn để hiểu thêm về lịch sử một vùng đất đặc biệt trên bản đồ hình chữ S thiêng liêng của Việt Nam.

Sắp diễn ra Triển lãm 3D Giới thiệu về Kiên Giang xưa và nay- Ảnh 1.

Hà Tiên xưa là đất cũ của Chân Lạp, hay còn được gọi là Mang Khảm, người Kinh gọi là Phương Thành. Là một vùng đất ven biển nằm tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam, trấn Hà Tiên xưa được khai phá bởi cha con nhà Mạc Cửu. Khi Mạc Cửu được chúa Nguyễn Phúc Chu ban làm Tổng binh trấn Hà Tiên, đất Hà Tiên bao gồm vùng đất rộng lớn tương ứng với lãnh thổ của các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang ngày nay.

Dưới triều Nguyễn, địa phận Kiên Giang ngày nay thuộc trấn Hà Tiên. Khi vua Gia Long lên ngôi, Hà Tiên được đặt thành một trấn ở Nam Kỳ. Năm 1825, đặt thêm huyện Hà Tiên thuộc trấn Hà Tiên. Để không trùng tên với trấn, vua Minh Mạng đổi huyện Hà Tiên thành huyện Hà Châu. Năm 1832, vua Minh Mạng lại đổi trấn Hà Tiên thành tỉnh Hà Tiên. Tỉnh Hà Tiên lúc này gồm 1 phủ là Quan Biên (đổi tên từ phủ An Biên) thống lĩnh 8 huyện (là Hà Châu, Long Xuyên, Kiên Giang, Sài Mạt, Linh Quỳnh, Châu Sum, Cần Vọt, Vũng Thơm). Từ thời vua Tự Đức đến trước khi thực dân Pháp xâm lược năm 1867, tỉnh Hà Tiên gồm 1 phủ An Biên, 3 huyện là Hà Châu, Kiên Giang và Long Xuyên.

Sắp diễn ra Triển lãm 3D Giới thiệu về Kiên Giang xưa và nay- Ảnh 2.

Năm 1867, Thành Hà Tiên rơi vào tay giặc Pháp. Tỉnh Hà Tiên nhanh chóng được tổ chức lại cùng với một số địa phương khác ở Nam Kỳ. Dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Hà Tiên cũ được tách thành 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh là Hà Tiên và Rạch Giá. Hai tỉnh này tồn tại độc lập trong suốt gần 1 thế kỷ.

Từ năm 1945 đến 1975, do hoàn cảnh lịch sử nhiều biến động, việc phân định các đơn vị hành chính cũng có nhiều thay đổi: từ tỉnh Hà Tiên, tỉnh Rạch Giá đến tỉnh Long Châu Hà. Năm 1956, theo Sắc lệnh 143/VN về thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam, tỉnh Hà Tiên bị bãi bỏ và 4 quận (Châu Thành, Hòn Chông, Giang Thành, Phú Quốc) được sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá để thành lập tỉnh Kiên Giang.

Sắp diễn ra Triển lãm 3D Giới thiệu về Kiên Giang xưa và nay- Ảnh 3.

Từ sau khi tái lập tỉnh Kiên Giang năm 1976, địa giới hành chỉnh tỉnh Kiên Giang và các đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhiều lần được điều chỉnh. Cho đến nay, tỉnh Kiên Giang có 3 thành phố và 12 huyện: 144 đơn vị hành chính cấp xã.

Những dấu mốc quan trọng trong quá trình thay đổi địa giới hành chính từ thời kỳ khai phá cho đến ngày nay qua các trang sử liệu, sẽ phản ánh một phần lịch sử của vùng đất Kiên Giang. Tài liệu lưu trữ trưng bày về chủ đề này phần lớn được lựa chọn từ các Lưu trữ quốc gia, Lưu trữ lịch sử tỉnh Kiên Giang và một số nguồn sưu tầm khác.

Sắp diễn ra Triển lãm 3D Giới thiệu về Kiên Giang xưa và nay- Ảnh 4.

Triển lãm 3D "Giới thiệu hình ảnh, tài liệu lưu trữ về địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang xưa và nay" gồm 3 phần:

Phần 1: Địa giới hành chính dưới thời triều Nguyễn.

Phần 2: Địa giới hành chính dưới thời Pháp thuộc.

Phần 3: Địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang giai đoạn từ 1945 đến ngày nay.

Với hơn 200 tài liệu, bản đồ lần đầu tiên được công bố rộng rãi, bằng việc ứng dụng công nghệ số, triển lãm 3D trực tuyến "Giới thiệu hình ảnh, tài liệu lưu trữ về địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang xưa và nay" sẽ lan toả giá trị của tài liệu lưu trữ và tạo thuận lợi cho người xem dễ dàng tiếp cận thông tin về địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang qua các thời kỳ.

PV