Sở hữu trí tuệ nhìn từ vụ Cô Ba Sài Gòn

Thứ tư, 13/12/2017 - 10:09

TNV - Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin bộ phim Cô Ba Sài Gòn bị livestream tại một rạp chiếu phim ở Vũng Tàu. Điều đáng nói, ngay sau khi sự việc bị phát giác đối tượng thực hiện hành vi này lại là một thanh niên 19 tuổi. Điều này đã dấy lên những lo ngại về việc trang bịkiến thức về sở hữu trí tuệ trong thanh niên hiện nay.

Cô Ba Sài Gòn là một bộ phim điện ảnh về đề tài thời trang do Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn làm đạo diễn. Bộ phim nhằm tôn vinh áo dài, trang phục truyền thống của Việt Nam. Phim có buổi công chiếu đầu tiên trên toàn thế giới vào ngày 14 tháng 10 năm 2017 tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 22 ở Hàn Quốc trước khi ra mắt công chúng Việt Nam vào ngày 10 tháng 11 cùng năm.

4 Ảnh: Poster phim Cô Ba Sài Gòn

Ngay sau khi công chiếu, vào ngày 13/11một fanpage trên Facebook đã quay lén toàn bộ nội dung phim. Đoạn livestream ngay sau khi phát trực tiếp đã thu hút hàng nghìn người xem. Sự việc được phát hiện và ngay sau đó đã tìm ra đối tượng quay lén là một thanh niên sinh năm 1998 sống tại Vũng Tàu. Đoạn clip ngay sau đó cũng đã bị xóa khỏi trang.

Theo đó, xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan được hiểu là hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình, phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi livestream của thanh niên này đã vi phạm luật sở hữu trí tuệ, cụ thể là điều 28 và 35 Luật sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền tác giả tại điều 170a Bộ Luật hình sự.

Theo Điều 170a Bộ luật hình sự, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi dưới đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì sẽ bị xử lý hình sự. Những hành vi vi phạm đó là:

- Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

- Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

Người phạm tội sẽ chịu các hình phạt sau:

- Bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm;

- Phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Từ vụ việc trên cho thấy những hạn chế trong nhận thức của thanh niên hiện nay về sở hữu trí tuệ. Việc trang bị những kiến thức về sở hữu trí tuệ trong thanh niên còn chưa được chú trọng quan tâm. Điều này đã vô tình gây nên những hậu quả đáng tiếc. Việc phổ biến, nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ cho thanh niên là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và xây dựng nền kinh tế tri thức như hiện nay.

pv