1. Mở đầu
Trong các xã hội từ trước tới nay (từ cổ truyền đến hiện đại), gia đình luôn đóng vai trò như một thiết chế xã hội cơ bản nhất, gắn liền với đời sống của mỗi cá nhân, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng, quốc gia và dân tộc. Mặc dù có rất nhiều định nghĩa khác nhau về gia đình dưới nhiều góc độ, nhưng nhìn chung nói đến gia đình là chúng ta hình dung đó là một xã hội thu nhỏ với nhiều mối quan hệ tồn tại bên trong – là nơi mà mỗi người được sinh ra, được chăm sóc, giáo dục những bước đầu đời. Do đó gia đình gắn liền với các giá trị nhất định, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, trước tác động của bối cảnh xã hội mới hiện nay, các giá trị văn hóa gia đình truyền thống đang có nhiều thay đổi, trong đó có sự thay đổi trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, bao gồm cả sự thay đổi trong hình thái gia đình, hành vi ứng xử, vai trò trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các thành viên với nhau. Vì vậy cần có những nghiên cứu về sự biến đổi này để có sự đánh giá, nhận định chính xác. Từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp nhằm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Sự biến đổi trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình hiện nay
2.1. Sự thay đổi trong các hình thái gia đình
Gia đình với vai trò là tế bào của xã hội, là một thiết chế xã hội cơ bản với những chức năng và giá trị văn hóa nhất định, là nơi cung ứng và đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho mỗi cá nhân và rộng hơn là cả cộng đồng. Đối với người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong nuôi dưỡng, giáo dục cá nhân thành những con người xã hội có giá trị cũng như tạo ra sức mạnh nội tại vững mạnh, trường tồn của dân tộc. Có thể khẳng định các giá trị văn hóa gia đình là nơi sản sinh và lưu giữ, phát triển văn hóa xã hội, văn hóa dân tộc.
Trong những thập kỷ qua, gia đình Việt Nam đang có những biến chuyển to lớn, đầu tiên là biến chuyển trong hình thái gia đình. Gia đình truyền thống với tam tứ đại đồng đường gồm nhiều thế hệ cùng nhau chung sống dần được thay thế bởi các loại hình gia đình hạt nhân tự do, cởi mở và hiện đại hơn. Một số loại hình gia đình mới xuất hiện như gia đình đơn thân, gia đình của những người đồng tính, sống chung nhưng không kết hôn,… Những loại hình gia đình mới này thường rất hiếm hoặc không có trong xã hội truyền thống trước đây nhưng lại có xu hướng gia tăng trong các xã hội công nghiệp, hiện đại và tập trung ở một bộ phận người dân, "chủ yếu là người dân tộc Kinh, trẻ tuổi, học vấn cao, ở thành thị". Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, xu hướng lựa chọn sống độc thân hoặc kết hôn muộn cũng như lựa chọn sống thử trước khi kết hôn ở giới trẻ [1]. Đây là các vấn đề đặt ra trong nghiên cứu về gia đình hiện nay nhằm có những khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xã hội, đồng thời hướng đến gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.
2.2. Sự biến đổi trong ứng xử giữa cha mẹ và con cái
Gia đình được xem là môi trường xã hội hóa đầu tiên của con người. Vì vậy, vốn liếng chuẩn mực ứng xử của mỗi người đều bắt nguồn từ sự tích lũy những kiến thức, chuẩn mực, giá trị được dạy dỗ, học hỏi và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác trong gia đình. Nếu như xem văn hóa ứng xử là hành động giao tiếp bảo đảm tính văn hóa trong các quan hệ cụ thể giữa người với người thông qua thái độ, hành vi, từ đó xác lập các chuẩn mực ứng xử thì gia đình chính là cái nôi đầu đời trong trao truyền các giá trị văn hóa ứng xử như vậy.
Trong gia đình Việt Nam truyền thống, giá trị "tôn trọng", "hiếu thảo", "lòng biết ơn" luôn được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ ứng xử giữa cha mẹ và con cái. Các chỉ dạy được tiến hành qua sự nêu gương của người lớn đối với trẻ em hoặc thông qua các câu ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích của ông bà, cha mẹ. Từ nhỏ, trẻ em đã được học những bài học hết sức cơ bản như "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo", "Gọi vâng, bảo dạ con ơi – Vâng lời sau trước con thời chớ quên", "Uống nước nhớ nguồn", "Công Cha nặng lắm ai ơi – Nghĩa Mẹ bằng trời chín tháng cưu mang",… Những lời dạy bảo thấm vào tâm trí, trở thành các chuẩn mực ứng xử khi trẻ lớn lên, trưởng thành với tâm niệm kính trọng, yêu thương, có trách nhiệm với người sinh thành ra mình. Có thể thấy rằng gia đình chính là "cái nôi" và là "bệ phóng văn hóa" giúp mỗi con người bước vào xã hội, được chấp nhận là một thành viên trong xã hội.
