Cách đây hàng triệu năm, Trái Đất từng có một diện mạo hoàn toàn khác. Thay vì các lục địa như ngày nay, hành tinh của chúng ta được bao phủ bởi một siêu lục địa rộng lớn mang tên Pangea. Siêu lục địa này từng chiếm khoảng một phần ba bề mặt Trái Đất trước khi bắt đầu phân tách thành các lục địa nhỏ hơn khoảng 175 triệu năm trước. Nhưng nếu Pangea chưa từng tách rời thì sao? Thế giới hiện đại sẽ trông như thế nào? Cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi ra sao?
Nếu Pangea vẫn tồn tại, về lý thuyết, chúng ta có thể lái xe từ California đến Anh. Những nơi từng bị chia cắt bởi đại dương, nay sẽ trở thành hàng xóm láng giềng gần gũi. Điều này không chỉ thay đổi về mặt địa lý mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình tiến hóa của loài người và động vật. Nếu Pangea không vỡ ra, có thể chúng ta sẽ không tồn tại như bây giờ.
Tuy nhiên, giả sử rằng chúng ta đã phát triển giống như hiện tại, điều gì sẽ xảy ra nếu Pangea vẫn là một mảnh đất liền thống nhất? Các quốc gia sẽ không nằm ở những vị trí như hiện tại. Bắc Mỹ vẫn ở vị trí tương đối gần so với ngày nay, nhưng châu Âu sẽ chỉ cách châu Mỹ một quãng ngắn về phía đông.Châu Á sẽ gần Nga hơn, còn Nam Cực, Ấn Độ và Úc sẽ kết nối với nhau ở phần cực nam của Pangea. Điều này sẽ khiến nhiều vùng lãnh thổ có khí hậu rất khác biệt so với hiện nay.
Các quốc gia vốn có khí hậu ấm áp sẽ bị thay thế bằng những vùng đất băng giá, trong khi những nơi xa xôi như Nga có thể trở nên ấm áp và dễ sống hơn. Một số vùng trung tâm của Pangea sẽ không thể ở được, do không có mưa vì cách đại dương quá xa. Những khu vực này có khả năng trở thành sa mạc rộng lớn, tạo ra một môi trường sống khắc nghiệt cho cả con người lẫn động vật.
Sự phân chia địa lý này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn làm giảm sự đa dạng sinh học. Nhiều loài động vật không có cơ hội tiến hóa trong môi trường liền kề rộng lớn, điều này có thể dẫn đến ít loài động vật hơn và hệ sinh thái kém phong phú. Việc di chuyển giữa các quốc gia có thể trở nên dễ dàng và nhanh chóng, nhưng sự gần gũi này cũng có thể đặt ra những thách thức về mặt chính trị và an ninh. Những quốc gia từng cách nhau hàng ngàn hải lý đại dương như Mỹ và châu Phi sẽ trở thành hàng xóm liền kề.
Ngược lại, sự thống nhất của Pangea cũng có thể đem đến một viễn cảnh tích cực hơn. Nếu tất cả các quốc gia trên thế giới cùng chia sẻ một vùng đất chung, có thể chúng ta sẽ học cách đối xử với nhau một cách tốt đẹp hơn. Việc phải sống cạnh nhau có thể tạo ra cơ hội hợp tác và hòa bình nhiều hơn. Một thế giới thống nhất về mặt địa lý có lẽ cũng sẽ dẫn đến sự đoàn kết về chính trị và xã hội.
Dù chúng ta không thể quay lại thời Pangea, nhưng việc tưởng tượng về một thế giới nơi tất cả các lục địa vẫn liền kề mang đến những bài học thú vị về sự thay đổi của địa lý và tác động sâu sắc của nó đến lịch sử tiến hóa và phát triển của loài người.
Đức Khương