Những người đã từng bỏ học và trở thành tỷ phú chiếm một con số rất nhỏ. Bù lại, học phải học thêm nhiều điều khác và có những khả năng vượt trội.
Đây là ý kiến được các diễn giả đưa ra tại Ngày hội Hướng nghiệp và Việc làm “Nhân lực thời cách mạng 4.0” do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sinh viên (ĐHQG Hà Nội) và Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà nội tổ chức mới đây.
Chia sẻ với các sinh viên, TS Phạm Mạnh Hà, Chuyên gia tâm lý, Phó trưởng khoa quản lý giáo dục, trường ĐH Giáo dục cho biết, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong thị trường lao động. Trong đó có nhiều cơ hội và cả những thách thức. Nhiều ngành nghề mới xuất hiện, nhưng cũng sẽ có không ít những ngành nghề sẽ mất đi, hoặc được thay thế bằng robot, tự động hóa. Do đó, việc xác định mục tiêu nghề nghiệp và trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để chuyển mình cùng cuộc cách mạng 4.0 là điều sinh viên không thể bỏ qua.
Từng tham gia nhiều công tác tư vấn hướng nghiệp, tham vấn tâm lý cho người trẻ, TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, thanh niên hiện nay vẫn mắc những sai lầm cơ bản khi định hướng về nghề nghiệp cho bản thân.
“Nhiều bạn trẻ quan niệm rằng, làm gì cũng được, miễn là có nhiều tiền, tiền là yếu tố số 1. Nhưng thực tế, con người đều có những giới hạn nhất định, nếu cứ lao vào những công việc không thuộc sở trường, tố chất thì mãi mãi chỉ là chạy theo mà không thể thành công.
Khi nghĩ đến việc làm một nghề gì đó, các em thường có tâm lý chọn những nghề hoành tráng. Nhiều em sống chết vào bằng được đại học, nếu không vào được đại học sẽ đi du học tự túc, nhưng đến khi đã trở thành sinh viên vẫn chưa thể xác định rõ con đường nghề nghiệp của mình là gì”, TS Hà chỉ rõ.
Theo TS Phạm Mạnh Hà, thời đại công nghiệp 4.0, khác với thời đại 2.0 hay 3.0, mọi công việc đều yêu cầu có những kiến thức và kỹ năng nhất định, ngay cả những công nhân lao động phổ thông.
“Các em đừng bao giờ lấy hình mẫu các tỷ phú trên thế giới như Bill Gate bỏ học đi làm kinh doanh và đã thành công, số người đó thực sự hiếm. Họ bỏ học nhưng bù lại, lại phải học rất rất nhiều từ cuộc đời và học từ nhiều thứ khác. Vì thế, một sai lầm của người trẻ là lơ là việc trang bị tri thức”, TS Hà nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia Phạm Mạnh Hà cũng đưa ra câu chuyện về những người trẻ chọn nghề theo định hướng của gia đình, vì có bố mẹ làm … sếp hay trong ngành. Việc có “bệ đỡ” là một sự may mắn, nhưng TS Hà cũng đặt ra câu hỏi, sẽ ra sao, nếu như không còn “bệ đỡ”, các em phải tự lập và tự quyết?.
Chuyên gia khuyên các sinh viên cần định hướng cụ thể về nghề nghiệp, xác định nhu cầu thị trường lao động, định vị thị trường thực sự cần gì, không nên tìm việc theo kiểu “thấy người ăn khoai, cũng vác mai đi đào”, chạy theo những ngành hot, trong khi bản thân chưa chắc thực sự đã phù hợp.
“Những ngành nghề hot, nhiều người lựa chọn, thì những thị trường lao động ngách bao giờ cũng tạo ra nhiều cơ hội. Sinh viên CNTT, ngoại ngữ dễ xin việc trong thời đại 4.0, nhưng bất cứ ai cũng cần đi học, chữa bệnh, được tư vấn tâm lý khi áp lực ngày càng nhiều, có nhu cầu đọc thông tin, giải trí… Như vậy các ngành như Sư phạm, y dược, tâm lý, báo chí, truyền thông, dịch vụ… sẽ rất phát triển trong tương lai”, TS Phạm Mạnh Hà cho biết.
Đừng ngại đi rửa bát, bán trà sữa
TS tâm lý Phạm Mạnh Hà khuyên sinh viên muốn thích nghi được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết phải là con người 4.0, có thái độ tích cực trong lao động: “Đừng mơ có chuyện vào tập đoàn lớn, nhưng lại bỏ học nằm xem TV, hay chơi game. Song lại rất tốt, nếu như các em có trải nghiệm ngoài giờ lên lớp, làm những công việc khác. Đừng ngại đi bán trà sữa, thậm chí rửa bát thuê cũng được… Tất nhiên, các em nên hướng tới những công việc gần nhất với ngành nghề của mình. Dù làm bất cứ việc gì, cũng sẽ giúp các em tích lũy được thái độ tích cực với công việc và yêu quý đồng tiền”.
Chuyên gia lạc quan cho rằng, khi đã trang bị cho mình những kinh nghiệm, kỹ năng mềm và thái độ lao động tích cực, sinh viên có quyền đặt ra câu hỏi về mức lương ngay khi vừa ra trường.
Ông Phạm Thế Minh, Trưởng phòng bảo mật thông tin FPT software cũng cho biết, nhà tuyển dụng rất quan trọng thái độ của ứng viên khi làm việc. “Kỹ năng giao tiếp, thái độ với những người xung quanh là điều quan trọng trước khi học hay làm bất cứ thứ gì”.
Còn theo ông Nguyễn Chí Cường – Giám đốc chi nhánh công ty cổ phần sữa Việt Nam, nhà máy sữa Tiên Sơn, các doanh nghiệp không ngại nhận những sinh viên mới ra trường để đào tạo thêm về nghiệp vụ chuyên môn. Song khi làm việc, điều mà các giới chủ mong muốn là nhìn thấy sự nỗ lực, tinh thần cầu thị, chủ động rèn luyện các kỹ năng, biết làm việc nhóm và làm việc độc lập, sự sáng tạo, năng động của người trẻ./.
Nguyễn Trang/VOV