
Ảnh minh họa
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam rất phong phú chứa đựng lý luận trên nhiều lịnh vực. Nó còn được xem là cẩm nang, là kinh nghiệm quý báu cho cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển của người Việt Nam khi khoa học chưa phát triển cao. Trong lịch sử dân tộc, ca dao, tục ngữ có tác dụng nhất định trong lao động sản xuất, trong đấu tranh chống thiên tai, địch họa, khơi dậy tinh thần đoàn kết, góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam. Ngày nay, một phần ca dao, tục ngữ của dân tộc ở vài khía cạnh bị coi là lạc hậu nhưng phần lớn vẫn còn nguyên giá trị, nhân dân ta vẫn sử dụng chúng như những phương tiện để nhận thức về thế giới, về cuộc sống, coi đó là chân lý, là lẽ sống mặc dù cuộc sống hiện tại đã là thời đại mà khoa học kĩ thuật đang phát triển từng ngày.
Thời gian qua, dạy học lý luận chính trị có nhiều chuyển biến tích cực tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố bất cập cần phải tiếp tục nghiên cứu và giải quyết. Một trong những bất cập, hạn chế của việc giảng dạy Triết học hiện nay là có một bộ phận không nhỏ giảng viên chưa có thói quen lấy ví dụ minh họa để làm cho bài giảng sinh động, thuyết phục hơn. Thực tiễn giảng dạy cho thấy, khi bài giảng không có sự gắn kết lý thuyết với thực tiễn thông qua các tư liệu, dẫn chứng, ít ví dụ minh họa dẫn đến bài giảng đơn điệu, sinh viên khó hiểu. Mặc dù, triết học là hệ thống những quy luật chung nhưng các quy luật chung đó phải được thể hiện trong những cái cụ thể. Vì vậy cần phải gắn triết học với các chuyên ngành bằng những ví dụ, dẫn chứng cụ thể. Giảng viên cần là người đi đầu trong tự học, tự nghiên cứu, tìm tài liệu và sử dụng các phương tiện dạy học. Văn học dân gian nói chung và ca dao, tục ngữ nói riêng là kho tư liệu quý, chứa đựng những tư tưởng triết học, tư duy biện chứng rất sâu sắc dễ tìm kiếm nhưng giảng viên ít chú ý khai thác.
Với mong muốn làm sáng tỏ thêm yếu tố triết học trong ca dao, tục ngữ Việt Nam và vận dụng vào giảng dạy Triết học, bài viết gợi ý cách thức dùng ca dao, tục ngữ thể hiện tư tưởng triết học của người Việt Nam.
2. NỘI DUNG
2.1. Sử dụng ca dao, tục ngữ minh họa vài vấn đề cơ bản của Triết học
2.1.1. Sử dụng ca dao, tục ngữ minh họa về quan điểm duy vật, quan điểm duy tâm trong triết học
Việt Nam cũng giống như các dân tộc phương Đông khác, về mặt triết học thường ít bàn về thế giới quan mà chủ yếu bàn về nhân sinh quan. Do đó, vấn đề duy vật và duy tâm khà mờ nhạt so với triết học phương Tây. Một số câu ca dao, tục ngữ đã chứng minh rằng, từ xa xưa, người Việt ta đã có những câu hỏi và lý giải mang tính triết học rất cao. Những câu hỏi mà người Việt đặt ra trong quá trình tác động vào thế giới khách quan thường là vũ trụ này do đâu mà có? Tại sao có mưa, nắng, sông núi,… Từ xưa, ông cha ta đã có quan niệm mang tính duy vật sâu sắc, không viện dẫn đến thần linh khi cho rằng nguồn gốc của trời đất, muôn loài là do có sự hòa hợp, kết hợp giữa hai mặt đối lập khác biệt nam, nữ, âm, dương hợp thành.
Non cao ai đắp mà cao? Sông kia ai bới, ai đào mà sâu? Nước non là nước non trời
Ai ngăn được nước ai dời được sông?
Mặc dù chưa lý giải được nguồn gốc của vũ trụ nhưng ông cha ta có quan điểm duy vật khi cho rằng thế giới vật chất tồn tại khách quan, không do thần linh nào tạo ra, độc lập với ý thức con người. Khẳng định vai trò làm chủ bản thân, làm chủ vận mệnh của mình, số mình do mình tự tạo ra, hạnh phúc do mình tự tìm đến. Khuyên con người trong nhận thức và hành động cần phải bám sát thực tiễn, phải xuất phát từ thực tế khách quan.
Thức đêm mới biết đêm dài Lội sông mới biết sông nào cạn sâu.