Tuy nhiên, cùng với sự biến đổi của xã hội hiện đại đã làm nảy sinh sự dịch chuyển trong ứng xử giữa các thành viên gia đình, thậm chí một số quan niệm, chuẩn mực ứng xử được dạy dỗ trong gia đình trở nên không còn phù hợp. Trong bối cảnh này, ứng xử giữa cha mẹ và con cái cũng đã có nhiều thay đổi. Một số giá trị văn hóa cha mẹ truyền dạy trở nên không còn phù hợp đối với thế hệ trẻ như quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" được thay thế bởi quyền tự do lựa chọn tình yêu, hôn nhân. Hoặc quan niệm "gọi dạ bảo vâng" – con cái chỉ biết nghe lời và chịu sự chi phối hoàn toàn từ cha mẹ được thay thế bởi sự ứng xử bình đẳng, tôn trọng. Con cái đã được trao đổi, thảo luận, chia sẻ, nói lên những nguyện vọng, chính kiến, quan điểm riêng của mình. Cha mẹ không chỉ đơn thuần là những người bề trên dạy bảo con cái mà hơn thế, trong rất nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình thành thị và trí thức, cha mẹ còn là những người bạn tâm giao sẵn sàng chia sẻ tâm tư, tình cảm với con cái.
Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của các phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại như mạng internet, facebook, zalo,… và các nguồn thông tin mới, đa dạng thì cha mẹ trở nên "lạc hậu" và "cổ hủ" trong mắt con cái. Những lời dạy dỗ của cha mẹ về cách ăn mặc, ứng xử, kỹ năng xây dựng mối quan hệ,... trở nên lỗi thời. Việc thực hành chữ "hiếu" từ 'trực tiếp" trong chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ, "quạt nồng ấm lạnh" hằng ngày được thay thế bằng những cuộc gọi "gián tiếp" từ xa qua các app điện thoại. Một số gia đình trẻ bị cuốn vào áp lực mưu sinh, những thú vui hiện tại mà thiếu đi sự chăm sóc, thăm hỏi thường xuyên mà thay vào đó là những đồng tiền hoặc món quà giá trị mà quên mất rằng điều cha mẹ cần là sự gặp mặt, ôm ấp, nói chuyện và yêu thương.
2.3. Sự biến đổi trong thực hiện vai trò của con cái với cha mẹ
Trong quan niệm về con cái trước đây, người Việt Nam luôn cho rằng "đông con là phúc" và "trẻ cậy cha, già cậy con". Vì vậy, trong gia đình truyền thống, người Việt luôn thích sinh nhiều con cái – một mặt vừa đảm bảo đủ nhân lực lao động trong tương lai, mặt khác đảm bảo sự đông đúc, vui vầy cũng như an toàn về sự chăm sóc khi về già. Con cái có trách nhiệm và nghĩa vụ nuôi nấng, chăm lo cho cha mẹ tuổi xế chiều. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng có quy định rất cụ thể về trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ trong điều 70 và 71, cụ thể như sau: "Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình; Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ" [2]. Cha mẹ thường lựa chọn chung sống với con khi về già, thường là người con trai cả hoặc út. Điều này hoàn toàn trùng hợp với những nghiên cứu về sắp xếp đời sống gia đình chỉ ra rằng ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vai trò hỗ trợ của gia đình là nguồn an sinh mạnh nhất cho người lớn tuổi [3].
Hiện nay, quan niệm về "chữ hiếu" và việc thực hiện vai trò của con cái đối với cha mẹ cũng đã có nhiều thay đổi. Khi kinh tế phát triển, các gia đình có sự tích lũy tài chính nhất định. Do đó, cha mẹ không quá phụ thuộc vào sự chăm sóc vật chất của con cái khi về già. Điều cha mẹ cần là sự quan tâm, chia sẻ, tâm sự về mặt tinh thần. Tuy nhiên trong bối cảnh và tính chất của công việc, rất nhiều người trẻ phải xa gia đình đi làm ăn ở các tỉnh/thành khác, thậm chí là quốc gia khác. Vì vậy việc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc cận kề thay đổi về tính chất. Điều này dẫn tới sự buồn tủi ở cha mẹ khi cả hàng tháng, cả năm hoặc vài năm mới gặp được con cháu. Ngoài ra, cùng với lối sống thực dụng, coi trọng vật chất lên ngôi, cũng xảy ra không ít trường hợp con cái bỏ bê, không chăm sóc cha mẹ của mình. Đây là những vấn đề rất đáng buồn trong sự thay đổi trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hiện nay.
