Sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, “bè phái” trong Đảng

Thứ bảy, 29/04/2023 - 19:05

TNV - Kiểm soát quyền lực giữ vai trò là công cụ điều tiết, bảo đảm cho quyền lực được sử dụng hợp lý, mang lại hiệu quả. Do đó, vấn đề kiểm soát quyền lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến lợi ích sống còn của một dân tộc, sự bền vững của một quốc gia, sự tồn vong của một chế độ. Vì vậy, việc nghiên cứu chỉ ra sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, “bè phái” trong Đảng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực luôn luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng. Đặc biệt, từ sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, vấn đề kiểm soát quyền lực nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm cho sự bền vững của chế độ và sự thắng lợi của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội càng được chú trọng hơn, bắt đầu từ nhận thức về sự cần thiết, ý nghĩa, yêu cầu và phương pháp, cách tiếp cận vấn đề kiểm soát quyền lực chính trị. Theo đó, Ðại hội XIII của Ðảng đã đặt ra yêu cầu: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. Ðiều này thể hiện quyết tâm chính trị của Ðảng nhằm xây dựng, phát triển một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực.

Khi không kiểm soát được quyền lực dẫn đến lạm quyền, xuất hiện “lợi ích nhóm”. Có thể thấy “lợi ích nhóm” đã tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành, lĩnh vực, gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước và xã hội. Theo liền đó, “lợi ích nhóm” đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sống thiếu lý tưởng, hoài nghi vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, thậm chí thờ ơ, bàng quan trước những thay đổi về đời sống chính trị thế giới và trong nước, vô cảm trước tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi bức xúc của nhân dân; xuyên tạc, phủ nhận, đòi xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; dẫn đến nhiều địa phương, nhiều cấp ủy không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, làm trái với nguyên tắc, Điều lệ, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hình thành bè cánh, phe phái trong Đảng, phá vỡ sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức, làm suy giảm năng lực lãnh đạo và chiến đấu của tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Từ vai trò của quyền lực nhà nước đối với hoạt động quản lý, điều hành mọi hoạt động của xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức, chỉ rõ trong các nghị quyết rằng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trong khi nhân dân không trực tiếp nắm giữ tất cả, mà chỉ nắm giữ một số vấn đề then chốt, còn lại là ủy quyền cho nhà nước quản lý và sử dụng quyền lực để bảo vệ và phục vụ nhân dân, xây dựng một quốc gia hùng cường, phát triển. Tuy nhiên, trong lịch sử do cơ chế kiểm soát quyền lực thiếu chặt chẽ, dẫn đến không ít trường hợp những người (hoặc nhóm người) đã cướp đoạt quyền lực của nhân dân, biến nhân dân thành đối tượng bị cai trị; nhân dân sau khi ủy quyền thì mất quyền, còn người được ủy quyền thì dần dần bị quyền lực làm tha hóa, họ sử dụng quyền lực không phải để bảo vệ và phục vụ nhân dân như mục đích ban đầu, mà vì lợi ích của cá nhân, gia đình, dòng họ, của một nhóm người đã sử dụng quyền lực để chèn ép, ức hiếp, tước đoạt lợi ích chung của nhân dân lao động.

Trước hết, quyền lực nhà nước là công cụ hữu hiệu bậc nhất để tập hợp lực lượng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu như quyền lực ấy được trao cho những con người có nhân cách tốt, có phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng, luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân thì sẽ thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên, những con người nắm giữ quyền lực và bộ máy sử dụng quyền lực bị tha hóa, biên chất, năng lực lãnh đạo, quản lý yếu kém và không có cơ chế tốt để kiểm soát quyền lực sẽ gây hậu quá nghiêm trọng đến sự tồn vong của dân tộc. Lịch sử nước ta đã từng có nhiều lần do tha hóa quyền lực mà dẫn đến mất nước. Cơ bản các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng bị sụp đổ vì tha hóa quyền lực. Triều đại sau được dân chúng ủng hộ lên thay, rồi cũng tha hóa tương tự, lặp lại như cũ. Ngay cả những triều đại đã một thời rất huy hoàng, có công lao to lớn bậc nhất với lịch sử dân tộc nhưng sau đó cũng tha hóa và sụp đổ (như nhà Lý, nhà Trần, Hậu Lê chẳng hạn).

