Tác động từ tăng giá điện 4,8%
Từ ngày 5/10, giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, lên 2.204,07 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Kể từ đầu năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã 4 lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3%, 4,5% và 4,8%, và lần này tiếp tục ở mức 4,8%. Tính từ năm 2023 trở lại đây, giá điện đã tăng tới hơn 17%.
Được biết, điện là nguyên liệu sản xuất đầu vào quan trọng, nên khi giá tăng ảnh hưởng tới chi phí của các doanh nghiệp.
Tính toán của EVN cho thấy, chi phí tăng thêm bình quân mỗi tháng của nhóm khách hàng dùng điện kinh doanh dịch vụ là 332.000 đồng; với sản xuất là 677.000 đồng và hành chính sự nghiệp 125.000 đồng.
Trên thực tế, việc tăng giá điện luôn tạo hiệu ứng domino tăng giá của hầu hết các mặt hàng từ sắt, thép, xi măng tới các nhu yếu phẩm...
Điện là nguyên liệu sản xuất đầu vào quan trọng, nên khi giá tăng ảnh hưởng tới chi phí của các doanh nghiệp sắt thép, xi măng
Trong báo cáo vừa cập nhật, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, nếu như trước đây khoảng 2 năm tăng giá điện một lần với mức tăng khoảng 6-8% thì những năm gần đây tần suất tăng giá điện trở nên nhanh hơn do chi phí sản xuất điện tăng nhanh. Giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ.
Theo đơn vị này, mặc dù giá dầu, khí, than trong xu hướng giảm nhưng tỷ giá tăng cao có thể là nguyên nhân dẫn đến đợt tăng giá lần này, và một phần để bù đắp khó khăn tài chính của EVN những năm gần đây.
Yuanta Việt Nam cho biết, điện chiếm khoảng 3% tổng cấu thành rổ tính CPI nên khi giá điện tăng 1% thì CPI tăng 0,03%. Với mức tăng giá điện từ ngày 10/5 là 4,8%, ước tính sẽ làm tăng CPI cả năm 2025 lên khoảng 0,07-0,1 điểm phần trăm.
Những lần tăng giá bán lẻ điện bình quân. Nguồn: Yuanta Việt Nam
Việc điều chỉnh giá điện tăng, Yuanta Việt Nam nhận định doanh nghiệp phát điện sẽ được hưởng lợi, chủ yếu do khả năng thanh toán của EVN cải thiện, hỗ trợ dòng tiền và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhóm xây lắp điện có thể hưởng lợi khi tình hình tài chính EVN cải thiện, các dự án nguồn, lưới điện có thể được thực hiện tốt hơn.
Trong khi đó, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện sẽ bị ảnh hưởng như: xi măng, thép, hóa chất, giấy. Vì chi phí điện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất của các doanh nghiệp này nên việc tăng giá điện có thể làm tăng giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp.
Vật liệu xây dựng sẽ tăng theo giá điện?
Điện và xăng dầu là những chi phí cơ bản, có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của các ngành nghề.
Với ngành xi măng, trong cơ cấu giá thành sản phẩm, chi phí điện chiếm khoảng 15-20%. Trong khi đó, tỷ trọng than chiếm từ 40-45% giá thành sản xuất clinker, tùy từng đơn vị và tùy giá than tại những thời điểm khác nhau.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho rằng việc tăng giá điện ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp ngành này khi hoạt động kinh doanh vẫn còn khó khăn.
Với xu hướng kinh tế thị trường hiện nay, dù không muốn nhưng các doanh nghiệp trong ngành cũng phải chấp nhận việc tăng giá điện. Tăng giá điện là điều khó tránh khỏi và các doanh nghiệp xi măng phải tìm cách thích ứng với điều này.
Các nhóm ngành bị tác động khi giá điện tăng
VNCA cho biết, tăng giá điện buộc đơn vị sản xuất xi măng phải tính toán lại vấn đề sản xuất, thực hiện đẩy mạnh hơn tiết giảm chi phí, sử dụng điện hiệu quả hơn.
Đồng thời, để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện. Bản thân ngành xi măng đã đặt ra nhiều giải pháp như tự cung cấp một phần điện năng và sử dụng một số nhiên liệu thay thế.
Trước đó, do chi phí nguyên liệu đầu vào như than, điện, xăng dầu liên tục tăng cao, từ ngày 22/4/2025, nhiều doanh nghiệp xi măng như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Mai, The Vissai, Xuân Thành và Vĩnh Sơn đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn đối với cả xi măng bao và xi măng rời.
Như vậy, đây là lần tăng giá bán xi măng thứ 3 tính từ đầu năm 2025 đến nay. Hiện giá xi măng đang ở mức trung bình khoảng 1,3-1,6 triệu đồng/tấn.
Tháng 1/2025, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, The Vissai, Tân Thắng... cũng tăng giá bán mặt hàng này thêm 50.000 đồng/tấn. Trong tháng 3, nhiều thương hiệu xi măng tại khu vực phía Nam như Vicem Hà Tiên, Long Sơn, Xi măng INSEE... đồng loạt thông báo tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn do áp lực chi phí sản xuất tăng cao.
Không chỉ xi măng, các ý kiến cho rằng giá của nhiều loại vật liệu xây dựng khác cũng sẽ đứng trước áp lực tăng giá vì giá điện tăng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bình quân để sản xuất ra 1 tấn thép, các doanh nghiệp phải tiêu tốn khoảng 600kWh điện, chiếm khoảng 10% giá thành, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ khoảng 6%. Do vậy, việc giá điện tăng tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thép.
Hiện tại, giá thép trong nước đang dao động từ 13,5-1,4 triệu đồng/tấn.Mức giá này cao hơn khoảng 100.000-200.000 đồng/tấn so với thời điểm đầu năm 2025.
Mặc dù việc điều chỉnh giá điện có thể được tính vào giá thành sản phẩm nhưng nhiều doanh nghiệp lo ngại việc tăng giá sẽ khiến tiêu thụ khó khăn, tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh thời gian tới.
Hữu Việt