Tác động của cách mạng 4.0 đến nghề nghiệp, việc làm của thanh niên

Thứ tư, 06/03/2019 - 10:30

Đối với Việt Nam, CM4.0 mới được biết cách đây vài năm,nhưng cho đến nay không phải ai cũng hiểu tường tận về khái niệm này.

Vài nét về Cách mạng 4.0

Cách mạng 4.0 xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013 cho rằng, tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ,... tạo ra những công cụ sản xuất hội tụ giữa thực và ảo và sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.

Theo Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần 4 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần 3, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vậtlý, kỹ thuật số và sinh học”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhà kinh tế trên thếgiới, CM4.0 tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động ở một số ngành, lĩnh vực cụ thể như: Sản xuất - tự động hóa, giao thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp... Làn sóng công nghệ mới này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn những nhu cầu của khách hàng.

Cơ hội và thách thức với Việt Nam ,

Đây vừa là cơ hội và cũng là thách thức với chúng ta đặc biệt là những thách thức mà thị trường lao động mà người lao động Việt Nam phải đối mặt. CM4.0 giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển.Cuộc cách mạng này cũng có thể là nguy cơ tạo ra sự bấtcông lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ tiến trình bình thường của thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa và điều đó có thể làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động.Nhiều lao động tay nghề thấp có thể mất việc làm.

CM4.0 lần này cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với cácnước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Đó là khoảng tụt hậu về kinh tế sẽ ngày càng xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn, dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn. Những ngành nghề từ trước tới nay sử dụng lượng lớn nhân sự tưởng rằng không thể thay thế bằng rô bốt như hệ thống trả lời trong ngành viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán cũng có thể bị đe dọa.

Tóm lại, với CM 4.0 nhiều việc làm có thể được tự động hóa và mất đi. Thay vào đó là các loại việc làm mới ra đời. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới thì 64% trẻ em đang học hiện nay khi ra trường sẽ làm các loại việc chưa từng xuất hiện. Điều này cũng có nghĩa là thị trường lao động sẽ thay đổi, cung cầu lao động sẽ thay đổi.

Năm 2017, cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam cũng ở mức thấp so với khu vực, trong đó tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm xuống chỉ còn 3,19%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng đã thu hẹp. Cũng trong năm này, cả nước đã đưa hơn 130.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vừa mang về cho ngân sách quốc gia nguồn lực tài chính, vừa tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc. Theo dự báo, từ nay đến năm 2025, lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,28%/năm. Lực lượng lao động xã hội sẽ tăng từ gần 55 triệu người năm 2017 lên 62 triệu người vào năm 2025.

Tuy vậy tại thị trường lao động Việt Nam mấy năm qua, số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, vẫn rất cao. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng hơn 200.000 người có trình độ từ đại học trở lên và khoảng 80.000 người có trình độ cao đẳng, đang trong tình trạng tìm kiếm việc làm, hoặc không có việc làm. Nhiều sinh viên khi ra trường, có việc làm, nhưng lại làm trái ngành, nghề được đào tạo. Tình trạng doanh nghiệp tìm cách sa thải lao động từ 35-40 tuổi vì nhiều lý do đã xuất hiện thời gian qua và có xu hướng chưa chấm dứt. Nếu những hạn chế, bất cập nêu trên không sớm được khắc phục thì thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh CM 4.0 có nguy cơ đổ vỡ với quy mô lớn.

Trước cơ hội và thách thức này các bạn trẻ phải làm gì?

Nguồn cung lao động ở Việt Nam chủ yếu là lao động trẻ, trình độ thấp, giárẻ. Hiện nay mới chỉ là 20,01% được đào tạo cơ bản. Còn lại gần 80% không được đào tạo. Trong số 20,01% (số liệu của Tổng cục Dạy nghề), cơ cấu đào tạo cũng không hợp lý, thầy nhiều thợ ít; lực lượng công nhân kĩ thuật bậc cao rất khan hiếm. Bậc trên đại học (thạc sỹ và tiến sỹ), cử nhân, kỹ sư nhiều hơn so với nhu cầu củathị trường lao động.

CM 4.0 sẽ làm mất đi một bộ phận việc làm và tạo ra các loại việc làm mới. Các việc làm kỹ năng thấp, giản đơn, lặp đi lặp lại sẽ dễ bị máy móc, robot thay thế. Ngay cả các loại việc làm có kỹ năng trung bình cũng có thể bị trí tuệ nhân tạo thay thế. Các việc làm mới tạo ra trong CM 4.0 đòi hỏi nhiều kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mềm.

Trong thời đại mà CM 4.0 đang được nhắc đến thường xuyên, hẳn giới trẻ không thể dửng dưng, làm ngơ. Bởi cuộc cách mạng này sẽ tạo ra khả năng hàng tỷ người được kết nối thông qua các thiết bị di động vốn sở hữu những tính năng chưa từng có. Để đáp ứng được sự chuyển đổi lớn đó, các bạn trẻ phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như tư duy học tập, cách nghĩ mới cho bản thân.

Ngoài kiến thức chuyên môn học ở nhà trường, các bạn trẻ cũng cần thiết phải hình thành thói quen đọc sách để tiếp thu kiến thức mới, đặc biệt là các sách ngoại ngữ. CMCN 4.0 diễn ra sẽ tạo một nền trí thức mới chia sẻ qua những nền tảng như Youtube, Google, Facebook... vì thế các bạn co thể hoàn toàn dễ dàng tiếp cận, tích lũy cái mới, cái hay và có nhiều cơ hội để trở thành một công dân toàn cầu.

Các bạn trẻ hãy quan tâm, theo dõi và xác định lại một tâm thế học tập đúng mực, sẵn sàng cho những biến chuyển lớn của CM 4.0. Phải chú trọng học tập các kỹ năng, liên tục được đào tạo và đào tạo lại đáp ứng yêu cầu và văn hóa học tập suốt đời.

Trung Hiếu