1. Đặt vấn đề
Lịch sử là một dòng chảy liên tục thông qua các thế hệ kế tiếp nhau. Dân tộc ta có truyền thống coi trọng vai trò của tuổi trẻ trong dựng nước và giữ nước. Cha ông ta có câu: “Tre già măng mọc” để nói về nguyên lý trong vũ trụ khi mỗi con người đều phải trải qua các trạm Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Khi thế hệ tre già dần đi thì thế hệ măng non sẽ trưởng thành và tiếp nối xây dựng trên các nền tảng công trình thế hệ tre già để lại. Ðiều cần ghi nhớ là tre và măng luôn mọc gần cạnh nhau. Khi măng còn mềm yếu là thực phẩm đặc biệt cho các sinh vật hay còn mảnh mai dễ hư hao trước sức nóng của ánh mặt trời, sức công phá của khí hậu lúc mưa bão thì đã có tàng tre um tùm gai góc che chở bảo vệ. Hình ảnh tre và măng gắn bó, tựa vào nhau, tiếp nối thế hệ này sang thế hệ khác. Thế hệ đi trước đào tạo thế hệ đi sau để thế hệ đi sau tiếp bước thế hệ đi trước để sự nghiệp được trường tồn . Không có người tiếp tục thì sự nghiệp bị gián đoạn , nên tre già rồi thì phải có măng mọc. Từ triết lý ấy, với mong muốn sự nghiệp cách mạng được trường tồn thì Đảng, Nhà nước ta phải luôn luôn quan tâm đào tạo các thế hệ cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi để có thể tiếp tục sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi cuối cùng.
2. Đào tạo lãnh đạo trẻ là một tất yếu khách quan
Các nhà sáng lập học thuyết Mác – Lênin đã khẳng định vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ đồng thời rất coi trọng việc đào tạo nguồn cán bộ trẻ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mác đã khẳng định: “tương lai của loài người…phụ thuộc vào lớp công nhân đang lớn lên” (1) như vậy có nghĩa là sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản có đi đến đích hay không là phụ thuộc vào lớp kế cận đang dần lớn lên, chính vì vậy, giai cấp vô sản và chính đảng của nó phải liên tục và không ngừng đào tạo các đội ngũ lãnh đạo trẻ kế cận sự nghiệp cách mạng.
Trong đó Lênin đã đặc biệt quan tâm lựa chọn và đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực từ đội ngũ thanh niên, Lênin đã khẳng định : “nhiệm vụ thật sự xã hội chủ nghĩa chính là của thanh niên” (2). Lênin cho rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ phải thông qua hoạt động thực tiễn và các phong trào. Như vậy, Lênin đã chỉ ra rằng sự nghiệp cách mạng muốn thành công thì Đảng phải chăm lo đào tạo nhiều thế hệ thanh niên để có thể thay thế và tiếp tục sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản.
Hồ Chí Minh, ngay từ ngày đầu truyền bá tư tưởng cách mạng cho dân tộc cho đến lúc đi xa, Người luôn đặt niềm tin và chăm lo đào tạo thế hệ trẻ phục vụ cho công cuộc cách mạng của Đảng, của đất nước. Người cũng chỉ rõ mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ : “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”…” (3). Hồ Chí Minh trân trọng, phát huy tất cả các thế hệ cán bộ, đồng thời Người cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: “tổ chức cần cán bộ già, đồng thời rất cần nhiều cán bộ trẻ…công việc càng nhiều, càng mới Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ” …(4). Người cũng chỉ ra rằng: “nguồn cung cấp cán bộ là tất cả thanh niên, những người đã được giáo dục đào tạo, ai cũng có cơ hội cống hiến, phục vụ đất nước” …(5). Trong thực tiễn suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã luôn quan tâm đào tạo và bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ, Người cho rằng công việc này không chỉ tiến hành trong chốc lát mà phải thực hiện thường xuyên, tỉ mỉ , thận trọng trong một quá trình lâu dài. Vì vậy, người căn dặn không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm mà đào tạo được cán bộ giỏi, cần phải qua công tác đấu tranh , huấn luyện lâu năm mới được. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo Người không chỉ tiến hành trong trường mà còn phải được tiến hành trong quá trình quy hoạch và tạo nguồn, sử dụng cán bộ, bố trí cán bộ, giao trách nhiệm cho cán bộ. Hai quá trình sử dụng và đào tạo cán bộ được nối tiếp, xen kẽ nhau một cách liên tục. Bởi vì sự phát triển của cách mạng là không ngừng, do đó đòi hỏi phải không ngừng đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi để đáp ứng được nhu cầu của cách mạng trong từng thời kì.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển hơn 85 năm qua, Đảng ta luôn luôn quan tâm chăm lo đào tạo các thế hệ cán bộ, lãnh đạo trẻ tuổi để kế tục sự nghiệp cách mạng, Đảng luôn coi nhiệm vụ đào tạo thế hệ lãnh đạo kế cận là nhiệm vụ quan trọng, chiến lược và lâu dài. Những năm gần đây, nhiệm vụ này luôn được Đảng ta nhấn mạnh, cụ thể Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá...”. Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ …. xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược (6).
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định rõ vị trí vai trò quan trọng đặc biệt của cán bộ và công tác cán bộ. Đại hội xác định rằng: “ Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.”. Đảng ta cũng nhấn mạnh rằng : “Tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp uỷ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ...”(7).
