TNV - Ngày 18/8, Sở GD-ĐT TPHCM đã có tờ trình gửi UBND TPHCM về phương án và kế hoạch thời gian năm học 2021- 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM.
Theo số liệu Sở GD- ĐT TPHCM thống kê, hiện nay toàn TPHCM có 249 trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, tiêm vaccine. Trong thời gian sắp tới, các địa phương chưa thể bàn giao các cơ sở giáo dục đang được sử dụng trong phòng, chống dịch để tổ chức giảng dạy. Bên cạnh đó, toàn TPHCM có 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1, Nhiều công trình xây dựng, sửa chữa trường lớp bị tạm ngưng, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập (nhất là mầm non) đã bị giải thể.
Trong tình hình hiện nay, năm học mới khó có thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp. Các cơ sở giáo dục khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, bàn giao lại cho ngành giáo dục phải mất ít nhất 2 tuần để sửa chữa, cải tạo cho phù hợp.
Công tác tuyển sinh đang được các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện bằng hình thức trực tuyến, dự kiến kết thúc trong tháng 8/2021.
Đặc biệt, các lớp 1, 2, 6 sẽ sử dụng SGK mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhưng hiện nay công đoạn phân phối sách của các nhà xuất bản chưa hoàn thành.
Hiện ngành giáo dục đã dự kiến và xây dựng các phương án để học sinh bắt đầu năm học mới bằng hình thức học trên môi trường internet, chỉ đạo các trường xây dựng trước các bài giảng qua internet trong khoảng 10 tuần đầu năm học.
Việc bắt đầu năm học sớm sẽ tránh được việc dồn ép tiến độ cuối năm học để đảm bảo các kỳ thi cuối cấp, nhất là kỳ thi THPT quốc gia năm 2022. Đồng thời, việc tổ chức tựu trường, khai giảng theo hình thức trực tuyến cũng không hiệu quả, không mang nhiều ý nghĩa.
Riêng bậc mầm non do đặc thù phải dạy, học trực tiếp có thể bắt đầu và kết thúc năm học với khung thời gian riêng, chậm hơn bậc học phổ thông. Trong thời gian chưa thể bắt đầu đi học, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho giáo viên mầm non xây dựng một số đoạn phim ngắn để hướng dẫn trẻ sinh hoạt, vui chơi, giáo dục kỹ năng với sự tham gia, phối hợp của phụ huynh.
Từ thực tế đó, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất không tổ chức tựu trường, khai giảng, các trường sẽ bắt đầu tổ chức dạy học trên môi trường internet với thời điểm như sau:
Các trường THCS, THPT sẽ tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học trên internet và củng cố kiến thức từ ngày 1 đến 5/9. Từ ngày 6/9 sẽ bắt đầu giảng dạy theo chương trình năm học mới.
Ở bậc tiểu học, các trường sẽ tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên internet và củng cố kiến thức từ ngày 8 đến 19/9. Từ ngày 20/9 thực hiện giảng dạy theo chương trình năm học.
Riêng các trường mầm non sẽ khai giảng chậm hơn, khi tình hình dịch được kiểm soát, học sinh có thể đến trường.
Ngoài ra, cũng trong tờ trình này, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất 3 phương án tổ chức dạy và học căn cứ vào tình hình diễn biến dịch cho từng giai đoạn. Các trường có thể dạy trực tuyến từ 4 đến 6 tuần, hoặc từ 6 đến 10 tuần hoặc hết học kỳ 1.
Tùy trường hợp cụ thể, khi các trường được bàn giao lại cho ngành giáo dục, sẽ tổ chức dạy học trực tiếp. Sau khi hết giãn cách theo chỉ thị 16, sẽ ưu tiên lớp 1, lớp 2, các lớp đầu và cuối cấp chia nhỏ lớp bố trí học trực tiếp, các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi tình hình dịch bệnh cơ bản ổn định trở lại.
Tấn Tài