Sẽ “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”

Thứ bảy, 20/08/2022 - 10:23

Ngày 19 tháng 8 tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tổ chức buổi gặp gỡ, thông tin báo chí về một số vấn đề như Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”; Xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và tổ chức 60 kỷ niệm ngày thành lập Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Ngày 24/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 2194/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Ông Đặng Thanh Tùng, - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, chia sẻ thông tin tại cuộc họp báo

Phát biểu tại chương trình, ông Đặng Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết:  Chương trình được thực hiện nhằm mục đích công bố rộng rãi tài liệu lưu trữ quốc gia nhằm phát huy hiệu quả giá trị tài liệu góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng ngành, địa phương, vùng miền; giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho các thế hệ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Chương trình còn nhằm tăng cường đổi mới phương thức công bố tài liệu lưu trữ theo hướng sáng tạo, hiện đại, phù hợp xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, tích hợp, chia sẻ các dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia, góp phần xóa bỏ rào cản về thời gian, không gian địa lý để công chúng ở trong và ngoài nước có thể tiếp cận với thông tin tài liệu lưu trữ nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của xã hội, ông Đặng Thanh Tùng cho hay.

Tài liệu lưu trữ được công bố tập trung vào các nhóm chủ đề: Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam qua các thời kỳ; quan hệ quốc tế của Việt Nam; tổ chức đơn vị hành chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; các vấn đề về giáo dục đào tạo, tôn giáo, tín ngưỡng, nông thôn, nông nghiệp và nông dân, đô thị hóa và phát triển đô thị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chính sách và kết quả thực hiện các chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; các phong trào đấu tranh, các cuộc kháng chiến giành, bảo vệ độc lập dân tộc; danh nhân, nhân vật và di tích lịch sử - văn hóa Việt Nam; lịch sử phát triển các ngành nghề, lĩnh vực.

Chương trình được thực hiện sẽ đem lại hiệu quả không chỉ đối với ngành Lưu trữ mà còn đối với cả xã hội, góp phần quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin tài liệu lưu trữ ngày càng tăng của xã hội, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và lợi ích của nhân dân, ông Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh thêm.

Cũng tại chương trình, ông Đặng Thanh Tùng đã có những chia sẻ về Chương trình kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (04/9/1962 - 04/9/2022) của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Ngày 04 tháng 9 năm 1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/CP thành lập Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng. Đây là cơ quan có tư cách pháp nhân đầu tiên của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý tập trung thống nhất công tác lưu trữ và trực tiếp quản lý Kho Lưu trữ Trung ương.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cục đã tham mưu và xây dựng trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác văn thư, lưu trữ thời kỳ mới.

Một số tài liệu lưu trữ tiêu biểu tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước là trực tiếp quản lý tài liệu lưu trữ có ý nghĩa quốc gia. Hiện nay, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quản lý trên 30km giá tài liệu có ý nghĩa quốc gia, được viết bằng các ngôn ngữ Hán - Nôm, Pháp, Việt...trên các vật mang tin bằng giấy, mộc bản, phim ảnh, ghi âm v.. Những tài liệu này được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu ở Việt Nam từ thế kỷ XV cho đến ngày nay. Đây là di sản của dân tộc, là nguồn sử liệu chính xác, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Trong quá trình thành lập và phát triển, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã phấn đấu vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Với những kết quả đạt được, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, đánh giá cao và tặng thưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2002; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2006; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2007.... và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Bùi Hạnh