Bên cạnh những quan niệm mang tính duy vật chất phác, ông cha ta cũng có quan niệm mang tính duy tâm rõ nét khi thần thánh hóa sức mạnh của Ông Trời. Đối với họ, Ông Trời là một lực lượng siêu tự nhiên có thể thông hiểu cuộc sống con người, có sức mạnh vô cùng và có thể chi phối cuộc sống con người. Theo quan niệm của ông cha ta thì Ông Trời không phải là nguồn gốc vạn vật mà chỉ là người bênh vực lẽ phải, trừng trị kẻ xấu. Ông Trời đóng vai trò phân xử, chi phối cuộc sống con người mà thôi. Từ chỗ đó, cho rằng số phận con người không thể thay đổi được nên người nghèo có tư tưởng an phận thủ thường, thậm chí tự ti.
Cây khô thì lá cũng khô,
Phận nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo
Không những vậy, ông cha ta còn hình thành nên quan niệm duy tâm về số phận con người, xem mỗi người đều có số phận. Đồng thời, phủ nhận vai trò giáo dục, cho rằng tính người do trời định.
Người sang tại phận
Hoặc:
Cha mẹ sinh con trời sinh tính
2.1.2. Sử dụng ca dao, tục ngữ minh họa tư tưởng biện chứng, tư tưởng siêu hình
Từ xưa, ông cha ta đã có cách nhìn tổng thể về bức tranh sinh động của thế giới vật chất. Đó là tính thống nhất trong sự vận động, biến đổi và phát triển không ngừng của thế giới, đó là các sự vật luôn nằm trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Từ sự quan sát các hiện tượng tự nhiên trong đời sống thường ngày, ông cha ta đã thấy được sự tác động qua lại giữa các sự vật hiện tượng, có sự ràng buộc nhất định giữa chúng. Đó chính là mối liên hệ phổ biến, tính nhân quả, sự vận động và phát triển không ngừng của thế giới tự nhiên, xã hội. Họ cũng thể hiện rõ tư tưởng biện chứng khi cho rằng thời cuộc thay đổi, cuộc sống con người cũng thay đổi không có cái gì là vĩnh viễn.
Có cây mới có dây leo,
Có cột có kèo mới có đòn tay.
Hay:
Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.
Tư tưởng biện chứng, ý nói mối liên hệ lẫn nhau giữa các thành viên trong dòng họ
Một người làm quan cả họ được nhờ
Tư tưởng biện chứng cho rằng, con người luôn chịu ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Sự vật, hiện tượng luôn thay đổi, không có cái gì là bất biến.
Người có lúc vinh lúc nhục, Nước có lúc đục lúc trong.
Nhờ có phương pháp tư duy biện chứng và khả năng quan sát tinh tế mà ông cha ta đã đúc rút được kinh nghiệm, dự đoán về thời tiết, khí hậu khá chính xác nhằm phục vụ cho lao động sản xuất và cuộc sống của mình. Mặt khác, tư duy biện chứng giúp cho họ thích nghi với hoàn cảnh, hạn chế đến một mức độ nhất định thiệt hại do hiện tượng tự nhiên gây ra.
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm
Trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, còn có rất nhiều câu thể hiện tư tưởng duy tâm, siêu hình, phản ảnh đời sống thực tiễn của xã hội bất công trong chế độ phong kiến. Thân phận những người nghèo khổ bị oan ức không thể bày tỏ được với người có quyền lực. Điều đó trở thành nguồn gốc của tư tưởng siêu hình, sống chỉ biết bản thân mình, không có mối liên hệ, quan tâm tới người khác.
Thân ai nấy lo, phận ai nấy giữ. Đèn nhà ai nấy sáng.
2.1.3. Sử dụng ca dao, tục ngữ minh họa về các phạm trù, quy luật triết học
Qua quá trình lao động, ông cha ta hiểu rằng, không chỉ có thế giới tự nhiên mới có mối liên hệ, ảnh hưởng qua lại mà ngay trong đời sống xã hội cũng diễn ra vô số sự tác động qua lại, chằng chịt lẫn nhau. Bằng việc quan sát những hiện tượng riêng lẻ rồi đi đến phán đoán những thuộc tính, đặc điểm mang tính bản chất, quy luật vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. Ông cha ta đã phản ánh được một số khía cạnh, biểu hiện của các phạm trù, quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật như quy luật lượng chất, quy luật mâu thuẫn, quy luật phủ định của phủ định. Nói về mối quan hệ đối lập, mâu thuẫn giữa bản chất và hiện tượng. Bề ngoài xấu xí, ăn nói không khéo nhưng bản chất tốt. Nói về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Trong mối quan hệ đó ong cha ta coi trọng vẻ đẹp tâm hồn (nội dung) hơn là vẻ đẹp bên ngoài (hình thức).
