VietinBank lên kế hoạch chia cổ tức khủng 44,64%.
Cụ thể, VietinBank dự kiến phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhằm tăng vốn điều lệ từ 53.700 tỷ đồng lên 77.671 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện đến từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của các năm 2021, 2022 và giai đoạn 2009-2016.
Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2024, khoảng 15.597 tỷ đồng, để chia cổ tức bằng cổ phiếu, sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã đề xuất chia cổ tức từ lợi nhuận còn lại năm 2023 với tỷ lệ cao kỷ lục 49,5%. Theo thông báo, ngày 13/3/2025 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức. Với gần 5,6 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vietcombank dự kiến phát hành thêm hơn 2,76 tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức. Điều này đồng nghĩa với việc cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ nhận được 495 cổ phiếu mới
Nguồn vốn cho đợt phát hành này được lấy từ lợi nhuận sau thuế còn lại sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021, theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm hơn 27.600 tỷ đồng, từ 55.890 tỷ đồng lên hơn 83.500 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Một số ngân hàng lớn như BIDV, MB, ACB, TPBank cũng đã có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Trong đó, ACB dự kiến sẽ phát hành thêm cổ phiếu để nâng vốn lên gần 40.000 tỷ đồng, còn MB cũng đặt mục tiêu tăng vốn lên hơn 50.000 tỷ đồng trong năm 2025.
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp ngân hàng giữ lại nguồn vốn tiền mặt để tái đầu tư, đồng thời gia tăng thanh khoản trên thị trường chứng khoán. Điều này đặc biệt quan trọng khi ngành ngân hàng đang phải đối mặt với các áp lực về tăng trưởng tín dụng, đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II, Basel III cũng như mở rộng thị phần.
Đối với các cổ đông, việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu có thể là một lợi thế trong dài hạn, khi giá trị vốn hóa của ngân hàng tăng lên. Mặc dù trong ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể chịu áp lực pha loãng, nhưng về lâu dài, khi ngân hàng nâng cao năng lực tài chính và gia tăng lợi nhuận, giá cổ phiếu có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, cổ đông cũng có thể tận dụng cơ hội để gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần mà không phải bỏ thêm vốn đầu tư.
Anh Mai