TNV - Ngay từ những ngày đầu thành lập lực lượng công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn lực lượng công an phải hiểu rõ: công an ta là Công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, dựa vào dân để làm việc và vì nhân dân mà phục vụ. Thời gian càng lùi xa, nhưng những di sản mà Hồ Chí Minh để lại cho lực lượng Công an nhân dân vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Trong đó, “Tư cách người Công an cách mệnh” hay còn gọi là “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” là tài sản tinh thần vô giá mà Người dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
Hiện nay, việc học tập “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” là một yêu cầu rất cấp thiết của lực lượng Công an nhân dân nói chung và cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh điều tra Công an Thành phố Hải Phòng nói riêng.
1. Sự cần thiết học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân
Thứ nhất, học tập Sáu điều Bác Hồ dạy xuất phát từ vai trò, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân . Lực lượng công an là thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy lực lượng Công an nhân dân: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Có sự ủng hộ và tin tưởng từ nhân dân thì Công an nhân dân mới có hậu phương vững chắc, làm nền tảng và chỗ dựa cho mọi công tác của lực lượng. Với đặc thù công việc, công an luôn phải tiếp xúc với nhân dân và để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì phải liên hệ mật thiết với nhân dân. Do đó, người chiến sĩ công an phải có đạo đức cách mạng để dân yêu, dân tin và dân ủng hộ, từ đó dân mới sẵn lòng giúp đỡ công an. Trên cơ sở đó, “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” là cơ sở, nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức của người cán bộ Công an nhân dân. Với những lời dạy ngắn gọn nhưng sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những điều căn bản nhất mà lực lượng Công an nhân dân cần học tập để tự hoàn thiện đạo đức của bản thân mình. Những lời dạy đó có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, bền vững và sức lan tỏa đặc biệt không chỉ trong lực lượng Công an nhân dân mà còn trong toàn hệ thống chính trị.
Thứ hai, học tập Sáu điều Bác dạy xuất phát từ sự phát triển của lực lượng Công an nhân dân . Lực lượng Công an nhân dân đã có lịch sử hơn 75 năm xây dựng và trưởng thành. Đây là một chặng đường cách mạng với nhiều khó khăn và gian khổ. Mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của biết bao chiến sĩ đã ngã xuống vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng với giai đoạn cải cách, đổi mới phát triển đất nước, lực lượng công an đã chứng minh được sự trung thành với Đảng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là người “đày tớ trung thành tận tụy” của nhân dân. Lịch sử đó cũng minh chứng cho sức sống, tính đúng đắn, chân lý và khoa học của Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.
Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, chiến sĩ công an đã và đang có những biểu hiện thoái hóa, biến chất. Những biểu hiện đó thể hiện ở chỗ: phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích cá nhân lên trên tập thể; cách làm việc quan liêu, xa rời nhân dân, chưa dân chủ, coi thường những nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt Đảng; nói không đi đôi với làm, chỉ nói suông, ba hoa; ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân chưa đúng mực… Hồ Chí Minh đã lường trước về những biểu hiện thoái hóa đó, Người đã căn dặn lực lượng công an từ rất sớm: “Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi”. Người khẳng định bom đạn của kẻ thù còn không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường”, vì nó không thể trông thấy được. Bởi vậy, vấn đề xây dựng nhân cách, bản lĩnh, tư tưởng, tác phong, đạo đức cách mạng cho lực lượng Công an nhân dân là một yêu cầu cấp thiết và là nhu cầu khách quan phù hợp với sự phát triển của lực lượng Công an nhân dân. Sáu điều Bác Hồ dạy là “kim chỉ nam” định hướng cho sự phát triển của lực lượng Công an nhân dân.
Thứ ba, việc học tập Sáu điều Bác dạy xuất phát từ nhu cầu tự hoàn thiện nhân cách của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân . Hồ Chí Minh khẳng định đã là con người thì ai cũng có hai mặt tốt – xấu, thiện – ác, hiền – dữ thường xuyên đấu tranh với nhau. Nếu được giáo dục đúng đắn, phần thiện sẽ “nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”. Đối với người chiến sĩ Công an nhân dân cũng như vậy, nhu cầu tất yếu của mỗi cán bộ, chiến sĩ đều là muốn bản thân tự hoàn thiện, phát huy mặt tốt, loại bỏ mặt xấu vốn có trong mỗi con người, hướng tới chân – thiện – mỹ. Học tập theo “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” có vai trò quan trọng nhằm hoàn thiện nhân cách và bản lĩnh của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Từ đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ trở thành người cách mạng mẫu mực, làm gương cho quần chúng, cống hiến cho sự nghiệp tiến lên CNXH.
