Sau bão lũ, nguồn nước, nguồn thực phẩm có nguy cơ bị ô nhiễm do các mầm bệnh có sẵn trong nước, chất thải của người và động vật, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt với những người có cơ địa đặc biệt như người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính.
Hơn nữa, mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người.
Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai.
Sốt xuất huyết
Do sự thay đổi nhiệt độ và nước đọng ở nhiều nơi, muỗi Dengue gây sốt xuất huyết sinh sản dễ dàng, làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan và bùng phát diện rộng, thậm chí gây biến chứng và nguy hiểm tính mạng.
Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết đó là tiêu diệt nơi muỗi có thể đẻ trứng và hình thành loăng quăng. Giữ vệ sinh nhà cửa một cách sạch sẽ, loại bỏ ao tù nước đọng để không cho muỗi sinh sản. Đặc biệt, đừng để rác chất đống quanh nhà và hãy đậy kín thùng rác. Tốt nhất là mặc quần áo dài và đi ngủ phải mắc màn hoặc thoa kem chống muỗi.
Rối loạn tiêu hóa
Mưa bão có thể khiến người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn. Ăn thực phẩm sống và chưa nấu chín, bị nhiễm vi khuẩn như Salmonella và E.coli dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Nước không hợp vệ sinh có thể gây tiêu chảy và ăn uống bằng tay bẩn dẫn đến nhiễm trùng dạ dày.
Những bệnh này cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, tiêu chảy cấp.
Để ngăn ngừa các bệnh về tiêu hóa, mọi người cần:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch
- Tránh ăn rau sống, hải sản vì nguồn nước dễ bị ô nhiễm
- Ăn thực phẩm nấu chín kỹ và đun sôi nước trước khi uống
- Cố gắng tránh những người đang mắc bệnh về tiêu hóa.
Các bệnh về da
Sau mùa mưa, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, độ ẩm tăng cao do mưa còn làm tổn hại đến hàng rào bảo vệ da, khiến da dễ bị tổn thương hơn.
Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm, ghẻ, nước ăn chân (do nấm ký sinh gây ra), mẩn ngứa, chốc lở...
Để phòng ngừa các bệnh về da, mọi người cần đảm bảo:
- Vệ sinh tay chân, tránh mang tất, giày ẩm ướt trong thời gian dài
- Luôn rửa sạch tay chân bằng xà phòng và lau khô sau khi tiếp xúc với nước bẩn
- Sử dụng thuốc sát trùng gốc iốt như Betadine, dung dịch muối và bột chống nấm trên các nếp gấp ở bàn chân và ngón chân
- Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da mà còn gây ra bệnh đường tiêu hóa do nuốt phải nước bẩn.
- Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.
Bệnh về mắt
Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh nhiễm trùng mắt như đau mắt đỏ, viêm mí mắt...
Các triệu chứng của nhiễm trùng mắt có thể bao gồm: khó chịu, mẩn đỏ và kích ứng, cũng như nhiễm trùng mí mắt (mụn mắt - sưng đau trên mí mắt) và viêm kết mạc (mắt đỏ/hồng) kèm theo dính mắt.
Để ngăn ngừa nhiễm trùng mắt sau mưa bão và trong mùa mưa, người dân nên:
- Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch
- Bảo vệ mắt khỏi nước mưa
- Nhỏ thuốc nhỏ mắt cho những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn
Bệnh đường hô hấp
Các bệnh thường gặp: Cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp
Phòng bệnh:
- Giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người già
- Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp.
- Đảm bảo đủ dinh dưỡng
- Chẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng và tử vong
Khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch chung
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần chủ động phòng tránh bệnh tật bằng cách đảm bảo thực hiện nguyên tắc sau:
- Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
- Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng
- Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày
- Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế
- Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế
- Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Trước đó, ngày 9/9, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các đơn vị đề nghị khẩn trương chỉ đạo rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão và lũ, nhất là vùng có địa bàn thấp, nơi bị ngập úng, lũ lụt, lũ quét.
Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh dịch có nguy cơ bùng phát như tiêu chảy, bệnh tay chân miệng, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, nhất là các bệnh lây truyền qua nguồn nước hoặc từ động vật sau bão lụt.
Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão lụt; xử lý môi trường, khử khuẩn nguồn nước, xử lý chất thải, thu gom, tiêu hủy súc vật, gia cầm bị chết, không để ô nhiễm môi trường gây phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Ngoài ra, các cơ sở y tế cần đảo đảm cung ứng đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và các dịch vụ điều trị cho các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và mưa lũ, bảo đảm các phương tiện vận chuyển sẵn sàng ứng cứu cho các địa phương khi có yêu cầu; đảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và các vật tư phục vụ phòng, chống dịch bệnh để kịp thời hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu; sẵn sàng cơ động khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Nguyễn Phượng