Sinh viên ngành y: ‘Đến khi hết dịch mới về’

Thứ bảy, 27/02/2021 - 09:51

Khi cường độ làm việc của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch ngày càng cao, nhiều sinh viên ngành y trên cả nước đã tình nguyện góp sức vào cuộc chiến, sẵn sàng lên đường mà không ngại mọi khó khăn, nguy hiểm.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, để bảo đảm công tác phòng chống dịch hiệu quả, Bộ Y tế đã phát động toàn ngành y tham gia “cuộc chiến”, bao gồm cả cán bộ y tế tư nhân, cán bộ y tế nghỉ hưu, cán bộ và đặc biệt là các sinh viên tại các trường y, dược.
Sẵn sàng có mặt

Tại Hà Nội, hơn 100 thầy, trò Đại học Y Hà Nội đã được huy động tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và đề nghị của Sở Y tế Hà Nội.

Nhiệm vụ của các sinh viên ngành y là trực đường dây nóng, thống kê số liệu, làm báo cáo định kỳ, xử lý các thông tin, theo dõi các đối tượng tiếp xúc gần với các ca nhiễm trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân tại các cộng đồng dân cư trên địa bàn về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như nâng cao khả năng bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước dịch bệnh. Trước đó, theo yêu cầu của Bộ Y tế, Đại học Y Hà Nội đã cử gần 20 sinh viên năm cuối hệ bác sĩ y học dự phòng hỗ trợ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ.

Tại TPHCM, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, 17 sinh viên ĐH Y dược tình nguyện không về quê đón Tết, “đến khi hết dịch mới về” để tham gia hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) phòng chống dịch COVID-19. Công việc chính của các bạn là điều tra, truy vết người tiếp xúc với ca bệnh, ca nghi ngờ; theo dõi chuỗi ca bệnh; thống kê báo cáo số liệu người tiếp xúc theo chuỗi; theo dõi kết quả xét nghiệm và theo dõi số liệu các chuyến bay.

Trước đó, tại Đà Nẵng, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 hồi cuối tháng 7/2020, Bộ Y tế đã huy động 800 sinh viên Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng và Trường Quân sự Quân khu 5 để giúp chống dịch.


Đặc biệt, mới đây nhất là tại Hải Dương, dù đã có thông báo nghỉ Tết nhưng khi Hải Dương có ca mắc COVID-19, 2 bạn sinh viên Nhung và Hà (Lớp Điều dưỡng 10, Trường Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương) cùng nhiều sinh viên trong trường khác đã viết đơn tình nguyện chi viện vùng tâm dịch.

Nhung cho biết: Đến thời điểm di chuyển thì các bạn lại nhận thông báo các xe khách phải dừng vận chuyển. Vì vậy, đa số các bạn đều chở nhau bằng xe máy đến khu cách ly nhận việc.

“Trong gần 10 ngày ở khu cách ly, giây phút mà em cũng như mọi người “đứng hình” là lúc đang ăn cơm thì nhận được thông báo ở điểm cách ly này có thêm ca F0. Tất cả mọi người đều buông đũa bát. F0 được thông báo thu dọn đồ đạc. Rất nhanh sau đó (khoảng 5 phút), có xe đến đón F0 về bệnh viện dã chiến để điều trị. Sự căng thẳng và lo lắng hiện lên mỗi khuôn mặt y, bác sĩ, người phục vụ”, Nhung tâm sự.

Theo PGS.TS.BS. Đinh Thị Diệu Hằng, Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, nhà trường đã huy động 1.180 giảng viên và sinh viên năm cuối tham gia chống dịch, đồng thời chỉ đạo bệnh viện của trường lập kế hoạch bố trí nhân lực, chuẩn bị thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm để tham gia lấy mẫu, xét nghiệm khi có yêu cầu.

Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương cũng đã có rất nhiều giảng viên và sinh viên viết đơn tình nguyện tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Đáng chú ý, số lượng sinh viên đăng ký lên đến 300 bạn, trong đó có cả những sinh viên ngoại tỉnh. Sinh viên và giáo viên trường tham gia hỗ trợ Khoa Dược, Bệnh viện dã chiến số 2 - Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương, Bệnh viện Dã chiến Chí Linh, Trung tâm Y tế Cẩm Giàng, Trung tâm Y tế Kim Thành, hỗ trợ CDC Hải Dương truy vết các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trách nhiệm với xã hội

PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng - Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ: “Tham gia hỗ trợ ngành y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19 là trách nhiệm với xã hội, là cơ hội cọ sát với thực tiễn…”.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hiệp, hiện nay chúng ta đang thực hiện cách ly tất cả các trường hợp nhập cảnh về Việt Nam, lượng người được cách ly lớn nên rất cần sự chung tay của cả xã hội. Các sinh viên, giảng viên trẻ của trường có quyền tự hào với kiến thức y khoa và tinh thần xung kích của mình để chung tay hỗ trợ cộng đồng khi xã hội cần. Các bạn được tập huấn qua trực tuyến để cập nhật tình hình dịch bệnh và hiểu rõ các hoạt động cần hỗ trợ để đăng ký tự nguyện tham gia.

“Sẵn sàng có mặt” luôn là tác phong không thể thiếu của các sinh viên ngành y. Với họ, không có Tết đoàn viên, không có mùa Xuân hôm nay thì còn nhiều cái Tết và những mùa Xuân khác nếu dịch sớm được kiểm soát, trả lại sự bình yên cho cộng đồng.

Thiện Tâm/Chinhphu