Việc học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân suốt hơn 75 năm qua luôn là nội dung trọng tâm công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị, tư tưởng của lực lượng Công an nhân dân trong các giai đoạn. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn không ngừng âm mưu “Diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam. Trong khi đó, những biểu hiện xa rời mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang tác động làm xói mòn lòng tin của cán bộ, nhân dân, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa, tình hình trật tự xã hội, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn chưa giảm.
Tình hình trên đặt ra cho lực lượng Công an nhân dân nói chung, cán bộ Phòng An ninh điều tra Công an Thành phố Hải Phòng nói riêng những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Công tác điều tra có ý nghĩa rất quan trọng, có vai trò quyết định đến công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân. Vậy, phải làm thế nào để giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang anh dũng của lực lượng, của quê hương, thể hiện sự kế thừa xứng đáng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, việc học tập Sáu điều Bác dạy càng trở nên sâu sắc và thiết thực trong mỗi cán bộ Phòng An ninh điều tra Công an Thành phố Hải Phòng. Muốn vậy, phải luôn chủ động, sáng tạo, tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ sau:
Một là, mỗi cán bộ Phòng An ninh điều tra cần nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm. Xác định rõ việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy phải là việc làm thường xuyên và trở thành tiềm thức, hành động, thực tiễn của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; rèn luyện phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Yêu cầu đặt ra là: nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tích cực học tập, rèn luyện với tinh thần sáng tạo, có chất lượng hiệu quả cao; thực hiện chí công vô tư, luôn ưu tiên đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, xây dựng nội bộ Phòng đoàn kết, vững mạnh, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng; kiên quyết chống bệnh lười biếng, thỏa mãn trong công tác, rèn luyện, tích cực bài trừ tư tưởng trung bình chủ nghĩa, không có động cơ, phấn đấu đúng đắn trong công tác chuyên môn.
Hai là, mỗi cán bộ Phòng An ninh điều tra cần có lập trường tư tưởng vững vàng, không hoang mang dao động trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, trước những cám dỗ tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường. Đồng thời, phải thường xuyên bồi đắp ý chí khắc phục khó khăn, gian khổ, đề cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, phát huy tính sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết năng nổ, nhiệt tình, nhạy bén, mưu trí, dũng cảm trong công tác và chiến đấu; sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, không né tránh những công việc khó khăn, nguy hiểm hoặc chọn những công việc nhẹ nhàng. Công viêc
Ba là, mỗi cán bộ phải luôn chăm lo thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Công an với nhân dân; phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”. Cần quán triệt, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ” hơn nữa, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Công an với nhân dân; tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; khiêm tốn, cầu thị, không kiêu ngạo, quan liêu, sách nhiễu quần chúng nhân dân; có sự liên hệ mật thiết với nhân dân, đi sâu, đi sát, hiểu biết, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân để dân tin, dân phục và thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ; đặt sự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ dưới sự theo dõi, nhận xét, đánh giá, kiểm tra, giám sát, phản biện của nhân dân.
Bốn là, luôn nêu cao ý thức xây dựng đoàn kết nội bộ trong tập thể đơn vị; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp. Có lòng yêu ngành, yêu nghề, tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; có lương tâm nghề nghiệp trong sáng. Phát huy truyền thống anh hùng của mảnh đất Hải Phòng, thực hiện tốt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng Công an nhân dân và với cán bộ, nhân dân Hải Phòng, xứng đáng là người chiến sỹ Công an nhân dân suốt đời phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Tư cách người Công an cách mệnh” dạy hàm chứa những giá trị tư tưởng, thực tiễn cao quý, mãi mãi là di sản tinh thần vô giá để xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó./.
T rung tá Ngô Đức Can – Đại úy Xuân Huy Hoàng
Phòng An ninh điều tra – Công an Thành phố Hải Phòng