TNV - Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp 2021” (Startup Kite 2021) do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức (từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản). Cuộc thi đã thu hút hơn 205 dự án thuộc 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 33 tỉnh, thành phố, trong đó có Trường Cao đẳng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP Hồ Chí Minh tham gia và đạt giải Khuyến khích chung cuộc.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đỗ Năng Khánh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Startup Kite 2021.
Chủ đề cuộc thi năm nay là các ý tưởng, dự án trong mọi lĩnh vực, nhằm hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật trong bối cảnh COVID-19 và trạng thái bình thường mới. Trên cơ sở đó, Ban tổ chức Cuộc thi đã đưa ra bộ tiêu chí đánh giá gồm: Tính mới, sáng tạo; tính khả thi và cạnh tranh; tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế - xã hội và ứng dụng vào thực tế.
Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP Hồ Chí Minh gồm 5 thành viên (Trần Lê Như Bình, Đặng Hán Him, Nguyễn Văn Hoài Nam, Cao Minh Hưng, Đặng Long Hổ), do sinh viên Trần Lê Như Bình làm Trưởng nhóm, dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Nguyên Bảo Trân, đã tham gia Cuộc thi với Dự án Robot tiếp tân bệnh viện (HOSbot).
Dự án Robot tiếp tân bệnh viện (HOSbot) doNhóm sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP Hồ Chí Minh thực hiện.
Sinh viên Trần Lê Như Bình cho biết, ý tưởng của nhóm bắt đầu từ lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở tháng 6. Khi tham gia làm tình nguyện viên, thấy các anh chị làm ở vị trí tiếp tân có nguy cơ lây nhiễm rất cao, do thường xuyên tiếp xúc với quá nhiều người, đặc biệt là trong các bệnh viện. Trong khi, việc xây dựng bệnh viện thông minh đang là xu hướng phổ biến trên toàn thế giới, vì vậy, nhóm đã cùng với giáo viên hướng dẫn nhanh chóng lên ý tưởng cho dự án và bắt tay ngay vào việc chế tạo “Robot tiếp tân bệnh viện HOSbot”.
Robot tiếp tân bệnh viện đã được nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng chế tạo thành công, bằng trí tuệ nhân tạo (AI) cơ bản, có khả năng nhận biết, lắng nghe và giao tiếp với khách hàng đứng trước mặt bằng giọng nói. Đồng thời, hướng dẫn khách hàng tương tác trên màn hình của robot khi cần thiết.
Robot có thể di chuyển trong phạm vi gần ở sảnh bệnh viện, hoặc đứng cố định tại một vị trí. Khi có khách hàng vào cửa, robot sẽ nhận biết và phát tiếng chào “Xin chào quý khách!”. Khi khách hàng đến trước mặt robot, trên màn hình robot sẽ hiển thị thông tin đo thân nhiệt của khách hàng.
Robot tiếp tân bệnh viện của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng chế tạo bằng trí tuệ nhân tạo (AI) cơ bản, có khả năng nhận biết, lắng nghe, giao tiếp với khách hàng bằng giọng nói và hướng dẫn khách hàng tương tác trên màn hình của robot.
Sau đó, robot mời khách hàng khai báo y tế “Xin mời quý khách khai báo y tế” và hiển thị màn hình thông tin khai báo y tế. Lúc này theo thao tác của khách hàng, robot sẽ hướng dẫn từng bước thực hiện khai báo y tế bằng giọng nói. Robot cũng có thể hỗ trợ người già yếu, người không biết chữ, bằng cách đọc thông tin cần khai báo, lắng nghe câu trả lời và điền vào các mục theo yêu cầu.
Sau khi khách hàng khai báo y tế xong, robot sẽ hỏi “Quý khách cần khám bệnh gì? Xin vui lòng chọn khoa khám bệnh trên màn hình”.
Tiếp đó, robot sẽ yêu cầu khách hàng lần lượt thực hiện cân, đo chiều cao, đo nhịp tim, đo huyết áp… để lấy thông tin điền vào hồ sơ khám bệnh cho khách hàng.
Khi hoàn tất các bước, robot sẽ in số thứ tự khám bệnh cho khách hàng tại phòng khám tương ứng và tiếp tục hướng dẫn khách hàng lối đi đến phòng khám từ màn hình hiển thị và giọng nói.
Trong thời gian không có khách hàng mới, robot có thể làm nhiệm vụ tuyên truyền, nhắc nhở các thông tin cần thiết cho mọi người.