Từ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, đào tạo lãnh đạo trẻ, Nhà nước ta đã cụ thể hóa và đưa ra Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”, trong đó có khẳng định: “ Chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao, … Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và trọng dụng tài năng trẻ; hình thành đội ngũ cán bộ - khoa học kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ giỏi trong các cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế - xã hội khác. Ban hành chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, tài năng theo nguyên tắc cạnh tranh công bằng, công khai và minh bạch. Tạo bước đột phá trong việc sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, giỏi…”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong khi trả lời tại cuộc họp báo bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đã nhấn mạnh: “ …Giống như búi tre có 3 lớp, lớp măng, lớp già, lớp bánh tẻ, thế mới ấm gốc mới phát triển bền vững được. Lo trách nhiệm đào tạo cán bộ trẻ là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài và phải có kế hoạch. Vừa rồi, chúng ta đã cố gắng làm 1 bước nhưng phải cố gắng làm tiếp. Tỉ lệ trẻ trong các cơ quan lãnh đạo còn ít. Ở đây không những phải có kết hoạch bài bản mà cần phải có cái tâm, sự quan tâm đến thế hệ trẻ. Người trẻ được đào tạo bài bản nhiều lắm, nhân tài không thiếu. Lớp trẻ được tiếp xúc nhiều phương tiện thông tin hiện đại có nhiều kiến thức hơn chúng tôi ngày xưa” (8).
Hiện nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế càng đi vào chiều sâu, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Cùng với sự phát triển trên lĩnh vực kinh tế, xã hội thì nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ cũng đang được quan tâm xây dựng. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát hiện, tôn vinh và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ có triển vọng, xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trẻ xuất sắc, cán bộ khoa học công nghệ trẻ có trình độ cao làm nòng cốt trong quá trình lãnh đạo thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới. Song công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ phục vụ cho yêu cầu trước mắt và cả lâu dài còn nhiều hạn chế, tình hình, chất lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ vẫn còn nhiều bất cập, nhiều mặt chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển đất nước. Thời gian qua công tác cán bộ chủ yếu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, chưa chăm lo đúng mức việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ một cách cơ bản và lâu dài.
Ngày nay, bối cảnh kinh tế, chính trị và cuộc cách mạng khoa học công nghệ của thế giới tác động sâu sắc tới sự phát triển của đất nước ta, đòi hỏi Đảng ta phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ của thời đại. Để đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp vừa có thuận lợi vừa có khó khăn, thách thức đòi hỏi vai trò của đội ngũ cán bộ là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là phải chủ động đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ đủ điều kiện làm nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là nguồn để đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các nhà khoa học của đất nước trong tương lai.
Thời đại ngày nay, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, vấn đề xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao và tạo nguồn đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết, có liên hệ đến sự hưng vong của nước nhà. Việc đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội và trở thành chiến lược của nhiều nước phát triển. Các nước lớn, phát triển trên thế giới hiện nay như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapo…đều là những nước đặt vấn đề đào tạo lãnh đạo trẻ ở vị trí có ý nghĩa quyết định, mạnh dạn đề ra nhiều chính sách thu hút nhân tài trẻ tuổi kể cả nhân tài ngoài nước để phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Việc đào tạo lãnh đạo trẻ có can hệ tới sự ổn định phát triển lâu dài của đất nước. Với mục tiêu đề ra là tiến tới “Dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” , Đảng ta đang ra sức lãnh đạo nhân dân phấu đấu vì mục tiêu đó. Nhưng việc thực hiện được mục tiêu đó là quá trình lâu dài, gian khổ, phấn đấu không phải ngày mốt ngày hai, cần có nhiều thế hệ người cùng góp sức chung tay thì mới làm việc được. Chính vì vậy phải ra sức đào tạo lớp lớp lãnh đạo trẻ kế tiếp nhau để hoàn thành mục tiêu đó. Đó chính là chiến lược lớn đảm bảo sự phát triển và ổn định lâu dài của đất nước.
3. Đề xuất một số giải pháp, kiến nghị
- Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng chủ trương, chính sách cụ thể để tạo cơ chế cho thanh niên vươn lên trong học tập, rèn luyện, thể hiện, có cơ hội trở thành lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, dành nguồn lực cho hoạt động đào tạo lãnh đạo trẻ.
- Xây dựng và hoạch định chiến lược nhân tài quốc gia trong đó chú trọng phát hiện, tôn vinh, bố trí, sử dụng và đãi ngộ nhân tài trẻ tuổi trên nhiều lĩnh vực.
- Mạnh dạn tuyển dụng, tin tưởng giao trọng trách và bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo đối với những nhân tài trẻ tuổi có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ, năng lực vượt trội, tạo cho họ nấc thang vượt bậc để có thể trở thành nhà lãnh đạo trong độ tuổi thanh niên.
- Xây dựng chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ trong các lĩnh vực, tiến tới mở mã ngành đạo tạo đại học, sau đại học chuyên ngành: Lãnh đạo trẻ.
- Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo lãnh đạo trẻ, đặc biệt phải liên kết đào tạo với các nước có kinh nghiệm, trình độ tiên tiên trong đào tạo lãnh đạo trẻ như: Mỹ, Nhật, Anh, Đức…
Thạc sỹ Ngô Thế Nghị
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam