Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến xây dựng ý thức quốc phòng của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Thứ ba, 27/06/2023 - 08:00

NCKH - Tóm tắt: Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đến xây dựng ý thức quốc phòng của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội nhân dân Việt Nam là một quá trình khách quan, góp phần hình thành nên ý thức về quốc phòng cho đội ngũ sĩ quan trẻ nhằm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị hiện nay. Chính vì vậy, đánh giá các tác động của quá trình này theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực là việc làm hết sức cần thiết.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, ý thức quốc phòng, sĩ quan trẻ, Quân đội nhân dân Việt Nam

Impact of the Fourth Industrial Revolution on building the defense consciousness of young officers in the Vietnam People's Army

Summary: The impact of the Fourth Industrial Revolution on building the military's national defense consciousness Young officers in the Vietnam People's Army is an objective process, contributing to the formation of a sense of national defense for young officers in order to build the current politically strong Vietnam People's Army. Therefore, assessing the impacts of this process in both positive and negative directions is essential.

Keywords: Fourth Industrial Revolution, national defense consciousness, young officers, Vietnam People's Army

Sĩ quan trẻ Quân chủng Hải quân làm chủ vũ khí trang bị hiện đại

1. Mở đầu

Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đến xây dựng ý thức quốc phòng của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội nhân dân Việt Nam là một quá trình khách quan; trong đó các thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ trực tiếp chi phối, tạo ra những thay đổi sâu sắc đến hoạt động việc hình thành nên ý thức về quốc phòng nhằm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra mạnh mẽ. Chính vì vậy, đánh giá các tác động của quá trình này theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực là việc làm hết sức cần thiết.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Tác động tích cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đến xây dựng ý thức quốc phòng của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội

Một là, CMCN 4.0 góp phần to lớn vào nâng cao hơn nữa giác ngộ chính trị XHCN, củng cố lập trường giai cấp công nhân và hiệu quả chất lượng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng của đội ngũ sĩ quan trẻ

Đội ngũ sĩ quan trẻ có vị trí vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta. Ở đơn vị cơ sở, đội ngũ sĩ quan trẻ là những cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, chỉ huy, quản lý bộ đội thực hiện các nhiệm vụ trên giao. Do đó, tình hình chính trị tư tưởng của bộ đội phụ thuộc rất lớn vào chất lượng công tác của đội ngũ sĩ quan này.

Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH dưới tác động của CMCN 4.0, Đảng ta tiếp tục khẳng định xây dựng QĐNDVN theo hướng cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, trong đó, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở nhằm nâng cao chất lượng và sức chiến đấu của Quân đội. Rõ ràng nếu như áp dụng các thành tựu của CMCN 4.0 vào tiến hành làm tốt công tác phát triển YTQP, tức là tuyên truyền về quan điểm đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng, làm rõ hơn về nhiệm vụ chức năng vai trò quốc phòng trong thời kỳ cách mạng hiện nay, làm cho những tri thức quốc phòng đó thực sự thấm sâu chuyển hoá thành tình cảm, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào và niềm tin của người sĩ quan trẻ về những tri thức quốc phòng sẽ giúp cho họ tin tưởng hơn, trách nhiệm cao hơn, họ sẽ tìm mọi cách khắc phục khó khăn, mọi biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ sao cho có hiệu quả năng suất, chất lượng cao nhất. Nhờ đó, người sĩ quan trẻ không còn dao động và sẽ tuyên truyền giáo dục cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ thuộc quyền tin tưởng hơn, bản thân họ có trách nhiệm sẽ làm gương cho mọi người cũng trách nhiệm theo.

Hai là, CMCN 4.0 góp phần vào việc củng cố cơ sở nền tảng cho quá trình nhận thức và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng với cương vị cao hơn mà sau này đội ngũ sĩ quan trẻ đảm nhiệm

