Ngày 16/5.2019, Khoa Tài chính - Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức buổi Sinh hoạt khoa học dành cho cán bộ, giảng viên của Khoa với chủ đề “Thị trường tài chính Việt Nam và Một số biện pháp ngăn ngừa, hạn chế trục lợi Bảo hiểm y tế ở Việt Nam”.
Buổi sinh hoạt khoa học của Khoa Tài chính – Trường ĐH Kinh doanh
và Công nghệ Hà
Nội. Ảnh: Huy Thuyết
Đây là một hoạt động quan trọng của khoa trong việc thúc đẩy các cán bộ, giảng viên chuyên ngành Tài chính tham gia nghiên cứu khoa học. Buổi sinh hoạt khoa học không chỉ cung cấp thông tin tình hình tài chính của Việt Nam trong năm 2018, đầu năm 2019 cùng các vấn đề liên quan khác mà còn giúp đội ngũ giảng viên cập nhật số liệu cụ thể phục vụ cho
công tác giảng dạy.
Buổi sinh hoạt do GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp – Phó Hiệu trưởng nhà trường, Chủ nhiệm Khoa Tài chính chủ trì; cùng sự góp mặt của đông đảo đại diện lãnh đạo các đơn vị, phòng ban chức năng và các cán bộ, giảng viên của Khoa Tài chính.
Buổi sinh hoạt lần lượt thông qua 02 tham luận của TS. Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về “Thị trường Tài chính Việt Nam năm 2018 "Quý 1/2019” và “Một số biện pháp ngăn ngừa, hạn chế trục lợi Bảo hiểm y tế ở Việt Nam” củaThS. Nguyễn Thị Mỹ - Giảng viên Khoa Tài chính.
Tại buổi sinh hoạt, TS. Hà Huy Tuấn đã trình bày những vấn đề tiêu biểu của kinh tế thế giới và bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019, cũng như những chính sách tài chính – tiền tệ năm 2019. Tóm lược như sau: Thị trường tài chính Việt Nam phát triển tương đối nhanh, đa dạng. Chất lượng hoạt động của các Định chế tài chính (nhất là các Tổ chức tín dụng) cải thiện tích cực thông qua quá trình tái cơ cấu 02 giai đoạn: 2011 - 2015 và 2016 – 2020. Quá trình xử lý nợ xấu chuyến biến tích cực đặc biệt từ khi có Nghị quyết 42 của Quốc hội. Lợi nhuận của Tổ chức tín dụng tăng do xử lý nợ xấu, hoạt động kinh doanh và phòng ngừa rủi ro tốt hơn. Nguồn vốn tín dụng được kiểm soát, phân bổ nhiều hơn vào sản xuất kinh doanh. Áp dụng các chuẩn mực trong quản trị ngân hàng, Base II, giám sát và quản trị rủi ro tốt hơn. Tuynhiên, thị trường tài chính Việt Nam đứng trước những rủi ro từ kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thị trường tài chính thế giới bất định, khó lường, chính sách các Ngân hàng trung ương, dịch duyển dòng vốn, tỷ giá, kinh tế toàn cầu có dấu hiện suy giảm…
TS. Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trình bày
tham luận về “Thị trường Tài chính Việt Nam năm 2018 & Quý 1/2019”.
Ảnh: Huy Thuyết
TS. Hà Huy Tuấn cũng đưa ra những dự báo tài chính trong năm 2019 đối với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Một số sẽ có tín hiệu tích cực nhưng cũng sẽ có những vấn đề nảy sinh gây ảnh hưởng ít nhiều đến nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Trong đề tài nghiên cứu khoa học của ThS. Nguyễn Thị Mỹ về Một số biện pháp ngăn ngừa, hạn chế trục lợi Bảo hiểm y tế ở Việt Nam cũng đã chỉ ra tính cấp thiết, nguyên nhân, những khó khăn trong việc xử lý các hành vi trục lợi bảo hiểm trong thời gian vừa qua, qua đó đưa ra những giải pháp khắc phục mang tính đồng bộ hơn. Cụ thể: Trong năm 2012 – 2017, đã có 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành hơn 2.300 đơn vị, phối hợp xác minh làm rõ 86 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; phát hiện và xử lý 70 vụ việc, trong đó đã khởi tố điều tra 46 vụ, 126 bị can, tổng thiệt hại 65 tỷ đồng và đã thu hồi được 19 tỷ đồng. Vận hành hiệu quả hệ thống giám định BHYT, kết nối tới gần 100% cơ sở Khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến TW trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý khám chữa bệnh, giám định và thanh toán BHYT. Tuy vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhưng những biện pháp trong việc ngăn chặn “vỡ” quỹ Bảo hiểm đã bước đầu mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận. Vì vậy, để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng trục lợi BHYT phải có sự tham gia tích cực của các Bộ, Ban, Ngành trong việc đưa ra nhiều giải pháp quản lý hơn nữa.
Cũng trong khuôn khổ chương trình của buổi sinh hoạt, phần nội dung trao đổi tập trung về những vấn đề liên quan đến 02 chủ đề trên. Nhiều ý kiến đóng góp được đưa ra với mong muốn hoàn thiện các định chế tài chính cũng như quản lý, giám sát BHYT của Việt Nam.
Kết thúc buổi sinh hoạt, GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp – Phó Hiệu trưởng nhà trường, Chủ nhiệm Khoa Tài chính đã cảm ơn việc tạo điều kiện tổ chức từ phía Lãnh đạo Ủy ban Giám sát Tài chính, sự cộng tác nhiệt tình của TS. Hà Huy Tuấn cũng như sự tham dự và trao đổi của cán bộ, giảng viên chuyên ngành Tài chính. Với thành công từ buổi sinh hoạt, GS.TS.
Nguyễn Công Nghiệp mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, cộng tác từ các chuyên gia và đại biểu tham dự để các buổi sinh hoạt khoa học trong thời gian tới sẽ thành công hơn nữa.
Thu Hương