Thầy Trần Nguyên Bảo Trân (người thứ 2, bên phải qua) cùng các sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng nhận giải Nhất cuộc thi Startup Kite 2020 với sản phẩm “Máy đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn tự động”.
Ngoài chức năng tiếp tân bệnh viện, robot còn có thể hỗ trợ người già, trẻ em trong việc chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe tinh thần, trò chuyện, tâm sự, đo thân nhiệt, kiểm tra huyết áp, theo dõi các thông tin sức khỏe định kỳ, hoặc nhắc nhở uống thuốc và phân phối thuốc theo y lệnh của bác sĩ.
Robot tiếp tân bệnh viện sẽ làm thay cho công việc của người tiếp tân bệnh viện, vốn là công việc có nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay. Khi sử dụng robot, vừa giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, vừa sàng lọc được bệnh nhân ngay từ đầu, trong khi robot được khử khuẩn theo định kỳ một cách dễ dàng.
Đây là một sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường Việt Nam, với sự tương tác giữa khách hàng với robot thông qua giọng nói và màn hình cảm ứng. Các thông tin ghi nhận từ robot sẽ chuyển về hệ thống xử lý chung của bệnh viện và app trên smartphone của người trực giám sát.
Ngoài việc làm tiếp tân ở bệnh viện, robot còn có nhiều thị trường rất tiềm năng khác như sử dụng tại các đơn vị điều trị và chăm sóc người mang bệnh truyền nhiễm trong các bệnh viện; các khu cách ly người bệnh COVID-19; các viện dưỡng lão; các nhà hàng muốn sử dụng robot để giới thiệu món ăn, nhận đặt món, đặt chỗ, bưng bê, phục vụ; các công ty muốn sử dụng robot trong công việc chào hàng, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm; các khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng muốn sử dụng robot làm nhân viên tiếp tân; các trường học thực hiện công tác tuyển sinh; các gia đình có người già, trẻ nhỏ muốn có robot giám sát, chăm sóc, nhắc nhở, vui chơi, hướng dẫn học tập, chăm sóc sức khỏe tinh thần…
Trưởng nhóm nghiên cứu Trần Lê Như Bình chia sẻ: “Trong tương lai, nhóm chúng em sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng, sau đó sẽ tiến đến phát triển những sản phẩm mới, để phục vụ cho các ngành nghề khác, với mục tiêu đưa robot thông minh đến gần hơn với cuộc sống thường ngày của mọi người”.
NGƯT TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng nhận xét: “Trong thời gian qua, Ban lãnh đạo nhà trường luôn tạo ra môi trường khuyến khích khả năng tư duy sáng tạo và thói quen nghiên cứu khoa học của sinh viên, đã trở thành một truyền thống vốn quý của Trường Lý Tự Trọng qua các thế hệ. Đó cũng chính là động lực, nền tảng quan trọng để các cơ quan chức năng mạnh dạn đề xuất Thủ tướng Chính phủ nâng cấp nhà trường thành Trường Đại học Lý Tự Trọng trong thời gian tới”.
Giáo viên hướng dẫn Trần Nguyên Bảo Trân cho biết, sản phẩm Robot tiếp tân bệnh viện là sản phẩm công nghệ mới, được tích hợp nhiều chức năng, bao gồm gói phần cứng và phần mềm, mang tính bảo mật cao nên khó bị sao chép, với mức giá rất cạnh tranh, mỗi sản phẩm chỉ từ dưới 50 triệu đồng.
Trong khi, các robot trên thị trường đa số chỉ tập trung vào một số chức năng riêng biệt như chỉ vận chuyển hàng hóa, hay chỉ hỗ trợ đăng ký khám bệnh, hay giải đáp thắc mắc cơ bản, nhưng chi phí mỗi sản phẩm cũng trên dưới 100 triệu đồng.
“Sản phẩm Robot tiếp tân bệnh viện đang mở ra một thị trường tiềm năng ở nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, trên cơ sở nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu của xu hướng thời đại. Chúng tôi đang xúc tiến các thủ tục để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này. Quý doanh nghiệp hay cá nhân nào quan tâm, có thể cùng hợp tác, đầu tư, hoặc đặt hàng cho nhóm chúng tôi phát triển thêm những sản phẩm robot tương tác thông minh theo yêu cầu”, Thầy Trần Nguyên Bảo Trân chia sẻ.
Lê Thanh