Thông qua việc phát triển YTQP của đội ngũ sĩ quan trẻ, bản thân đội ngũ sĩ quan này luôn có ý thức trách nhiệm tìm tòi khám phá nhận thức ngày càng tiếp cận đầy đủ đúng đắn hơn những tri thức về quan điểm đường lối quốc phòng của Đảng, về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, về xây dựng lực lượng vũ trang... Nhờ có kết quả của quá trình xây dựng YTQPmà trong nhận thức cũng như phương pháp tư duy về quốc phòng đội ngũ này luôn có được một phương pháp tư duy mang tính hệ thống chặt chẽ, tránh được cách tư duy rời rạc, thiếu đồng bộ, phiến diện. Quá trình phát triển tư duy ý thức nói chung đòi hỏi chủ thể phải có phương pháp tư duy tích cực, hệ thống đồng bộ, đặc biệt là trong tư duy về vấn đề quốc phòng thì sự đòi hỏi hệ thống đồng bộ càng phải cao bởi vì nó liên quan tới sự mất còn, sự tồn vong, sự an nguy, thịnh suy của một quốc gia dân tộc và nhất là trong đó có lĩnh vực quân sự thì sự liên quan tới tính mệnh của những con người cụ thể là vấn đề trực tiếp đặt ra. Vì thế mà những người ở cương vị chức vụ nhỏ thì sự liên quan ảnh hưởng ở phạm vi hẹp, còn những người ở cương vị chức vụ càng cao thì ảnh hưởng phạm vi càng rộng. Do đó, kết quả của quá trình xây dựng YTQP của đội ngũ sĩ quan trẻ chính là cơ sở nền tảng cho sự nhận thức mang tính hệ thống đồng bộ của những sĩ quan này khi được đảm nhận ở cương vị chức vụ cao hơn. Mặt khác, nhiệm vụ càng nặng nề, tính tích chất càng quan trọng thì tính phong phú phức tạp trong hoạt động quốc phòng càng lớn, đòi hỏi trong quá trình nhận thức và hành động chủ thể càng phải có cách nhìn tổng quát, tìm ra mối liên hệ bản chất mà giải quyết, tìm ra mâu thuẫn chủ yếu trước mắt mà khắc phục.

Do đó, kết quả của quá trình xây dựng YTQP trong bối cảnh có sự tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0 có vai trò rất to lớn đối với quá trình nhận thức của người sĩ quan trẻ khi họ được phát triển lên cấp bậc cao hơn, vị trí tổ chức lãnh đạo chỉ huy cao hơn. Nếu không được xây dựng YTQP khi người cán bộ đó được đề bạt giữ cương vị cao dễ bị lúng túng, xử lý tình huống kém linh hoạt sẽ dẫn tới kết quả nhận thức và hoạt động thực tiễn không cao, ảnh hưởng rất lớn tới đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, đặc biệt là kết quả hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng.

Ba là, những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư nhận thức của sĩ quan trẻ về nghệ thuật quân sự Việt Nam, trước hết là nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu đang đối diện với những yêu cầu, đòi hỏi mới của chiến tranh công nghệ cao

Với những thành tựu khoa học và công nghệ, nhất là của cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc chiến tranh trong tương lai (nếu xẩy ra) sẽ là cuộc chiến tranh công nghệ cao, có sử dụng vũ khí trang bị hiện đại, chính xác, thông minh, sát thương cao, hủy diệt lớn. Nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam có phát huy được hay không, đang là vấn đề đặt ra đối với việc đổi mới phương thức huấn luyện, tác chiến, trang bị, cách đánh và sẵn sàng chiến đấu của quân đội và các lực lượng vũ trang. Trong cuộc chiến tranh có thể sử dụng vũ khí công nghệ cao phương thức tác chiến sẽ có sự thay đổi cơ bản so với các cuộc chiến tranh trước đây. Đặc điểm, xu hướng phát triển đó đòi hỏi chúng ta phải quan tâm nghiên cứu để xây dựng chiến lược, chiến thuật tác chiến trong chiến tranh công nghệ cao; có biện pháp tổ chức giáo dục, huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Theo đó, việc đổi mới Quân đội phù hợp với phương thức tác chiến dựa trên tinh thần vừa làm chủ vũ khí công nghệ cao, vừa được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, với cách đánh mới, hiệu quả đang là yêu cầu lớn đối với quân đội và các lực lượng vũ trang hiện nay. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đang đòi hỏi quân đội và các lực lượng vũ trang phải vượt qua thử thách do tác động của CMCN 4.0.

Bốn là, xây dựng YTQP của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội ta dưới tác động của CMQN 4.0 sẽ khắc phục những hạn chế trong nhận thức và cách tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng

Nếu như trước kia nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (một trong hai nhiệm vụ chiến lược) ta chỉ nhấn mạnh tới độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thì ngày nay tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc không chỉ dừng lại ở độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà nó được mở rộng ra cả bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ thắng lợi sự nghiệp đổi mới CNH, HĐH đất nước. Do đó, nhiệm vụ quốc phòng trong thời đại 4.0 cũng được mở rộng hơn so với trước kia.

Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang lan tỏa, nhờ có quá trình xây dựng YTQP, người sĩ quan trẻ luôn ý thức được vai trò trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp quốc phòng toàn dân của dân tộc. Họ tích cực chủ động định liệu mọi hoạt động trong các tình huống, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, làm cho mọi người hiểu rằng sự nghiệp quốc phòng, công tác quốc phòng không phải chỉ riêng là nhiệm vụ quân sự. Phải làm cho mọi người thấy rõ hoạt động quân sự chỉ là một mặt của hoạt động quốc phòng mà thôi. Sự nghiệp quốc phòng hiện đại phải là sự nghiệp quốc phòng toàn dân, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng phải là của tất cả mọi người, mọi cấp, mọi ngành, mọi lực lượng, thời gian tiến hành sự nghiệp quốc phòng phải được xác định gắn với sự tồn vong thịnh suy của quốc gia dân tộc. Phải thấy rõ sức mạnh quốc phòng của một quốc gia không chỉ quyết định bởi sức mạnh quân sự mà nó còn phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế, sức mạnh chính trị, tinh thần dân tộc, trình độ văn hoá khoa học kỹ thuật và đặc biệt là yếu tố sức mạnh con người, do vậy phải có tư duy hiện đại phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp quốc phòng trong thời kỳ mới.

Trong điều kiện có sự lan tỏa của các thành tựu mà CMCN 4.0 mang lại, đòi hỏi sĩ quan trẻ thường xuyên cảnh giác, luôn nhận thức đúng kẻ thù, đánh giá đúng tình hình tương quan lực lượng. Có nhận thức đúng về kẻ thù ta mới chủ động có đường lối chiến sách lược, có nghệ thuật quân sự, có sự chuẩn bị về vũ khí trang bị hiện đại và các hình thức tác chiến phù hợp với đối tượng địa bàn tác chiến. Có đánh giá đúng tương quan lực lượng ta mới chủ động về thời gian tiến hành và kết thúc chiến tranh, “quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ”.

2.2. Tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đến xây dựng ý thức quốc phòng của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội

Một là, c ác thế lực thù địch triệt để lợi dụng các thành tựu của CMCN 4.0 đặc biệt là về khoa học và công nghệ hiện đại để chống phá trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tác động sâu sắc đến công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội

Trong nhiều năm qua, thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” xóa bỏ CNXH, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã triệt để sử dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại để tiến công, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa. Lợi dụng vào nhu cầu tìm hiểu thông tin của mỗi người, các phần tử phản động đã sử dụng chiêu trò tạo ra các website giả mạo với thiết kế giao diện, các chuyên mục thông tin, đăng ký tên miền gần như website thật, thậm chí lấy thẳng tên miền, tên website như một tờ báo điện tử thật và ung dung đăng tin tức, thu quảng cáo như một tờ báo chính thống. Ngoài ra, các đối tượng còn lập và sử dụng hàng ngàn website, blog, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến như các trang: “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Châu Xuân Nguyên”, “Anh Ba Sàm”, “Tin tức hàng ngày”, “Tạp chí sự thật”, “Người buôn gió”... Từ đó, bằng các chiêu trò tạo dựng, phát tán các thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, biến có thành không, không thành có, thật giả lẫn lộn, để lôi kéo, hướng lái dư luận ngả theo quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động mà người đọc khó kiểm chứng hết được.  Lợi dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, các học giả tư sản theo thuyết “kỹ trị” lừa mị rằng, ngày nay các nhà kỹ thuật, công nghệ mới là “thuyền trưởng” và “hoa tiêu” dẫn dắt sự phát triển xã hội, giữ vai trò lãnh đạo xã hội, phủ nhận chủ nghĩa Mác.

Sự phát triển của CMCN 4.0 sẽ là sự quan tâm hàng đầu của các thế lực thù địch, để chúng lợi dụng chống phá Quân đội ta. Hơn nữa, sự bùng nổ thông tin nhiều chiều đều thông qua các phương tiện khoa học, công nghệ hiện đại; trong khi đó, các phương tiện kỹ thuật, trang bị phục vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận của quân đội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn hẹp. Việc quản lý cán bộ, chiến sĩ tham gia, truy cập vào các trang mạng xã hội để định hướng nhận thức tư tưởng đúng đắn vẫn đang là vấn đề nan giải. Những thực tế đó đã tác động sâu sắc đến chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận và đấu tranh tư tưởng, lý luận của đội ngũ sĩ qan trẻ trong Quân đội hiện nay.

