Nhóm 11 thượng nghị sỹ đương nhiệm và đắc cử của đảng Cộng hòa (GOP) cho biết họ sẽ bỏ phiếu phản đối lá phiếu đại cử tri đoàn ở một số bang trong cuộc họp chung của Quốc hội Mỹ ngày 6/1 tới, viện dẫn những lá phiếu này sẽ không “được xác nhận một cách hợp pháp” nếu Quốc hội không chỉ định một ủy ban khẩn cấp để tiến hành xác minh lại kết quả bầu cử.
Nhóm 11 thượng nghị sỹ đương nhiệm và đắc cử của GOP cho biết họ sẽ bỏ phiếu phản đối lá phiếu đại cử tri đoàn ở một số bang trong cuộc họp chung của Quốc hội Mỹ ngày 6/1 tới. Ảnh: Fox News
Mặc dù được dự báo sẽ không thành công, nhưng tất cả những thách thức này có thể làm chậm quá trình xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden và tạo cơ hội cho các đồng minh của ông Trump thể hiện lòng trung thành với Tổng thống sắp mãn nhiệm.
Động thái này cũng khoét sâu thêm những bất đồng trong nội bộ đảng Cộng hòa trong việc có chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống 2020 là hợp pháp hay không. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell và một số lãnh đạo khác của GOP tại Thượng viện đã chúc mừng Tổng thống đắc cử đảng Dân chủ Joe Biden và kêu gọi các đồng nghiệp không nên tham gia vào các nỗ lực nhằm gây tranh cãi về kết quả bầu cử.
Theo luật, Quốc hội Mỹ sẽ tổ chức phiên họp chung vào ngày 6/1 tới để xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden với 306 phiếu đại cử tri trước Tổng thống Trump với 232 phiếu. Sự phản đối của các Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa dự kiến sẽ khiến lưỡng viện quốc hội phải tranh luận và đi đến cuộc bỏ phiếu về vấn đề này.
Những nỗ lực thách thức lá phiếu đại cử tri cần phải được phần lớn các thành viên tại Thượng viện và Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, điều này sẽ khó xảy ra khi đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện. Còn tại Thượng viện, không phải tất cả các thượng nghị sỹ GOP (đảng đang chiếm đa số) đều ủng hộ kế hoạch này.
Các thượng nghị sỹ GOP tham gia vào nỗ lực thách thức kết quả bầu cử gồm các thượng nghị sỹ đương nhiệm: Ted Cruz của bang Texas, Ron Johnson của bang Wisconsin, James Lankford của bang Oklahoma, Steve Daines của bang Montana, John Kennedy của bang Louisiana, Marsha Blackburn của Tennessee và Mike Braun của Indiana. Các thượng nghị sỹ đắc cử tham gia vào nỗ lực này gồm có Cynthia Lummis của bang Wyoming, Roger Marshall của bang Kansas, Bill Hagerty của bang Tennessee và Tommy Tuberville của bang Alabama.
Không lật ngược kết quả bầu cử, mà “đánh” vào cáo buộc gian lận
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 2/1, các thượng nghị sỹ đương nhiệm và đắc cử này nói rằng, cần phải có một ủy ban khẩn cấp, vì cuộc bầu cử tổng thống đầy rẫy những cáo buộc chưa từng thấy về gian lận, vi phạm luật bầu cử và những bất thường trong việc bỏ phiếu. Tuyên bố này không đưa ra bất cứ bằng chứng nào về gian lận, nhưng cho rằng các cáo buộc tràn lan là đủ để làm giảm độ tin cậy vào hệ thống bầu cử và Quốc hội Mỹ cũng từng có tiền lệ giải quyết những cáo buộc tương tự.
Trong tuyên bố của mình, nhóm nghị sỹ đảng Cộng hòa nói rằng hành động của họ sẽ không thay đổi kết quả bầu cử tổng thống. Họ cũng không tìm cách “cản trở tiến trình dân chủ” mà là tìm cách khôi phục niềm tin của người Mỹ vào hệ thống này.
“Chúng tôi không phải là những người ngây thơ. Chúng tôi hoàn toàn dự đoán được hầu hết - nếu không muốn nói là tất cả các thành viên đảng Dân chủ, và có thể không chỉ có một vài thành viên đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu khác chúng tôi. Nhưng sự ủng hộ đối với tính toàn vẹn của cuộc bầu cử không nên là một vấn đề đảng phái. Một cuộc xác minh công bằng và đáng tin cậy – được tiến hành một cách nhanh chóng và hoàn tất trước ngày 20/1 sẽ giúp cải thiện niềm tin của người Mỹ vào tiến trình bầu cử và sẽ củng cố đáng kể tính hợp pháp của người sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của chúng ta”, tuyên bố cho biết.
