Chỉ trong vài ngày qua, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã tiếp nhận 7 bệnh nhân bị ngộ độc methanol, trong đó có 5 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống rượu không rõ nguồn gốc ngay tại Hà Nội. Liên tiếp những ca ngộ độc nặng, thậm chí tử vong do rượu khiến dư luận lo ngại: Nếu không tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của rượu với sức khỏe con người thì các ca tử vong, bệnh tật do rượu sẽ còn gia tăng.
|
Một ca bệnh ngộ độc rượu methanol. Ảnh: H.Hải |
Thông tin từ BV Bạch Mai, trong số 7 bệnh nhân bị ngộ độc methanol thì có 2 bệnh nhân uống phải cồn y tế, 5 bệnh nhân uống rượu không rõ nguồn gốc. Các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng giảm thị lực, hôn mê, tụt huyết áp... Đặc biệt, một bệnh nhân là nam giới, 38 tuổi, quê ở tỉnh Nam Định, làm việc tại Hà Nội nhập viện ngày 27-2 trong tình trạng hết sức nguy kịch, hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn. Người nhà bệnh nhân cho biết, trong 3 ngày (từ 20 đến 22-2), anh này đều uống rượu ở quán cơm bình dân tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông. Đáng nói, ngày đầu uống rượu, anh đã thấy khó chịu, mệt mỏi nhưng vẫn tiếp tục uống. Đến trưa 25-2, bệnh nhân bị hôn mê sâu và ngừng tuần hoàn, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu, sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.Trước đó, trung tuần tháng 2, tại huyện Phong Thổ (Lai Châu), sau khi ăn cơm, uống rượu đã có hơn 100 người bị ngộ độc methanol, trong đó 8 người tử vong. Xét nghiệm rượu thu được tại hiện trường cho thấy, hàm lượng methanol có trong rượu cao gấp 4-5 nghìn lần mức cho phép.
Các ca ngộ độc methanol trong rượu rất nghiêm trọng, tuy nhiên, theo các bác sĩ, số người bị ngộ độc methanol chỉ là “hạt cát” trong hàng chục, hàng trăm nghìn người đang mắc các bệnh mạn tính hiểm nghèo có tác nhân do rượu. GS.TS Mai Trọng Khoa - Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, 10 bệnh nhân bị ung thư thì gần như có đến 8 trường hợp thường xuyên uống rượu. Các bệnh ung thư mà các “bợm nhậu” hay mắc là ung thư thực quản, vòm họng, dạ dày, xơ gan và ung thư gan. Trái lại với nhận định “rượu ngoại không có hại”, rất nhiều các bệnh nhân ung thư dạ dày hoặc thực quản là những người chuyên đi tiếp khách, uống nhiều rượu ngoại. Chỉ tính riêng BV Bạch Mai, mỗi năm cũng có hàng nghìn ca mắc các bệnh hiểm nghèo do rượu như viêm tụy, xơ gan, xuất huyết tiêu hóa, ngộ độc, loạn thần…
Các chuyên gia y tế nhận định: Kẻ tàn sát sức khỏe người Việt ghê gớm nhất chính là rượu. Nếu 10-20 năm nữa người dân Việt vẫn uống rượu như hiện nay thì gánh nặng bệnh tật sẽ khiến nhiều gia đình khánh kiệt.
Điều kỳ lạ là cho dù chính quyền và cơ quan, ban, ngành các tỉnh, thành phố đã liên tục tuyên truyền về tác hại của rượu, bia… nhưng “phong trào” uống rượu vẫn có dấu hiệu gia tăng. “Văn hóa” bia rượu xâm nhập vào từng hoạt động, sự kiện của người dân, bất kể người giàu hay người nghèo, miền xuôi hay miền ngược. Đối với nhiều người, rượu là thước đo độ sang chảnh, thành đạt, là “cầu nối” giao tiếp, là màn dạo đầu cho mối quan hệ làm ăn… Vì thế, rất khó nói “không” với bia rượu nếu như trong các buổi liên hoan, tiệc tùng, những người đứng đầu các cơ quan vẫn giữ tác phong cổ vũ, hùa theo chúc tụng bia rượu cùng cấp dưới.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần gấp rút ban hành luật phòng chống tác hại rượu bia để có công cụ hữu hiệu nhằm hạn chế việc bày bán công khai, quảng cáo trá hình về bia rượu và tích cực truyền thông để người dân hiểu uống nhiều rượu bia chính là “nâng chén… tiêu đời”. Chỉ khi nào mỗi người dân tự hiểu rõ tác hại của bia rượu với sức khỏe của chính mình thì các vụ tử vong, bệnh nặng vì bia rượu mới được hạn chế.
Theo Báo Hànộimới