Sơn La: Xây dựng sổ tay hướng dẫn nông dân sản xuất tại mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

Thứ hai, 28/02/2022 - 11:35

TNV - Nhằm nâng cao ý thức cho bà con nông dân tuân thủ nghiêm các quy trình để sản xuất ra hoa quả tươi đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tỉnh Sơn La đang triển khaixây dựng sổ tay hướng dẫn sản xuất tại mã số vùng trồng và sẽ tổ chức tập huấn cho bà con nông dân.

Mở lớp tập huấn hàng năm cho bà con nông dân

Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La được giao nhiệm vụ biên soạn sổ tay với nội dung cung cấp các thông tin về quy định một số nước nhập khẩu và quy trình sản xuất đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu trước và sau khi được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu quả tươi trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Cấp mã số vùng trồng cho một số hợp tác xã, doanh nghiệp năm 2019

Ông Nguyễn Thành Công (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La) cho biết, kể từ năm 2022 hàng năm 12 huyện, thành phố trong toàn tỉnh sẽ mở lớp tập huấn cho bà con nông dân đại diện cho các tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu quả tươi trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng như các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Ngoài ra, công tác thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cũng được tỉnh Sơn La duy trì thực hiện hàng năm, với tần suất giám sát tối thiểu 01 lần/vụ (ngoài ra tùy thuộc từng loại cây trồng, nhóm sinh vật hại hặc yêu cầu của thị trường xuất khẩu mà tần xuất có thể nhiều hơn/vụ) – Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.

Cụ thể, đối với vùng trồng, nội dung giám sát là kiểm tra việc tuân thủ các quy định về vùng trồng như: Vệ sinh vườn trồng (cỏ dại, tàn dư, vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,...); sổ nhật ký canh tác; sinh vật gây hại và biện pháp quản lý (quy trình quản lý sinh vật hại); cập nhập các thay đổi tại vùng trồng về người đại diện, diện tích, sản lượng thu hoạch,... Và giám sát an toàn thực phẩm: Lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại mã số vùng trồng trước khi thu hoạch.

Đối với cơ sở đóng gói, nội dung giám sát là kiểm tra việc duy trì hiện trạng cơ sở vật chất và cấu trúc cơ sở đóng gói; kiểm tra nguyên vật liệu đóng gói; kiểm tra hồ sơ, giấy tờ: quy trình phòng trừ sinh vật hại, hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hồ sơ theo dõi vệ sinh cơ sở đóng gói, hồ sơ nhân sự, hồ sơ tập huấn nội bộ, hồ sơ bảo vệ môi trường, hồ sơ phòng cháy chữa cháy; kiểm tra nhân sự quản lý cơ sở đóng gói về các nội dung: sức khỏe, nắm được quy trình đóng gói đang áp dụng tại cơ sở đóng gói, khả năng nhận diện các sinh vật gây hại – ông Nguyễn Thành Công nêu rõ.

Hợp tác xã Phương Nam (xã Lóng Phiêng – Yên Châu) – đơn vị đi tiên phong trong việc đăng ký xây dựng và tuân thủ các quy trình về vùng trồng; hiện HTXcó 59 ha nhãn đã được cấp mã số vùng trồng

Mặt khác, theo Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La, tỉnh đang triển khai hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng mới; rà soát cập nhật các sản phẩm nông nghiệp mở cửa tại thị trường các nước; và xây dựng kế hoạch hoàn thành bản đồ chuyên đề về mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chính trên địa bàn tỉnh vào năm 2025.

Đã được cấp 220 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 5.000 ha

Được biết, đến hết năm 2021, tỉnh Sơn La có tổng diện tích cây ăn quả các loại và cây sơn tra: 80.270 ha; sản lượng đạt khoảng 325.530 tấn. Trong đó: Xoài diện tích 19.832 ha, với sản lượng 61.045 tấn; cây nhãn diện tích 19.265 ha, với sản lượng 99.434 tấn; cây mận với diện tích 11.348 ha, sản lượng 71.204 tấn; cây chuối diện tích 5.552 ha, sản lượng cả năm đạt 43.254 tấn; cây ăn quả có múi (cam, bưởi, quýt) diện tích 4.461 ha, sản lượng 6.003 tấn; cây chanh leo diện tích 965 ha, sản lượng đã thu hoạch ước đạt 7.317 tấn; cây thanh long diện tích hiện có 196 ha sản lượng ước đạt 7.804 tấn; cây sơn tra diện tích 23.640 ha, sản lượng ước đạt 16.422,9 tấn.

Vùng trồng quýt ngọt ở huyện Phù Yên

Với diện tích cây ăn quả lớn, sản lượng dồi dào, phong phú về cây trồng – đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức đặt ra để tỉnh Sơn La giải bài toán tiêu thụ; trong đó công tác thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và xây dựng sổ tay hướng dẫn bà con nông dân sản xuất tại mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩuđang là giải pháp được tỉnh Sơn La đẩy mạnh.

Trước yêu cầu tại một số nước nhập khẩu quả tươi chính ngạch đặt ra phải có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo quy trình sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được cấp 220 mã số vùng trồng , với tổng diện tích 4.852 ha và 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Vùng trồng mận ở huyện Mộc Châu

Trong đó, qua rà soát và đăng ký mới xuất khẩu chính ngạch đi một số nước: Úc và Newzealand: 46 mã vùng trồng; Mỹ: 47 mã số vùng trồng; Trung Quốc: 127 mã số vùng trồng. Những loại cây ăn quả: Cây nhãn 127 mã mã số, với tổng diện tích 2.726ha; cây Xoài: 84 mã số vùng trồng với tổng diện tích 1.579 ha; cây Chuối: 07 mã với tổng diện tích 461 ha; cây Thanh Long cấp 2 mã với tổng diện tích 86 ha. Đây là những vùng trồng đủ tiêu chuẩn để sản phẩm quả tươi của Sơn La được xuất khẩu chính ngạch đi thị trường các nước./.

Vùng trồng xoài xuất khẩu của huyện Yên Châu

Đặc sản xoài Yên Châu nổi tiếng

Xoài Sơn La đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu tới thị trường các nước tiên tiến

Phạm Quỳnh