Thượng nghị sỹ Amy Klobuchar của bang Minnesota, thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban các quy tắc Thượng viện, ủy ban có thẩm quyền ra quyết định về các cuộc bầu cử liên bang, cho biết trong một tuyên bố ngày 2/1 rằng, ông Biden sẽ tuyên thệ vào ngày 20/1 và “không có thách thức công khai nào có thể thay đổi điều đó.
Bà Klobuchar nói rằng: “Đối với nhóm thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa - những người tuyên bố rằng họ muốn có một ủy ban liên bang ra quyết định thay cho sự xác nhận của các bang khi mà các lá phiếu đã được kiểm, được kiểm lại, bị kiện tụng và cuối cùng là được giới chức bang xác nhận cuối cùng, điều đó sẽ chẳng đem lại điều gì ngoài nỗ lực phá hoại ý nguyện của các cử tri. Làm như vậy là phi dân chủ và phi nước Mỹ. Thật may mắn là điều đó sẽ không thành công. Cuối cùng, dân chủ sẽ thắng thế”.
Sự chia rẽ nội bộ GOP và những tính toán vì tương lai chính trị
Các thành viên đảng Cộng hòa bị đặt vào tình huống khó xử, buộc họ phải lựa chọn giữa việc chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử dân chủ - cho dù điều đó sẽ khiến ông Trump và những người ủng hộ ông giận dữ - và tham gia vào các nỗ lực của đồng nghiệp để thể hiện lòng trung thành với ông Trump.
Câu đố này đặc biệt chính xác đối với Phó Tổng thống Pence, người đóng vai trò Chủ tịch Thượng viện chủ trì cuộc họp ngày 6/1. Tuy nhiên những tham vọng chính trị tương lai của ông cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc.
Chánh văn phòng của Phó Tổng thống Mike Pence, ông Marc Short, cho biết, ông Pence “chia sẻ mối lo ngại của hàng triệu người Mỹ về gian lận bầu cử và những bất thường trong cuộc bầu cử vừa qua, đồng thời hoan nghênh nỗ lực của các thành viên Hạ viện và Thượng viện sử dụng thẩm quyền mà họ có theo luật để nêu lên sự phản đối và đem lại bằng chứng trước Quốc hội và người dân Mỹ vào ngày 6/1”.
Trong số các Thượng nghị sỹ muốn “lật kèo” bầu cử, Lankford, Johnson và Kennedy đều sẽ tham gia tái tranh cử vào năm 2022. Những người bỏ phiếu phản đối Trump và xác nhận chiến thắng của ông Biden có thể sẽ gặp những thách thức trong cuộc tái tranh cử vào Thượng viện.
Thượng nghị sỹ GOP bang Nebraska Ben Sasse đã lên tiếng chỉ trích nỗ lực này và gọi đây là “âm mưu nguy hiểm” với ý định tước quyền bầu cử của hàng triệu người Mỹ. Ông cáo buộc các đồng nghiệp đảng Cộng hòa đã tính toán chính trị theo hướng có lợi cho sự nghiệp của mình bất chấp sự thật nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ những người ủng hộ ông Trump.
Trong khi đó, John Holmes, nhà chiến lược gia của đảng Cộng hòa, đồng thời là cựu chánh văn phòng của ông McConnell cảnh báo những người tham gia vào nỗ lực này sẽ phải hối tiếc vì lập trường của mình.
“Rất hiếm khi bạn có thể dự đoán với sự chắc chắn 100% rằng những năm tới tất cả những người đi theo con đường này sẽ mong muốn được thực hiện lại những gì mình đã làm”, ông Holmes cho biết trên Twitter.
Tuyên bố của nhóm nghị sỹ đảng Cộng hòa muốn thách thức kết quả bầu cử được đưa ra sau khi Thượng nghị sỹ Josh Hawley cho biết ông sẽ cùng Hạ nghị sỹ Mo Brooks và các thành viên khác của GOP tại Hạ viện phản đối kết quả phiếu đại cử tri trong phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 6/1 tới.
Nhóm này không nói họ sẽ phản đối kết quả phiếu đại cử tri của bang nào, tuy nhiên, nhóm đại cử tri ủng hộ ông Trump đã bỏ phiếu mang tính tượng trưng ở 7 bang mà ông Trump thua, với hy vọng Quốc hội sẽ chấp nhận lá phiếu của họ thay vì lá phiếu của nhóm đại cử tri đã bầu cho ông Biden. Nếu nhóm nghị sỹ GOP thách thức kết quả của 7 bang này và yêu cầu mỗi ý kiến khiếu nại đối với 1 bang cần phải tranh luận tối đa 2 tiếng, thì quá trình xác nhận người đắc cử tổng thống có thể kéo dài qua ngày 6/1.