Một vấn đề cũng đáng lưu tâm là có sự thay đổi trong sắp xếp đời sống gia đình ở cả người trẻ và người lớn tuổi. Hiện nay có rất nhiều cha mẹ vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã lựa chọn nhiều hình thức sống khác thay vì sống chung với con như chỉ sống cùng vợ/chồng, sống một mình, sống với bạn bè, sống trong nhà dưỡng lão [4]. Vì vậy việc thực hiện vai trò chăm sóc của con cái đối với cha mẹ cũng thay đổi về bản chất. Rất nhiều cha mẹ đã lựa chọn cuộc sống trong viện dưỡng lão nhằm đảm bảo sự chăm sóc về ăn uống, y tế, tinh thần và không làm phiền con cháu – một mối quan hệ "đủ gần đủ xa" và có sự tự chủ nhất định trong cuộc sống.
3. Một số đề xuất giải pháp
Sự biến đổi các giá trị gia đình nói chung và mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái nói riêng là xu thế tất yếu trong xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự biến đổi này nhưng chung quy lại có ba yếu tố chính, gồm (1) thể chế, (2) văn hóa và (3) hội nhập quốc tế. Vì vậy, điều cần thiết là lưu giữ các giá trị văn hóa mang tính tích cực, phù hợp với văn hóa người Việt, đồng thời tiếp thu các giá trị văn hóa mới nhằm xây dựng gia đình vừa có những giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa mang tính hiện đại, tiến bộ.
Một là, tăng cường các hoạt động truyền thông tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Người cao tuổi cũng như các nghị định, thông tư có liên quan về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình.
Hai là, lồng ghép các chương trình giáo dục về các giá trị văn hóa của gia đình truyền thống đồng thời phổ biến các giá trị văn hóa gia đình mới mang tính hiện đại và tiến bộ. Có những chính sách cụ thể trong hoạt động tuyên truyền và thực thi việc lưu truyền và gìn giữ những giá trị, chuẩn mực này. Phát huy vai trò của gia đình truyền thống trong xã hội hiện đại.
Ba là, xây dựng các chính sách và dịch vụ xã hội cụ thể trong tiếp cận công bằng, bình đẳng giữa các hình thái gia đình hiện nay, trong đó có những hình thái gia đình mới xuất hiện.
Bốn là, thực thi nghiêm pháp luật các trường hợp con cái lơ là, xao nhãng, bỏ bê, bạo lực với ông bà cha mẹ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cũng xử lý nghiêm những hành vi không đúng mực của cha mẹ đối với con cái.
Năm là, phổ biến các kết quả nghiên cứu mới về gia đình tới các nhà hoạch định chính sách để từ đó có thể xây dựng những chính sách liên quan đến gia đình một cách cập nhật, phù hợp với tình hình mới. Đồng thời xem xét xây dựng nội hàm mới cho mục tiêu xây dựng gia đình trong thời kỳ tới trên cơ sở những giá trị gia đình đã được định hình như "hạnh phúc", "bình đẳng", "ấm no", "tiến bộ".
4. Kết luận
Có thể thấy rằng gia đình đang đứng trước những biến chuyển to lớn do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có những biến chuyển liên quan mạnh mẽ đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nói chung và mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái nói riêng. Làm sao vẫn tiếp tục duy trì được các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, gắn liền với học hỏi, tiếp thu những giá trị văn hóa mới mang tích tích cực, tiến bộ; dung hòa được các giá trị đó với nhau là câu hỏi nghiên cứu đặt ra cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà thực hành có quan tâm tới lĩnh vực này.
ThS. Trương Văn Thành - ThS. Mai Tuấn Kiệt
Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Thị Minh Thi (10/6/2020), Những biến đổi gia đình Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị chính sách, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/816737/nhung-bien-doi-cua-gia-dinh-viet-nam-hien-nay-va-mot-so-khuyen-nghi-chinh-sach.aspx
[2] Quốc Hội (2014), Luật Hôn nhân và Gia đình, https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/trach-nhiem-cua-con-cai-doi-voi-cha-me-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-voi-cha-me-nuoi-co-tuong-tu-khong-641691-124691.html
[3] United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific, United Nations Population Fund, United Nations Department of Economic and Social Affairs (2007), Living arrangements among the elderly in Southest Asia, Bangkok
[4] Thai Quang Trinh. 2018. Ageing ang intergenerational relationship in Vietnam. Doctor of Philosophy of The Australian National University