Do đặc tính tha hóa từ trong bản chất tự nhiên của con người và quyền lực. Có những người lúc đầu (khi chưa có quyền lực) thì tốt, nhưng khi đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư hỏng, thành người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì lợi ích thấp hèn của cá nhân. Cá biệt có những người thay đổi bản chất rất nhanh, chỉ sau một lần bỏ phiếu, họ gần như trở thành một người khác hẳn, từ dáng đi, cách nói, cách bắt tay,... đều tỏ ra vẻ “oai vệ” hơn, “bề trên” hơn. Khi người ta đến được đỉnh cao của “chiến thắng” trong quyền lực thì đấy là lúc người ta bắt đầu thua, mà trước tiên là thua chính mình. Trên đỉnh cao của quyền lực ít ai nhìn thấy tai họa ẩn chứa vốn có từ bên trong quyền lực ấy, nếu không phải là người lãnh đạo có nhân cách lớn, minh triết uyên thâm, có khả năng vượt qua chính mình và ma lực cám dỗ của quyền lực, để tịnh tâm nhìn xa trông rộng. Khi đã có trong tay tất cả thì đấy cũng là lúc tự mình bắt đầu đánh mất dần chính bản thân, tốt đẹp chân chính trước đó.

Việc kiểm soát quyền lực nhằm bảo đảm cho quyền lực luôn thuộc về đúng chủ nhân của nó, tức là thuộc về nhân dân, được sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm quyền. Khi quyền lực bị lạm dụng thì tất yếu sẽ làm tha hóa bộ máy cầm quyền, và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tha hóa đạo đức xã hội. Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn mất ổn định chính trị, thậm trí nguy cơ  sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và quyền lực không được lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể tránh khỏi. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, nếu có yếu tố bên ngoài cũng chỉ là sự hà hơi tiếp sức mà thôi.

Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa chính là quyền lực thật sự thuộc về nhân dân. Đó chính là cơ sở, nền tảng cho một nền chính trị thật sự tốt đẹp và bền vững. Thực tế lịch sử nhân loại đã cho thấy: nhà nước của chủ nô, của vua chúa và các tập đoàn phong kiến, nhà nước của mô hình tập trung quyền lực vào một nhóm người bị tha hóa, biến chất, xa rời bản chất cách mạng, xa rời nhân dân và nhà nước của tài phiệt (tư bản hoang dã thời kỳ đầu) cuối cùng đều phải ngã đổ và kết thúc. Chỉ có nhà nước thật sự của nhân dân thì mới bền vững lâu dài, vì “dân là vạn đại”. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực vừa là giá trị nhân văn của một xã hội tiến bộ, phòng, chống sự tha hóa của nhà nước và xã hội, vừa là để thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính.

Khi quyền lực không được kiểm soát thì mặt trái của nó chính là tác nhân quan trọng nhất làm tha hóa cán bộ, tha hóa những con người được trao quyền lực, rồi tha hóa cả bộ máy, làm cho bộ máy bị biến chất, không còn là nhà nước của nhân dân, mà dần dần thành nhà nước đi ngược lại lợi ích nhân dân. Trong bất kỳ điều kiện nào, sự tha hóa quyền lực ở cán bộ và các cơ quan đều là nguyên nhân lớn nhất làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa suy đồi, dân tộc bị mất dần sức mạnh nội sinh, xã hội trì trệ và quốc gia không thể hưng thịnh, không có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu xã hội chủ nghĩa tốt đẹp mà nhiều người đã từng mong ước cũng trở nên xa vời.

Thực tiễn Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần đề ra chủ trương, biện pháp kêu gọi chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực, tập trung nhiều công sức để giải quyết công việc khó khăn, phức tạp này, nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế, tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm” đang còn khá phổ biến và diễn biến phức tạp, gây nhức nhối, bất bình trong xã hội. Nó cứ lan rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước nay thường được cho là trong sạch, thiêng liêng như lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh quốc gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách “đền ơn đáp nghĩa”,... Trong đó, nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất là quyền lực về cơ bản chưa được kiểm soát có hiệu quả, từ đó dẫn đến tình trạng tha hóa, chia bè phái, “lợi ích nhóm” trong một bộ phận cán bộ và các tổ chức thuộc bộ máy lãnh đạo, quản lý của Nhà nước.

Như vậy, các cơ chế, thể chế kiểm soát quyền lực trong nội bộ Đảng, Nhà nước hay trong toàn xã hội đều gắn liền, đan xen hoặc bao hàm trong các nguyên tắc, chế độ tổ chức hoạt động của các thành tố kiến tạo hệ thống chính trị ở nước ta. Trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, các cơ chế, thể chế kiểm soát quyền lực của mỗi thành tố trong hệ thống chính trị phần lớn đều liên quan, có sự tác động, hỗ trợ cho nhau. Hiện nay, các cơ chế, thể chế về kiểm soát quyền lực chính trị ở nước ta không ngừng được hoàn thiện, chặt chẽ, thống bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó, tác động tích cực đến quá trình xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.

ThS Phạm Hồng Hải