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
Nói về mối quan hệ nhân quả. Hệ thống gia đình tổ tông, cố ông... như cây có gốc như sông có nguồn nên cần phải biết ơn dòng họ, tổ tông, ông bà.
Con người có cố có ông,
Như cây có cội như sông có nguồn.
Giải thích sự vận động của vật chất có nguyên nhân và kết quả, ông cha ta cho rằng:
Nguồn đục, dòng cũng đục
Nói về phạm trù tất nhiên ví như nước trong tự nhiên bao giờ cũng chày từ cao xuống thấp, từ chỗ cạn xuống chỗ sâu, ông cha ta minh chứng: Nước chảy chỗ trũng.
Khi nói về quá trình tích lũy về lượng dẫn đến thay đổi về chất, ông cha ta lại lý giải bằng nhiều cách như: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao; Nước chảy đá mòn, Có công mài sắt có ngày nên kim; Kiến tha lâu đầy tổ; Tích tiểu thành đại;…
Hay khi nói đến sự phủ định của phủ định thì đó là Tre già măng mọc,
Hoặc khi nói về quy luật vận động và phát triển của thế giới vật chất. Cái mới luôn tiến bộ, tốt đẹp hơn, hợp lý hơn do sự kế thừa và phát triển từ cái cũ có loại đi cái lạc hậu, không hợp lý, ông cha ta khẳng định:
Hậu sinh khả úy
Hoặc
Không thầy đố mày làm nên.
Còn khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm cần giải quyết mâu thuẫn bằng đấu tranh thì: Tức nước vỡ bờ; hay Con giun xéo lắm cũng oằn;…
2.2. Một số lưu ý khi sử dụng ca dao, tục ngữ trong giảng dạy Triết học
Một là, giảng viên giảng dạy Triết học nên căn cứ vào nội dung bài học và ngành học của sinh viên để lựa chọn những câu ca dao, tục ngữ tiêu biêu, gần gũi với chuyên ngành sinh viên, vừa làm sáng tỏ nội dung bài học, giúp sinh viên dễ tiếp thu và liên hệ thực tiễn.
Hai là, kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam phong phú và đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, giảng viên cần linh hoạt khi sử dụng, kết hợp với nhiều phương pháp dạy học tích cực như đàm thoại, thảo luận, gợi ý để sinh viên chủ động tìm kiếm thêm ca dao tục ngữ để ví dụ, minh họa. Điều này giúp sinh viên nắm nội dung, hiểu bản chất và vận dụng tốt các nội dung học tập trong cuộc sống.
Ba là, giảng viên không nên tuyệt đối vai trò của ca dao, tục ngữ trong liên hệ thực tiễn mà có thể lồng ghép nhiều cách ví dụ khác như các hiện tượng tự nhiên, vấn đề xã hội,… Nghĩa là, giảng viên không nên lạm dụng quá nhiều vào việc trích dẫn ca dao, tục ngữ trong các giờ giảng vì như thế sẽ có thể phản tác dụng, dẫn đến nhàm chán, đơn điệu.
3. KẾT LUẬN
Thực tế nghiên cứu và vận dụng từ các môn học khác nhau cho thấy rằng: ca dao, tục ngữ Việt Nam có giá trị to lớn trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam và trong đời sống của nhân dân ta ở nhiều phương diện khác nhau. Từ sự phát triển của dân tộc, nó đã trở thành công cụ hữu hiệu để nhận thức, cải tạo thế giới và phù hợp với sự phát nền nông nghiệp. Hiện nay, khoa học kĩ thuật đã tiến bộ hơn rất nhiều, hiểu biết của con người ngày càng mở rộng và sâu sắc nhưng những giá trị nhân văn và bài học về tính triết lý trong ca dao, tục ngữ vẫn còn nguyên giá trị. Sử dụng ca dao, tục ngữ là một phương pháp, cách thức liên hệ thực tiễn hết sức sống động, dễ đi vào lòng người, dễ tác động tích cực đến sinh viên trong dạy học Triết học nhằm góp phần nâng cao chât lượng dạy học các môn khoa học chính trị ở Trường Đại học An Giang hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Giáo trình Triết học Mác - Lênin, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Nguyễn Lân (2010), Từ điển Thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Vũ Ngọc Phan (2023), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học, Tp Hồ Chí Minh
Th.s Huỳnh Ngọc An - Trường Đại học An Giang, ĐHQG-HCM