Các nghị sỹ khác trong đảng Cộng hòa bày tỏ cảnh báo rằng, hành động của những người đồng nghiệp sẽ dấy lên nghi ngờ về cuộc bầu cử dân chủ.
Thượng nghị sỹ Pat Toomey trong một tuyên bố ngày 2/1 cho biết: “Yếu tố cơ bản của một nền cộng hòa dân chủ là quyền của người dân được bầu ra lãnh đạo của mình. Nỗ lực của các thượng nghị sỹ như Hawley, Cruz và những người khác nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống ở các bang dao động như Pennsylvania là trực tiếp phá hoại quyền này”.
Ông Toomey nói rằng nhóm Thượng nghị sỹ đương nhiệm và đắc cử GOP đã điều chỉnh kế hoạch theo hướng có nhiều gian lận bầu cử, nhưng theo ông, “Họ đã không thừa nhận rằng những cáo buộc này đã được phân xử tại các phòng xử án trên khắp nước Mỹ và đã được kết luận là không có bằng chứng chứng minh”.
“Có nhiều nền tảng hiến pháp và pháp lý chắc chắn để nói rằng: Anh đã kiện ra tòa, 60 vụ kiện khác nhau ở các tòa án cấp bang, và anh cũng có cơ hội kháng cáo lên Tòa án tối cao, và như tôi đã trích dẫn luật, một khi các bang đã xác nhận, thì lá phiếu đại cử tri của bang đó mới có tính quyết định”, Thượng nghị sỹ Cộng hòa bang Texas John Cornyn cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 1/1.
Cuộc bỏ phiếu vì lương tâm hay lòng trung thành với Trump?
Trong một cuộc họp trực tuyến gần đây, ông McConnell đã nói với các đồng nghiệp GOP rằng cuộc bỏ phiếu ngày 6/1 sẽ là cuộc bỏ phiếu “có lương tâm” nhất trong sự nghiệp của ông.
Thượng nghị sỹ bang Utah Mitt Romney coi tuyên bố của ông McConnell là thể hiện niềm tin rằng cuộc bỏ phiếu xác nhận chiến thắng của Biden sẽ là cuộc trưng cầu ý dân đối với nền dân chủ của nước Mỹ. Tuy nhiên các thượng nghị sỹ coi đó là lời cho phép bỏ phiếu cho dù lương tâm họ quyết định như thế nào.
“Như ông ấy [McConnell] đã nói, đây là một cuộc bỏ phiếu của lương tâm, đó là lựa chọn của cá nhân bạn, và vì thế tôi nghĩ đó là cách mà bạn sẽ nhìn nhận về cuộc bỏ phiếu”, Thượng nghị sỹ Shelley Moore Capito cho biết.
Bà Capitol cho biết, bà không coi quyết định phản đối của Thượng nghị sỹ Hawley là thách thức lại lãnh đạo đảng Cộng hòa, cho dù Thượng nghị sỹ Mitch McConnell đã kêu gọi không tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử.
Các trợ lý của GOP tại Thượng viện cho biết, có một áp lực mơ hồ đối với các nghị sỹ, những người nhận được vô số các cuộc điện thoại và email từ những người ủng hộ và tài trợ của ông Trump, cũng như các lời cầu xin từ các tổ chức của đảng cộng Hòa ở các địa phương, nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.
Ông Trump đã chỉ trích các nghị sỹ GOP mà ông cho là không ủng hộ kế hoạch của các đồng minh của ông nhằm thách thức lá phiếu đại cử tri vào ngày 6/1. Trong 2 tuyên bố gần đây trên Twitter, ông thậm chí còn kêu gọi cử tri không bỏ phiếu cho nhân vật số 2 của GOP tại Thượng viện John Thune – Thượng nghị sỹ của bang Nam Dakota, khi ông này tái tranh cử năm 2022. Ông Thune đã tuyên bố rằng, bất cứ nỗ lực nào nhằm cản trở việc chứng nhận chiến thắng của ông Biden tại cuộc họp chung của lưỡng viện Quốc hội cũng đều sẽ thất bại.
Thượng nghị sỹ Lisa Murkowski cho biết, bà “rất thất vọng” khi Tổng thống đang đặt chính các thành viên của đảng Cộng hòa vào thế đối đầu với nhau. Bà cho biết bà sẽ bỏ phiếu xác nhận chiến thắng của ông Biden./.
Hoàng Phạm/VOV.VNTheo Wall Street Journal, Politico, New York Times