Hai là, CMCN 4.0 tạo ra những cơ hội, thuận lợi đồng thời tạo ra khó khăn, thách thức đối với công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Q uân đội trong tình hình mớ i

Trong công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng và mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ có thể sử dụng những thành tựu của khoa học vào công tác đấu tranh; sử dụng công nghệ thông tin để thu thập, xử lý, lưu trữ thông tin, toán học hóa các chương trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; xây dựng cơ sở khoa học để ra quyết định trong đấu tranh, tổ chức thực hiện quyết định kịp thời, có hiệu quả nhanh nhất.

Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại cũng đang làm nảy sinh những nghịch lý: đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc diễn ra gay go, quyết liệt, dễ làm cho con người ngộ nhận, hiểu sai về mối quan hệ giữa khoa học và chính trị, giữa khoa học và công tác tư tưởng, lý luận. Điều đó đòi hỏi trong đấu tranh tư tưởng, lý luận, người sĩ quan trẻ vừa phải biết tận dụng các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại mà CMCN 4.0 mang lại sử dụng trong đấu tranh, nhưng đồng thời, phân biệt rõ mặt xã hội và mặt kỹ thuật tự nhiên để khẳng định vai trò con người quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Trong thời đại 4.0, để bảo đảm đấu tranh tư tưởng, lý luận có chất lượng, hiệu quả, đòi hỏi các cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là sĩ quan trẻ phải có tri thức toàn diện, biết tổ chức các hoạt động đấu tranh có chất lượng, hiệu quả; đồng thời phải có năng lực làm chủ, tinh thần tự trọng, ý thức học tập vươn lên. Thực tiễn những vấn đề đang đặt ra là những thách thức to lớn trong lĩnh vực đấu tranh tư tưởng, lý luận của Quân đội nhằm xây dựng, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội; giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, luôn làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Ba là, CMCN 4.0 đòi hỏi công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận của đội ngũ sĩ quan trẻ trong QĐNDVN phải giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn nảy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN thời kỳ mới

Âm mưu cơ bản, lâu dài của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch là xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ XHCN, đưa nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Để thực hiện âm mưu đó, chúng thường xuyên chống phá quyết liệt bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” - một chiến lược phản cách mạng diễn ra quyết liệt, phức tạp, lâu dài. Trong chiến lược này, tấn công trên mặt trận tư tưởng, lý luận được chúng coi là “mũi đột phá”, hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “những khoảng trống” để dần đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong Quân đội và nhân dân, từng bước chuyển hóa, xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, các blog để chuyển tải thông tin, quan điểm sai trái, thù địch và móc nối, tổ chức lực lượng chống đối chế độ XHCN, “phi chính trị hóa” Quân đội.

Cuộc CMCN 4.0 ra đời, phát triển mạnh mẽ sẽ tạo ra những khó khăn, thách thức nảy sinh và diễn biến phức tạp đòi hỏi công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận trong Quân đội phải giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề mâu thuẫn, bất cập trong hoạt động quân sự, trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Các cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng và mọi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là sĩ quan trẻ cần tích cực, chủ động nghiên cứu, nắm bắt những cơ hội thuận lợi do cuộc cách mạng đem lại, đồng thời đề cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn, bất cập do tác động của cách mạng 4.0 nhằm nâng cao YTQP, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận của Quân đội trong tình hình mới.

3. Kết luận

Hiện nay, CMCN 4.0 đang thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới, bởi các nước đều coi phát triển công nghệ cao là hướng đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất, tăng trưởng kinh tế, tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội. Với tinh thần đó, trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh với sự tác động của cách mạng công nghệ lần thứ tư sẽ có nhiều thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên thế giới có những tác động nhất định đến Việt Nam, tác động đến các hoạt động của QĐNDVN nói chung và YTQP của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội nói riêng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp ở các mức độ khác nhau. Đây là một vấn đề cần được tiếp tục quan tâm, nghiên cứu làm rõ ở nhiều cấp độ, phạm vi khác nhau.

TS. Uông Thiện Hoàng

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Quốc phòng (2020), Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc điều chỉnh, bổ sung danh sách liên kết giáo dục quốc pòng và an ninh , số 2320/QĐ-BQP, ngày 25/7/2020 , Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2019), Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, số 51-KL/TW, ngày 30/5/2019,Hà Nội.

3. Hà Thành (1999), “Hịch Tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn dưới góc độ giáo dục quốc phòng ”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân , (4).

4. Huỳnh Thành Đạt (2016), “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra với chính sách khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam”, Tài liệu hội thảo Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

5. Quốc hội (2013), Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

CNBM, Khoa CTĐ, CTCT, Học viện Chính trị, BQP