TNV - Những năm gần đây, du lịch đang có sự phát triển mạnh, đóng góp nhất định vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt là một số mô hình du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh. Những di sản văn hoá vật thể, phi vật thể đang trở thành nguồn lực tạo nên sản phẩm du lịch.
Bà con dân tộc Sán Dìu đi dự ngay Hội của dân tộc mình, được tổ chức tại ATK Định Hóa. Ảnh: Phan Thái.
Theo Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch: Tỉnh Thái Nguyên hiện có 46/54 dân tộc sinh sống, trong đó có 8 dân tộc đông dân nhất là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa, tập trung chủ yếu ở các huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hoá, Đại Từ và Phú Lương. Đồng bào các dân tộc còn bảo lưu nhiều giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, phong tục tập quán phong phú, đa dạng, đa sắc, đây chính là nguồn tài nguyên văn hoá có thể khai thác phục vụ cho ngành du lịch phát triển.
Tại các huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (Võ Nhai, Định Hoá, Phú Lương, Đại Từ) có tổng số 49 di tích lịch sử Quốc gia và nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh. Nổi bật nhất, đồng thời là điểm nhấn cho ngành du lịch phát triển là quần thể di tích thuộc an toàn khu Định Hoá - Trung tâm của an toàn khu Trung ương là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bên cạnh những di tích lịch sử, trong vùng còn có cảnh quan bản làng, các đặc sắc của đồng bào các dân tộc Nùng, Dao, Tày, Mông, Sán Chí, Sán Dìu.
Múa Khèn
Cùng với đó là nguồn tài nguyên văn hoá phi vật thể phong phú của đồng bào các dân tộc. Được biết: Từ năm 2017, ngành Văn hóa đã hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh. 17 di sản văn hoá phi vật thể được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, trong đó, nhiều di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào các dân tộc, như: Múa Tắc xình; Hát Sấng Cọ và Lễ hội cầu mùa của người Sán Chay; Nghệ thuật Khèn của người Mông (Phú Lương và Đồng Hỷ); Hát Sọong Cô; Nghi lễ Hét khoăn, Nghi lễ Cấp sắc của người Nùng (Đồng Hỷ); Rối cạn ở Ru Nghệ và Thẩm Rộc; Nghi lễ Then; Lễ hội Lồng Tồng; lượn cọi của người Tày (Định Hóa); Lễ Cấp sắc; Nghi lễ Tết nhảy của người Dao; Lễ Cấp Sắc của người Sán Dìu; Hát Pả Dung của người Dao (Đại Từ)... Cùng với đó, hằng năm Sở thành lập các đoàn nghệ nhân tham gia các hoạt động tại Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc; Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tại các tỉnh: Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang…
Cơ sở làm Du lịch của gia đình ông Ma Đình Soạn ở Bản Quyên, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa luôn có khách đến. Ảnh Hồng Vân.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương lựa chọn, tạo điều kiện cho các nghệ nhân của tỉnh đến sinh sống và tham gia các hoạt động Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc”; “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”... tại Làng văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Cũng trong những năm gần đây, cơ quan chuyên môn đã tiến hành nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học để góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của tỉnh, tiêu biểu như: Đề tài Điều tra, thăm dò, khai quật khảo cổ học một số hang động ở xã Bình Long và vùng phụ cận của huyện Võ Nhai; Đề tài Sử dụng ca dao, đồng dao trong giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo là người dân tộc thiểu số; Đề tài Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của một số dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên qua xây dựng mô hình và tổ chức hoạt động nhà văn hóa cộng đồng; Đề tài Bảo tồn văn hoá phi vật thể qua tổ chức mô hình Ngày hội Văn hoá các dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh.
Những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể vùng có nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được coi là nguồn tài nguyên vô giá phục vụ cho ngành du lịch phát triển. Nhờ đó, hoạt động du lịch, nhất là du lịch cộng đồng ở một số làng bản có nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm nguồn thu nhập cho đồng bào. Điển hình hiện nay ở tỉnh có Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên). Với 3 sản phẩm: Kiến trúc là nhà sàn miền núi, ẩm thực dân tộc và văn hoá truyền thống Tày - Nùng.
Thưởng thức không gian và nghe hát Then tại Làng Nhà Sàn Thái Hải . Ảnh: Hồng Vân.
Mỗi năm Khu Bảo tồn này đón hơn 50 nghìn lượt du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trong đó có hơn 5.000 lượt du khách từ gần 40 Quốc gia thuộc các châu lục trên thế giới. Ông Robert Burgess (Du khách Mỹ) cho biết: Chúng tôi đến đây để được tận mắt chiêm ngưỡng một nét đẹp văn hóa Tày - Nùng cổ; được trải nghiệm cuộc sống với cư dân bản địa thông qua lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần. Tôi đã rất ấn tượng khi được ở trong khung cảnh rừng núi, cùng tham gia các hoạt động nghi lễ tâm linh độc đáo, như Nghi lễ Dựng cây nêu làng, xem hát then cổ, múa rối cạn.
Nhiều du khách trong nước, quốc tế đến thăm vùng có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở Thái Nguyên đều có nhu cầu được tìm hiểu, khám phá và thưởng thức các giá trị nguyên bản nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. “Họ” có ý thức đề cao vai trò, vị trí của người dân bản địa.
Đồng bào dân tộc Dao ở xã Hòang Nông, huyện Đại Từ vẫn lưu giữ những nét văn hóa truyền thông , trong đó có trang phục của dân tộc Dao. Ảnh: Hồng Vân.
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Để du lịch cộng đồng tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển, rất cần sự kết hợp giữa du khách, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cư dân bản địa và chính quyền cơ sở. Nhà nước và các doanh nghiệp, các cá nhân làm du lịch cũng cần biết cách đầu tư, chia sẻ quyền lợi cho cộng đồng các dân tộc thiểu số thông qua hệ thống dịch vụ thuộc cộng đồng như nhà nghỉ của người dân (homestay); bán sản phẩm đồ thủ công, cung cấp dịch vụ ăn uống, đi lại.
Hồng Vân